Xuyên tâm liên – Vị thuốc được dùng trong điều trị SARS-CoV-2
Xuyên tâm liên được xem là loại kháng sinh thực vật có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chủ trị bệnh về hô hấp, viêm nhiễm, đau nhức xương khớp. Không ít tài liệu Đông y và nghiên cứu khoa học hiện đại đã chỉ ra tác dụng của loại dược liệu này đối với sức khỏe. Để hiểu rõ hơn về cây thuốc, hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây.
Xuyên tâm liên là gì?
Xuyên tâm liên – dược liệu có tên khoa học là Andrographis paniculata (Burm.f.) Nees, thuộc họ Ô rô. Tại Việt Nam, dược liệu này còn được gọi với nhiều cái tên khác nhau như cây hùng bút, cây công cộng, khổ đởm thảo, lãm hạch liên, cây lá đắng, nhất kiến hỷ…
Từ xa xưa, dân gian đã sử dụng thân và lá xuyên tâm liên để trị các bệnh liên quan đến nhiễm trùng, sốt, ho, tiêu chảy… Trong thời kỳ chiến tranh ở miền Nam do sự khan hiếm thuốc Tây nên dược liệu này được bộ đội và đồng bào sử dụng rất phổ biến.
Đặc điểm sinh trưởng
Dược liệu xuyên tâm liên là cây ưa bóng, sinh trưởng ở nhiệt độ từ 22-26°C. Khi nhiệt độ và độ ẩm tiêu chuẩn được đảm bảo cây sẽ phát triển tốt.
Trong tự nhiên, xuyên tâm liên chủ yếu được tìm thấy ở miền núi, khu vực có khí hậu mát mẻ với những đặc điểm nhận biết như sau:
- Dược liệu là loại cây nhỏ, sống từ 1-2 năm, thân thẳng đứng và cao khoảng 0.3-0.8m, một số ít cây có thể cao tới 1m.
- Thân cây thuốc vuông, nhiều đốt, dọc thân có nhiều rãnh nhỏ và các nhánh.
- Hoa dược liệu có màu trắng, phần giữa màu hồng, thường mọc ở ngọn hoặc phần nách lá.
- Lá xuyên tâm liên mọc đối xứng, có hình mũi mác hoặc hình trứng dài, phần cuống ngắn. Lá nhọn về 2 đầu, tù lại ở giữa, mặt nhẵn, phiến lá màu xanh lục.
- Dược liệu có quả nang, kích thước khoảng 3.5x16mm, hạt thuôn dài, hình trụ và thường có màu vàng nhạt.
Đặc điểm phân bố
Xuyên tâm liên có nguồn gốc tại các nước châu Á như Ấn Độ, Sri Lanka. Khi giá trị dược chất của cây thuốc này được khai phá, không ít quốc gia khu vực Đông Nam Á, Nam Á, châu Phi, Australia, Trung Mỹ đã tiến hành di thực và nuôi trồng. Nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất thuốc, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe trong nước.
Ngoài ra, dược liệu cũng được trồng nhiều tại Việt Nam, Trung Quốc với mục đích làm thuốc.
Thu hái và bào chế
Thời điểm thu hái: Khi cây bắt đầu ra hoa là thời điểm thu hái tốt nhất. Thông thường, thân và lá cây được thu hái vào mùa Hạ, đến mùa Đông phần rễ mới được thu hoạch.
Bộ phận dùng: Toàn bộ thân và lá xuyên tâm liên, một số bài thuốc cũng sử dụng cả rễ của dược liệu.
Chế biến: Dược liệu sau khi thu hái sẽ được rửa sạch, sau đó cắt thành khúc ngắn chừng 4-5cm rồi đem phơi khô hoặc sấy. Cuối cùng bảo quản ở nơi khô ráo, kín gió.
Quy kinh, tính vị
Quy kinh: Xuyên tâm liên quy vào kinh Phế, kinh Can.
Tính vị: Vị đắng, tính hàn.
Liều dùng, cách dùng
Người trưởng thành nên dùng 6-15g xuyên tâm liên/ngày. Có thể dùng dược liệu ở nhiều dạng khác nhau như nước sắc, bột, thuốc viên hoàn… Tuy nhiên nên tham khảo ý kiến bác sĩ, thầy thuốc có kinh nghiệm trước khi sử dụng để đảm bảo sức khỏe.
Cây, lá xuyên tâm liên có tác dụng gì?
