Thuốc Streptomycin: Chống chỉ định – Liều dùng – Tác dụng phụ
Thuốc Streptomycin là kháng sinh nhóm aminoglycoside, hoạt động bằng cách ngăn chặn quá trình tổng hợp protein của vi khuẩn nhằm tiêu diệt khuẩn gây bệnh. Thuốc được dùng để điều trị bệnh lao, nhiễm khuẩn Mycobacterium, hạ cam, u hạch bẹn, bệnh Brucella, lậu, viêm màng trong tim do Streptococcus và Enterococcus.
- Tên thuốc: Streptomycin
- Tên khác: Streptomycine
- Phân nhóm: Kháng sinh nhóm aminoglycoside
Những thông tin cần biết về thuốc Streptomycin
1. Tác dụng
Streptomycin là kháng sinh nhóm aminoglycoside. Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn quá trình tổng hợp protein của vi khuẩn nhằm tiêu diệt khuẩn gây bệnh.
Streptomycin có phổ kháng khuẩn rộng, nhạy cảm với vi khuẩn gram âm và một số vi khuẩn gram âm. Thuốc đặc biệt nhạy cảm với trực khuẩn lao – Mycobacterium tuberculosis và Mycobacterium bovis. Một số vi khuẩn nhạy cảm với thuốc Streptomycin: Escherichia coli, Francisella tularensis, Calymmatobacterium granulomatis, Enterococcus faecalis, Haemophilus ducreyi, Klebsiella pneumonia, Streptococcus viridans,…
Streptomycin hấp thu kém qua đường tiêu hóa, do đó thường được dùng ở dạng tiêm bắp. Khi được hấp thu, Streptomycin ít khi bị chuyển hóa và được thải trừ qua đường tiểu.
2. Chỉ định
Thuốc Streptomycin được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Dùng phối hợp với thuốc chống lao trong điều trị bệnh lao.
- Dùng phối hợp với thuốc kháng khuẩn trong điều trị nhiễm khuẩn Mycobacterium như u hủi.
- Điều trị hạ cam và u hạch bẹn.
- Sử dụng phối hợp với Doxycyclin và Tetracyclin trong điều trị bệnh Brucella.
- Phối hợp với Sulfonamid và Tetracyclin trong trường hợp nhiễm khuẩn Mallomyces mallei.
- Điều trị phối hợp với Ampicilin và penicillin G trong điều trị viêm màng trong tim do Streptococcus và Enterococcus.
- Điều trị lậu do chủng nhạy cảm.
Thuốc Streptomycin còn được dùng đơn lẻ hoặc phối hợp trong các trường hợp nhiễm khuẩn do chủng nhạy cảm khác.
3. Chống chỉ định
Chống chỉ định thuốc Streptomycin với những trường hợp sau:
- Mẫn cảm với bất cứ thành phần nào trong thuốc.
- Người bệnh nhược cơ.
Người bị dị ứng với các kháng sinh nhóm aminoglycoside có thể mẫn cảm chéo với Streptomycin. Do đó cần thông báo với bác sĩ vấn đề này để được cân nhắc việc điều trị bằng chế phẩm có chứa hoạt chất Streptomycin.
4. Dạng bào chế – hàm lượng
- Dạng bào chế: Thuốc tiêm bắp (dưới dạng Streptomycin sulfat).
- Hàm lượng: 1g
5. Cách dùng – liều lượng
Thuốc Streptomycin chỉ được dùng để tiêm bắp sâu. Thuốc hấp thu kém qua đường tiêu hóa nên không dùng qua đường uống. Nên tiêm ở mông, cơ đùi hoặc cơ delta. Nên thay đổi vùng tiêm để hạn chế phát sinh và giảm mức độ của viêm tĩnh mạch tắc khối.
Liều dùng thuốc:
Liều dùng thông thường khi điều trị lao và các bệnh do nhiễm Mycobacterium
- Người lớn: Dùng 15mg/ kg/ ngày hoặc 1g/ ngày.
- Trẻ em: Dùng 10mg/ kg/ ngày.
- Người cao tuổi, bệnh nhân suy thận: Dùng 10mg/ kg/ ngày, liều dùng tối đa: 750mg/ ngày.
- Không sử dụng đơn độc, phải kết hợp Streptomycin với các thuốc chống lao/ kháng khuẩn khác.
Liều dùng thông thường khi điều trị bệnh Tularemia
- Người lớn: Dùng 1 – 2g/ ngày, chia thành 2 lần uống.
- Thời gian điều trị: 7 – 14 ngày.
Liều dùng thông thường khi điều trị bệnh dịch hạch
- Người lớn: Dùng 2g/ ngày hoặc 30mg/ kg/ ngày, chia thành 2 lần uống.
- Trẻ em: Dùng 30mg/ kg/ ngày, chia thành 2 lần uống.
- Thời gian điều trị: tối thiểu 10 ngày (người lớn) và 10 ngày (trẻ em).
Liều dùng thông thường khi điều trị bệnh Brucella
- Người lớn: Dùng 1g/ 1 – 2 lần/ ngày trong 7 ngày đầu. Duy trì 1 lần/ ngày trong 7 ngày kế tiếp.
- Trẻ em (trên 8 tuổi): Dùng 20mg/ kg/ ngày (không quá 1g/ ngày), dùng trong 14 ngày.
- Điều trị phối hợp với Doxycyclin và Tetracyclin.
