Thuốc Triamcinolone Acetonide: Công dụng, tác dụng phụ & tương tác
Triamcinolone Acetonide là một corticosteroid tổng hợp được dùng tại chỗ để điều trị các bệnh ngoài da. Đồng thời, thuốc còn giúp làm giảm sự khó chịu của các vết loét và cải thiện triệu chứng đau nhức xương khớp.
- Tên hoạt chất: Triamcinolone
- Tên biệt dược: Meditriam 4 mg, K Cort, Sivkort Retard, Lisanolona
- Nhóm thuốc: Nội tiết tố, Hormone.
- Dạng thuốc: Kem bôi da, dung dịch tiêm, hỗn hợp tiêm, viên nén.
I. Tác dụng của thuốc Triamcinolone Acetonide
Triamcinolone Acetonide là một corticosteroid tổng hợp có chứa flour giúp ngăn chặn sự phóng thích của các chất gây viêm trong cơ thể. Thuốc thường được dùng dưới dạng ester hoặc alcol để uống, tiêm tại chỗ hoặc tiêm bắp, bôi ngoài da, hít.
Có thể sử dụng Triamcinolone Acetonide để điều trị các bệnh lý như bệnh vẩy nến, rối loạn dị ứng, viêm khớp, viêm loét đại tràng, rối loạn hô hấp, luspus,… Ngoài ra, thuốc còn được dùng trong trường hợp bệnh viêm đốt sống do thấp, viêm da cơ toàn thân, liken phẳng, hội chứng Steven Johnson,…
Tuy nhiên, Triamcinolone Acetonide chống chỉ định dùng ở những bệnh nhân quá mẫn cảm với thành phần của thuốc. Người bệnh bị nhiễm lao, nhiễm siêu vi, nhiễm nấm toàn thân hay ban xuất huyết làm giảm tiểu cầu vô năng,… cũng không được dùng thuốc.
II. Sử dụng Triamcinolone Acetonide như thế nào?
Thuốc Triamcinolone Acetonide được sử dụng theo đúng quy định của bác sĩ hay theo hướng dẫn trên nhãn thuốc. Tuyệt đối không được dùng với số lượng lớn hoặc nhỏ hơn yêu cầu của dược sĩ, chuyên viên y tế. Bên cạnh đó, không nên sử dụng thuốc trong khoảng thời gian dài hơn so với khuyến cáo.
Có thể dùng Triamcinolone Acetonide chung với thức ăn để ngăn ngừa tình trạng khó chịu ở dạ dày. Đối với trường hợp dùng thuốc điều trị tại chỗ, trước khi bôi Triamcinolone Acetonide, người bệnh nên vệ sinh sạch vùng da bị bệnh. Sau đó, bôi một lớp kem mỏng lên da bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, không nên dùng bất cứ vật gì che lên da. Bởi việc làm này có thể làm tăng khả năng hấp thụ thuốc qua da dẫn đến tác dụng phụ không mong muốn.
Mặt khác, tránh sử dụng thuốc này trên mặt, gần mắt và các vùng da mỏng, nếp gấp. Vì những vùng da này khá nhạy cảm nên khi tiếp xúc với Triamcinolone Acetonide rất dễ gây teo da.
Ngoài ra, trong khi dùng Triamcinolone Acetonide, người bệnh không nên tự ý ngưng thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Quan trọng hơn, nên liên hệ với nhân viên chăm sóc sức khỏe ngay lập tức, nếu bệnh ngày càng tồi tệ hơn sau vài ngày dùng thuốc.
III. Liều dùng
1/ Liều dùng thông thường dành cho người lớn
Đối với người bị bệnh suy vỏ thượng thận: Ngoài việc điều trị với mineralocorticoid, người bệnh có thể uống 4 – 12 mg Triamcinolone Acetonide mỗi ngày.