Trong xuyên tâm liên dược liệu chứa hàm lượng chất tương tự như kháng sinh tự nhiên, đem lại hiệu quả cao trong hỗ trợ điều trị bệnh lý. Cả y học cổ truyền (YHCT) và y học hiện đại đã thừa nhận đặc tính, lợi ích của các dược chất trong vị thuốc này đối với sức khỏe con người.
Công dụng của cây và lá xuyên tâm liên theo YHCT
Theo các y thư cổ, dược liệu giúp trừ thấp, tiêu thũng, chỉ thống, hoạt huyết, thanh nhiệt, giải độc. Qua đó hỗ trợ điều trị hiệu quả các bệnh về hô hấp, tiết niệu, viêm ngứa, xương khớp, đau nhức cơ, mụn nhọt, amidan, đau bụng kinh…
Trong cuốn sách về dược liệu nổi tiếng “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS.TS Đỗ Tất Lợi xuất bản năm 1962, xuyên tâm liên được nhắc đến là vị thuốc tốt cho bệnh nhân viêm, đau nhức xương khớp, giải độc rắn cắn.
Ngoài ra, dân gian còn lưu truyền nhiều bài thuốc sử dụng xuyên tâm liên để trị bế kinh, bồi bổ cơ thể cho nữ giới sau sinh và xử lý các bệnh do virus gây ra. Đông y cũng thường sử dụng cây thuốc trong chữa trị bệnh về đường hô hấp, tai mũi họng do vi khuẩn gây nên.
Y học cổ truyền Trung Hoa còn sử dụng lá xuyên tâm liên khô để điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu, tiểu buốt cùng nhiều bệnh lý khác liên quan.
Tác dụng của vị thuốc theo quan điểm của Tây y
Theo các nghiên cứu của y học hiện đại, trong cây xuyên tâm liên có chứa hàm lượng lớn acid hữu cơ, tanin, đường và các vitamin nhóm A, B, C.
Riêng phần lá của dược liệu có nhiều hoạt chất quý như neoandrographolid, deoxyan-drographolide, panicolide, andrographolide, homoandrographolide và lượng nhỏ andrographosterin, andrographan, andrographon. Còn rễ cây chứa 4′-dimethyl ether, mono-O-methylwithtin, andrographin, apigenin-7…
Nhờ hàm lượng dược chất dồi dào, dược liệu đem lại nhiều lợi ích sức khỏe. Cụ thể như sau:
- Hỗ trợ điều trị bệnh lý liên quan đến đường hô hấp như viêm phế quản cấp và mãn tính, ho lâu ngày có đờm, tức ngực, khó thở.
- Chống viêm và ức chế hoạt động của các loại vi khuẩn như Bacillus subtilis và Streptococcus aureus, Klebsiella pneumonia, Enterococcus faecalis, Proteus Vulgaris và cả Streptococcus pyogenes.
- Chặn đứng các phản ứng dây chuyền có thể gây tổn hại cho tế bào, triệt tiêu các gốc tự do, ngăn chặn các phản ứng oxy hóa khác.
- Giảm cơn đau đầu, hạ sốt hiệu quả cho các bệnh nhân bị cảm cúm.
- Trị bệnh lý viêm loét dạ dày, viêm phổi và thải nọc độc cho bệnh nhân bị rắn cắn.
- Cải thiện rối loạn kinh nguyệt, mất kinh ở chị em phụ nữ.
- Hỗ trợ cải thiện triệu chứng bệnh gan, vàng da.
- Do có đặc tính kháng viêm, kháng khuẩn nên dược liệu còn hỗ trợ điều trị các bệnh ngoài da như tróc lở, mụn nhọt, áp xe, viêm ngứa da.
Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, một số quốc gia như Malaysia, Indonesia, Thái Lan đã sử dụng xuyên tâm liên trong điều trị triệu chứng bệnh. Nghiên cứu mới nhất của Viện Nghiên cứu y học cổ truyền Thái Lan còn cho thấy, trong vòng 3 ngày sau khi sử dụng dược liệu triệu chứng mắc COVID-19 của các tình nguyện viên đã cải thiện rõ rệt.
Tại Việt Nam, dược liệu này cũng đã được đưa vào sử dụng trong phác đồ hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Đối với các F1 đang cách ly tại nhà và có dấu hiệu mệt mỏi cũng có thể tham khảo sử dụng xuyên tâm liên.