Liều dùng thông thường khi điều trị viêm màng trong tim do Streptococcus nhạy cảm với kháng sinh penicillin
- Người lớn: Dùng 1g/ 2 lần/ ngày, duy trì trong 7 ngày. Duy trì 500mg/ 2 lần/ ngày trong 7 ngày tiếp theo.
- Bệnh nhân cao tuổi (trên 60 tuổi): Dùng 500mg/ 2 lần/ ngày trong 14 ngày.
- Điều trị phối hợp với penicillin.
Liều dùng thông thường khi điều trị viêm màng trong tim do Enterococcus
- Người lớn: Dùng 1g/ 2 lần/ ngày trong 14 ngày.
- Duy trì 500mg/ 2 lần/ ngày trong 28 ngày.
Liều dùng thông thường khi điều trị nhiễm khuẩn có mức độ vừa đến nặng do các vi khuẩn nhạy cảm
- Người lớn: Dùng 1 – 2g/ ngày, chia đều thành 2 – 3 liều, mỗi liều cách nhau 6 – 12 giờ.
- Trẻ em: Dùng 20 – 40mg/ kg/ ngày, chia thành 2 – 3 liều, mỗi lần dùng cách nhau 6 – 12 giờ.
Thuốc Streptomycin thải trừ qua thận, do đó cần điều chỉnh liều cho bệnh nhân suy giảm chức năng thận.
- Hệ số thanh thải creatinin 50 – 80ml/ phút: Dùng 7.5mg/ kg trong 24 giờ.
- Hệ số thanh thải creatinin 10 – 50ml/ phút: Dùng 7.5mg/ kg trong 24 – 72 giờ.
- Hệ số thanh thải creatinin dưới 10ml/ phút: Dùng 7.5mg/ kg trong 72 – 96 giờ.
6. Bảo quản
Bột pha tiêm Streptomycin được bảo quản dưới 40 độ C, nhiệt độ thích hợp dao động từ 15 – 30 độ C. Dung dịch được pha chỉ bền vững trong 48 giờ nếu bảo quản ở nhiệt độ phòng và 14 ngày nếu bảo quản trong tủ lạnh.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Streptomycin
1. Thận trọng
Kiểm tra thính lực trước khi chỉ định thuốc Streptomycin trong điều dài hạn. Đồng thời cần tiến hành kiểm tra lại thính lực khi có biểu hiện đánh trống tai, điếc và ù tai.
Khi dùng thuốc Streptomycin trong điều trị dài hạn cho bệnh nhân suy thận, cần kiềm hóa nước tiểu để tăng tốc độ thanh thải thuốc.
Nếu nghi ngờ bệnh nhân hạ cam và u hạch bẹn nhiễm giang mai, phải thực hiện chẩn đoán và xét nghiệm trước khi sử dụng thuốc Streptomycin.
Cẩn trọng khi tiêm thuốc Streptomycin để hạn chế tình trạng thương tổn dây thần kinh ngoại biên. Hội chứng ức chế thần kinh trung ương có thể xuất hiện khi trẻ nhỏ dùng thuốc quá liều.
Streptomycin có thể gây phát triển các khuẩn kháng thuốc. Nếu xuất hiện bội nhiễm, cần ngưng thuốc và thay thế bằng liệu pháp thích hợp.
Streptomycin đi qua nhau thai nhanh, sau đó xâm nhập vào nước ối và vào tuần hoàn của thai nhi. Sử dụng thuốc cho phụ nữ mang thai có thể gây độc tính lên tai của thai nhi, trẻ sinh ra có thể bị điếc.
Mặc dù, thuốc có đi vào sữa mẹ nhưng vì hấp thu kém qua đường tiêu hóa nên không nhận thấy nguy cơ với trẻ bú sữa mẹ.
2. Tác dụng phụ
Thuốc có thể gây độc đối với hệ thần kinh trung ương, đặc biệt là với trẻ nhỏ.
Tác dụng phụ thường gặp:
- Suy giảm khả năng nghe
- Dị cảm
- Rối loạn thị lực
- Viêm dây thần kinh ngoại biên
- Ban đỏ
- Nổi mề đay
- Tăng bệnh cầu ưa eosin
- Ngoại ban da
- Sốt
- Phù Quincke
Tác dụng phụ ít gặp:
- Viêm tủy
- Ức chế hô hấp
- Viêm rễ thần kinh
- Các biến chứng thần kinh khác
- Mất khứu giác toàn bộ hoặc một phần
Tác dụng phụ hiếm gặp:
- Thiếu máu tan huyết
- Giảm tiểu cầu
- Hội chứng Steven – Johnson
- Suy thận
- Giảm toàn bộ huyết cầu
- Giảm bạch cầu
3. Tương tác thuốc
Không sử dụng thuốc Streptomycin với Furosemid, thuốc lợi tiểu, Ethacrynic và Manitol.
Những loại thuốc này có thể tăng độc tính của Streptomycin đối với thính giác.
4. Xử lý khi dùng quá liều
Ngay khi nhận thấy hoặc nghi ngờ đã dùng Streptomycin quá liều, cần đến ngay bệnh viện gần nhất.
Quá liều Streptomycin không có thuốc giải độc đặc hiệu, vì vậy bác sĩ sẽ thẩm tách màng bụng hoặc thẩm tách thận nhân tạo nhằm loại bỏ Streptomycin. Bên cạnh đó cần dùng máy hỗ trợ hô hấp, dùng muối canxi, thuốc kháng cholinesterace,…