Cây hoàng liên ô rô

Cây hoàng liên ô rô hay thường được gọi với tên cây mật gấu là một loại thuốc quý với nhiều công dụng chữa bệnh hiệu quả trong Đông Y. Đây là một loại cây khó kiếm vì nó hay mọc ở những vùng rừng núi cao. Dưới đây là một số thông tin về cây hoàng liên ô rô để bạn hiểu thêm về công dụng của nó.

"<yoastmark

1/ Tên gọi, chủng loại

Tên gọi khác: hoàng mộc, hoàng bá gai, mật gấu, thập đại công lao…

Tên khoa học: Mahonia bealei.

Họ: cây thuộc họ hoàng liên gai có pháp dang khoa học là Berberidaceae.

2/ Đặc điểm sinh thái

Mô tả

Cây hoàng liên ô rô là một loại cây bụi lớn có thân cao từ 2 – 3m, thân và rễ cây thường có màu vàng.

Lá cây thuộc loại lá kép hình lông chim, mọc so le với nhau và thường có chiều dài 15 – 35cm. Mỗi lá cây thường mang từ 7 – 15 lá chét không có cuống (chỉ có lá chét tận cùng mới có cuống), hình bầu dục dài khoảng 3 – 9cm, rộng 2,5 – 4,5cm. Lá cây thường rất dày và cứng, đầu lá nhọn sắc, mép lá có nhiều gai nhọn.

Hoa có màu vàng mọc thành từng cụm ngắn hơn lá ở phần ngọn cây. Hoa có 6 cánh, nhỏ hơn lá đài bên trong, bao phấn dài hơn chỉ nhị

Mùa hoa thường bắt đầu vào tháng 10 – 11, mùa quả thường từ tháng 12 – 2.

Phân bố

Trên thế giới, cây hoàng liên ô rô phân bố chủ yếu ở miền nam Trung Quốc thuộc các tỉnh như An Huy, Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tô, Giang Tây, Thiểm Tây, Chiết Giang, Tứ Xuyên, Phúc Kiến và một số nước như Nê Pan, Ấn Độ…

Ở Việt Nam, cây mọc chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên và ven rừng một số núi cao như Phan-xi-păng, Bát Xát.

Cây có vị đắng, tính mát thường được dùng để chữa trị đau mắt, bệnh tiêu hóa
Cây có vị đắng, tính mát thường được dùng để chữa trị đau mắt, bệnh tiêu hóa

3/ Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

Bộ phận được sử dụng: toàn bộ cây gồm rễ, thân, lá, quả.

Thu hái: rễ, thân và lá cây được thu hái quanh năm. Quả cây được thu hái vào mùa quả từ tháng 12 – 2.

Chế biến: cây hoàng liên ô rô sau khi thu hái xong đem đi rửa sạch, phơi khô để làm dược liệu chữa bệnh.

Bảo quản: dược liệu phơi khô từ cây phải được cất trong bao hoặc bì kín, để ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh để nơi ẩm thấp dễ làm hư hỏng thuốc.

4/ Thành phần hóa học

Trong cây hoàng liên ô rô chứa các thành phần hóa học gồm berberin, berbainin, oxyacanthine, isotetrandrin, palmatin, jatrorrhizin.

5/ Tính vị, quy kinh

Cây hoàng liên ô rô có vị đắng, tính mát. Quy kinh vào kinh phế, vị, can, thận.

6/ Tác dụng dược lý

Theo nghiên cứu khoa học hiện đại

Theo nghiên cứu của Weicheng Hu, dịch chiết từ lá hoàng liên ô rô có tác dụng loại bỏ các gốc oxy hóa, berberin trong dịch chiết có khả năng ức chế sự phát triển của ung thư ruột kết.

Theo thí nghiệm của Zeng X, các alkaloid được chiết xuất từ rễ cây có tác dụng ức chế sự phát triển của virus cúm A ở nồng độ 0,25 mg/ml.