10+ bài thuốc từ cây và lá xuyên tâm liên
Dược liệu xuyên tâm liên được sử dụng trong không ít bài thuốc y học cổ truyền và cho hiệu quả rất tích cực. Dưới đây là một số bài thuốc đang được lưu truyền rộng rãi hiện nay:
Bài thuốc hỗ trợ ngăn ngừa và trị COVID-19:
Để nâng cao miễn dịch, hỗ trợ điều trị COVID-19 người dân có thể sử dụng xuyên tâm liên theo hướng dẫn sau:
- Chuẩn bị: Dược liệu phơi khô rồi đem đi tán thành bột mịn.
- Cách làm: Mỗi lần dùng 2g bột thuốc chiêu cùng nước ấm. Dùng như vậy 3 lần/ngày để có được sức khỏe tốt nhất.
Bài thuốc thanh nhiệt, thải độc cơ thể:
- Chuẩn bị: 30g xuyên tâm liên sấy khô hoặc sao vàng.
- Cách làm: Đem dược liệu rửa sạch, để ráo rồi cho vào ấm sắc cùng 1l nước. Tiếp tục đun với lửa nhỏ cho đến khi nước trong ấm cạn còn 1 cốc, cuối cùng chắt lấy thuốc và uống khi còn nóng. Sử dụng đều đặn mỗi ngày 1 lần để đào thải độc tố hiệu quả.
Bài thuốc chữa viêm gan B:
- Chuẩn bị: Dùng 15g xuyên tâm liên và 25g mỗi vị xạ đen, cà gai leo.
- Cách làm: Cho các dược liệu đã chuẩn bị vào ấm đã có 1l nước. Đun thuốc trong khoảng 1 giờ với lửa nhỏ rồi tắt bếp. Lượng nước thu được chắt hết ra uống trong ngày, nên dùng liên tục mỗi ngày 1 thang trong vòng 3 tháng để cải thiện bệnh tình.
Bài thuốc chữa áp xe:
- Chuẩn bị: 1 nắm lá dược liệu, muối hạt, nước sạch.
- Cách làm: Lá thuốc sau khi rửa sạch rồi giã nát cùng chút muối hạt, khi lá thuốc đã nhuyễn thì chắt lấy nước cốt và uống hết. Phần bã thuốc bọc vào khăn mềm và đắp lên vùng áp xe, mỗi ngày làm 1 lần khối áp xe sẽ được loại bỏ.
Bài thuốc chữa viêm da, tróc lở:
- Chuẩn bị: Dược liệu khô hoặc tươi. Nếu dùng loại tươi thì cần sao vàng.
- Cách làm: Cho dược liệu vào nấu cùng 3-5l nước sạch trong 30 phút. Sau đó chắt lấy phần nước cùng để xông vùng da bị bệnh, khi nước nguội hẳn thì dùng để tắm. Nếu duy trì tắm bằng lá xuyên tâm liên ngày 1 lần tình trạng viêm da, tróc lở sẽ được cải thiện đáng kể.
Bài thuốc chữa viêm phổi, phế quản, viêm xoang:
- Chuẩn bị: Xuyên tâm liên, củ mạch môn, kim ngân hoa, củ bách bộ.
- Cách làm: Đem nguyên liệu đi sắc cùng 1 lít nước, sau khoảng 30 phút thì tắt bếp và chắt thuốc ra để dùng trong ngày. Mỗi ngày dùng 1 thang như vậy, nên duy trì trong 1 tuần để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Dùng xuyên tâm liên trị ho do lạnh:
- Chuẩn bị: 12g dược liệu; 10g mỗi vị địa cốt bì và tang bạch bì; 8g cam thảo.
- Cách làm: Đem các dược liệu sắc cùng 3 bát nước đến khi còn 1 bát thì dừng lại. Lượng nước thu được chia làm 2 lần và dùng hết trong ngày. Nên sử dụng nước thuốc khi còn ấm, uống liên tục trong 5 ngày để trị dứt cơn ho.
Trị viêm họng, amidan:
- Chuẩn bị: Kết hợp xuyên tâm liên, kim ngân cành, huyền sâm, mạch môn.
- Cách làm: Sau khi rửa sạch, cho các dược liệu vào ấm sắc với nước. Mỗi ngày dùng 1 thang như vậy, duy trì liên tục trong 7-10 ngày.
Chữa đau đầu, cảm mạo:
- Chuẩn bị: 45g dược liệu đã tán thành bột mịn.
- Cách làm: Mỗi lần dùng 2g chiêu với nước ấm, ngày dùng 3 lần như vậy. Sau khi kết thúc 5 ngày thuốc nên cho bệnh nhân ăn cháo để giải cảm.