Trường hợp viêm bao hoạt dịch, cứng khớp cột sống, viêm khớp dạng thấp: Liều dùng 8 – 16 mg mỗi ngày. Liều tiêm bắp 3 – 48 mg mỗi ngày, chia đều tiêm trong mỗi 12 giờ. Để tiêm trong khớp và bao hoạt dịch, người bệnh dùng 5 – 40 mg (tùy thuộc vào kích thước khớp). Và liều trung bình dành cho đầu gối là 25 mg.
2/ Liều dùng dành cho trẻ em
Liều dùng Triamcinolone Acetonide dành cho trẻ em đến nay vẫn chưa được nghiên cứu và đưa ra quyết định. Do đó, nếu cha mẹ muốn dùng thuốc này để điều trị bệnh cho con, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
IV. Trước khi sử dụng thuốc nên biết những điều gì?
Nếu bị dị ứng với thành phần chứa trong Triamcinolone Acetonide, người bệnh không nên dùng thuốc này để điều trị bệnh. Và để chắc chắn việc dùng thuốc đảm bảo an toàn, nên cho bác sĩ biết nếu mắc phải một trong những căn bệnh sau:
- Bệnh tiểu đường.
- Viêm loét dạ dày.
- Nhiễm trùng da.
- Bệnh thủy đậu hoặc nhiễm herpes.
Ngoài ra, phụ nữ có thai không nên dùng Triamcinolone Acetonide để điều trị bệnh. Bởi theo cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho hay, dựa vào bảng phân loại thuốc dành cho phụ nữ mang thai, Triamcinolone Acetonide được xếp vào nhóm C. Tức là, thuốc có nguy cơ gây ảnh hưởng đến thai nhi. Do đó, mẹ bầu nên cân nhắc thận trọng trước khi dùng.
Mặc dù chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh thuốc có thể đi vào sữa và gây hại cho trẻ. Tuy nhiên, để đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của con, phụ nữ đang cho con bú không được tùy tiện sử dụng.
V. Thuốc Triamcinolone Acetonide gây ra những tác dụng phụ nào?
Một vài tác dụng phụ ít nghiêm trọng có thể xảy ra khi dùng Triamcinolone Acetonide như:
- Người bệnh bị thay đổi tâm trạng, bị mất ngủ.
- Da xuất hiện mụn trứng cá, bầm tím.
- Vết thương lâu lành.
- Đầy hơi, khó tiêu, đau bụng và buồn nôn.
- Tăng tiết dịch mồ hôi.
Người bệnh nên đến bệnh viện ngay lập tức nếu gặp phải các biểu hiện bất thường như:
- Khó thở.
- Môi, lưỡi, mặt và họng bị sưng.
- Phát ban.
Hoặc mắc phải các phản ứng phụ nghiêm trọng như:
- Gặp phải các vấn đề liên quan đến khả năng nhìn.
- Ho ra máu hoặc cảm thấy khó thở.
- Tăng cân nhanh chóng.
- Phân có màu như hắc ín hoặc kèm theo máu.
- Nồng độ kali thấp dẫn đến triệu chứng nhịp tim không đều, người bệnh đi tiểu nhiều, khó thở, chân khó chịu, yếu cơ.
- Huyết áp cao gây đau đầu, chóng mặt, ù tai, mờ mắt, lo lắng, khó thở, đau ngực.
VI. Tương tác giữa Triamcinolone Acetonide với thuốc khác
Một số loại thuốc làm tăng chuyển hóa và làm giảm tác dụng điều trị bệnh của Triamcinolone Acetonide như:
- Phenytoin.
- aminoglutethimid.
- Rifabutin.
- Barbiturat.
- Carbamazepin.
- Primidon.
Nếu dùng Triamcinolone Acetonide chung với thuốc chống đông máu có thể làm tăng tác dụng của thuốc chống đông máu. Do đó, người bệnh không nên dùng chung tránh trường hợp chảy máu tự phát.
Tất cả những thông tin về thuốc Triamcinolone Acetonide nêu trên chỉ mang tính chất tham khảo. Vì vậy, để hiểu rõ hơn về tác dụng, liều dùng cũng như tác dụng phụ của thuốc, hãy liên hệ với nhân viên chăm sóc sức khỏe của bạn để được tư vấn cụ thể hơn.