Theo nghiên cứu của Ma WK cho thấy các thành phần của dịch chiết từ cây hoàng liên ô rô có tác dụng điều trị viêm ruột và ung thư đại tràng.

Các thành phần hóa học của cây như bernerin, palmatin và các alkaloid có khả năng kháng khuẩn, kháng nấm và kháng virus.

Theo y học cổ truyền

Trong y học cổ truyền, cây hoàng liên ô rô có vị đắng, tính mát thường được sử dụng để chữa trị các bệnh như chữa kiết lỵ, tiêu chảy, viêm ruột, ăn uống không tiêu, đau mắt, dị ứng, mẩn ngứa…

7/ Liều lượng, cách dùng

Mỗi lần sử dụng khoảng 8 – 12g dược liệu khô đem đi sắc nước uống hoặc kết hợp với các vị thuốc khác.

Dược liệu từ cây sau khi phơi khô dùng để chữa bệnh
Dược liệu từ cây sau khi phơi khô dùng để chữa bệnh

8/ Một số bài thuốc từ cây hoàng liên ô rô

Chữa kiết lỵ, tiêu chảy, viêm ruột, ăn không tiêu

Dùng các dược liệu gồm hoàng liên ô rô 15g, rễ cốt khí củ 15g đem đi thái nhỏ và sắc nước uống. Mỗi lẫn sắc chia làm hai lần uống mỗi ngày.

Nếu không dùng thuốc sắc bạn có thể tán các nhỏ các vị thuốc trên thành bột để uống.

Chữa đau mắt đỏ, viêm gan, vàng da

Đem hoàng liên ô rô 15g, hạ khô thảo 10g sắc nước uống mỗi ngày để cải thiện tình trạng bệnh.

Chữa viêm da dị ứng, mẩn ngứa, mụn nhọt

Dùng hoàng liên ô rô 15g, lá khổ sâm 20g đem đi nấu lấy nước để rửa vùng da bị viêm hay mẩn ngứa.

Chữa ung thư gan

Đem các dược liệu gồm hoàng liên ô rô 30g, cây long quỳ 30g đem đi sắc nước uống mỗi ngày một thang.

Chữa ung thư mũi họng

Dùng hoàng liên ô rô 60g, thạch bì 40g, hạ khô thảo 45g, cam thảo 9g đem đi sắc nước uống mỗi ngày.

Chữa ung thư phổi

Dùng hoàng liên ô rô 15g, thạch quyết minh 30g, toàn yến 6g, cương tàm 9g, câu đằng 9g, trư ương ương 30g, xà lục cốc 30g (sắc trước) đem đi sắc lấy nước uống mỗi ngày trong vòng 1 tháng.

9/ Lưu ý khi sử dụng cây hoàng liên ô rô

Tác dụng phụ: cây hoàng liên ô rô có thể gây ra một số tác dụng phụ như ngứa, nóng da, kích ứng và một số phản ứng dị ứng như mẩn đỏ, phát ban.

Tương tác: hoàng liên ô rô có thể tương tác với một số loại thuốc như Neoral, Sandimmune, Mevacor, Biaxin, Crixivan, Viagra, Halcion…

Vì vậy trong quá trình sử dụng cây để làm dược liệu bạn nên lưu ý những điều sau đây:

  • Phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Nếu bạn có tiền sử dị ứng các loại dược liệu khác nên cân nhắc và tìm hiểu kỹ trước khi dùng cây hoàng liên ô rô.
  • Trong hoàng liên ô rô chứa berberin nên trẻ em và trẻ sơ sinh không được dùng vì nó gây những tổn thương não cho trẻ.

Trên đây là một số thông tin về cây hoàng liên ô rô bạn có thể tham khảo qua. Tuy nhiên, nếu bạn muốn sử dụng hoàng liên ô rô làm thuốc hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng để không phải gặp những tác dụng không mong muốn.