Bài thuốc trị chứng tiểu buốt và tiểu rắt:
- Chuẩn bị: 1 nắm lá dược liệu tươi.
- Cách làm: Đem dược liệu rửa sạch, giã nát sau đó lọc lấy nước và trộn cùng 1 thìa mật ong. Mỗi ngày dùng 1 lần để cải thiện tình trạng tiểu tiện.
Bài thuốc chữa rắn cắn:
- Chuẩn bị: 10-20g xuyên tâm liên.
- Cách làm: Đem dược liệu đi sắc lấy nước uống hoặc tác bột, đều đặn mỗi lần dùng 2-4g, ngày thực hiện 2-3 lần.
Dùng dược liệu trị lỵ do thấp và nhiệt:
- Chuẩn bị: Xuyên tâm liên, mã xỉ hiện.
- Cách thực hiện: Đem các dược liệu đi rửa sạch và sắc với 3 bát nước, khi cô cạn còn 1 bát thì dừng lại. Nước thuốc thu được uống hết trong 1 lần (chỉ sử dụng khi ấm).
Bài thuốc trị mụn:
- Chuẩn bị: Lá thuốc dạng tươi.
- Cách làm: Dược liệu rửa sạch rồi giã nát, sau đó vắt lấy nước cốt và thoa lên vùng da bị mụn. Với phần bã cũng có thể đắp lên da trong 15 phút rồi rửa sạch với nước. Dùng xuyên tâm liên trị mụn theo cách này sẽ thấy hiệu quả khi thực hiện kiên trì, đúng hướng dẫn.
Bên cạnh đó, dân gian còn sử dụng lá xuyên tâm liên chữa nấm, mụn ghẻ bằng cách nấu nước tắm hoặc lấy nước cốt thoa trực tiếp lên vùng da tổn thương.
Những kiêng kỵ trong sử dụng xuyên tâm liên
Tuy xuyên tâm liên là vị thuốc được y học đánh giá cao nhưng nếu dùng sai cách có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Do vậy, mỗi người nên chủ động tìm hiểu thông tin và tham khảo ý kiến bác sĩ, người có chuyên môn trước khi dùng. Tránh việc tự ý sử dụng, tăng giảm liều lượng so với đơn thuốc đã được kê.
Vị thuốc này chống chỉ định trong các trường hợp sau:
- Nữ giới đang trong thời kỳ mang thai, người đang cho con bú tuyệt đối không được sử dụng dược liệu.
- Các bệnh nhân có tiền sử hoặc đang mắc chứng tỳ vị hư hàn cũng không nên sử dụng.
- Nhóm bệnh nhân bị rối loạn đông máu, người đang có vết thương, đang bị chảy máu, bị chấn thương hoặc vừa thực hiện phẫu thuật không dùng dược liệu.
- Những người bị huyết áp thấp tránh dùng xuyên tâm liên.
- Bệnh nhân đang gặp các vấn đề về sinh sản, nhất là người khó thụ thai.
- Đối tượng đang sử dụng thuốc chống đông máu, thuốc ức chế miễn dịch và kháng tiểu cầu cần hết sức thận trọng khi sử dụng vị thuốc này.
Cây xuyên tâm liên bán ở đâu uy tín? Giá bao nhiêu 1kg?
Xuyên tâm liên là dược liệu mang nhiều giá trị sức khỏe, do vậy mà ngày càng có nhiều người “săn lùng” và tìm kiếm vị thuốc này. Chính vì thế, thị trường mua bán dược liệu đang có sự hỗn loạn, nhiều cá nhân, tổ chức đã quảng cáo, rao bán sản phẩm không chất lượng, trà trộn hàng giả nhằm trục lợi. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng lớn đến niềm tin mà còn đe dọa trực tiếp sức khỏe của người dùng, khiến không ít người lâm vào cảnh “tiền mất, tật mang”.
Do đó, tốt nhất bạn đọc nên tìm mua dược liệu xuyên tâm liên tại những cơ sở, đơn vị uy tín chuyên cung cấp dược liệu sạch trên thị trường để đảm bảo an toàn nhất cho sức khỏe.
Như vậy bài viết đã chia sẻ chi tiết về dược liệu xuyên tâm liên và các thông tin về địa chỉ mua bán, mức giá… để bạn đọc tham khảo. Hy vọng những nội dung trên đây đã giúp người dùng nắm được kiến thức tổng quan về cây thuốc quý này, qua đó biết cách sử dụng an toàn để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình tốt nhất.