Thuốc Mobic: Thành phần, Chỉ định, Cách dùng và Tác dụng phụ
Mobic chứa hoạt chất Meloxicam có tác dụng chống viêm, giảm đau, chống tập kết tiểu cầu và hạ sốt. Thuốc được dùng để làm giảm triệu chứng do viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp,…
- Tên thuốc: Mobic
- Phân nhóm: Thuốc chống viêm không steroid
- Dạng bào chế: Viên nén
Những thông tin cần biết về thuốc Mobic
1. Thành phần
Thuốc có chứa hoạt chất Meloxicam. Meloxicam có tác dụng chống viêm, giảm đau, chống tập kết tiểu cầu và hạ sốt. Tuy nhiên tác dụng hạ sốt của Meloxicam yếu nên chủ yếu được dùng để giảm đau và chống viêm.
Meloxicam ức chế chọn lọc COX-2 nhằm hạn chế sinh tổng hợp chất trung gian gây viêm – prostaglandine. Thành phần này được thải trừ một nửa qua đường tiểu, nửa còn lại được đào thải qua phân.
2. Chỉ định
Thuốc Mobic được dùng làm giảm triệu chứng của các bệnh lý sau:
- Viêm khớp dạng thấp
- Viêm đốt sống dạng thấp
- Viêm xương khớp
Thuốc cũng được sử dụng để làm giảm các tình trạng viêm và đau khác. Tuy nhiên bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ nếu có ý định dùng thuốc với các chỉ định không được đề cập trong bài viết.
3. Chống chỉ định
Thuốc Mobic chống chỉ định với các trường hợp sau:
- Dị ứng với Meloxicam và bất cứ thành phần nào trong thuốc
- Có tiền sử hen suyễn, mề đay và phù mạch khi sử dụng Aspirin
- Suy gan, suy thận nặng
- Trẻ em dưới 15 tuổi
- Loét dạ dày tá tràng tiến triển
Nếu từng dị ứng với các NSAID khác, bạn cần thông báo với bác sĩ để được xem xét việc sử dụng thuốc.
4. Dạng bào chế – hàm lượng
- Dạng bào chế: Viên nén
- Hàm lượng: 7.5mg, 15mg
5. Cách dùng – liều lượng
Trước khi uống thuốc, bạn nên đọc kĩ hướng dẫn in trên tờ giấy đi kèm. Nếu có thắc mắc về cách sử dụng, liều lượng và tần suất, bạn nên trao đổi với nhân viên y tế. Không dùng thuốc khi chưa rõ cách sử dụng và liều dùng.
Cách dùng:
- Dùng thuốc bằng đường uống
- Chỉ dùng thuốc với nước lọc
Nếu bị đau dạ dày khi dùng thuốc, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ để sử dụng thuốc cùng với thức ăn hoặc thuốc kháng axit.
Liều dùng:
Trước khi chỉ định liều dùng thích hợp, bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng lâm sàng, tình trạng sức khỏe, độ tuổi và mức độ hấp thu thuốc của cơ thể.
Liều dùng trong bài viết chỉ mang tính chất tương đối và chỉ đáp ứng cho các trường hợp phổ biến nhất. Để đảm bảo, bạn nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được cung cấp thông tin cụ thể.
Liều dùng thông thường khi điều trị viêm khớp dạng thấp
- Dùng 15mg/ ngày, có thể dùng 1 liều hoặc chia thành 2 liều bằng nhau
- Có thể giảm liều còn 7.5mg tùy vào khả năng đáp ứng
Liều dùng thông thường khi điều trị viêm đốt sống cứng khớp
- Dùng 15mg/ ngày, có thể dùng 1 liều hoặc chia thành 2 liều bằng nhau
- Có thể giảm liều còn 7.5mg tùy vào khả năng đáp ứng
Liều dùng thông thường khi điều trị viêm xương khớp
- Dùng 7.5mg/ ngày
- Có thể tăng lên 15mg/ ngày (nếu cần thiết)
- Liều dùng tối đa: 15mg/ ngày
Không sử dụng Mobic cho trẻ nhỏ khi chưa có sự cho phép của nhân viên y tế.
Nếu cơn đau và các triệu chứng không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc có xu hướng nghiêm trọng hơn, bạn nên thông báo với bác sĩ chuyên khoa.
6. Bảo quản
Bảo quản thuốc Mobic ở nơi thoáng mát, tránh ẩm và ánh nắng trực tiếp. Không để thuốc trong tủ lạnh hoặc phòng tắm. Đây là những nơi có độ ẩm cao và có thể gây ra tình trạng ẩm mốc.
Nên đặt thuốc trong tủ thuốc và khóa cẩn thận nhằm hạn chế tình trạng trẻ và thú nuôi nuốt phát.
7. Giá thành
Thuốc Mobic 7,5mg được bán với giá dao động từ 10 – 12,000 đồng/ viên. Giá thành có thể thay đổi ở một số đại lý bán lẻ và nhà thuốc tây.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Mobic
1. Thận trọng
Mặc dù Meloxicam ức chế chọn lọc COX-2 tuy nhiên thuốc vẫn có thể gây ảnh hưởng tiêu cực lên dạ dày. Do đó cần theo dõi biến chứng ở bệnh nhân từng có tiền sử mắc bệnh về đường tiêu hóa.
Bệnh nhân cao tuổi có nguy cơ đột quỵ, suy giảm chức năng gan, thận khi sử dụng Mobic. Cần cân nhắc kỹ lưỡng khi chỉ định thuốc cho người trên 65 tuổi.
Không cần giảm liều thuốc Mobic ở bệnh nhân suy thận nhẹ và vừa. Tuy nhiên cần theo dõi chặt chẽ các biến chứng ở thận như viêm thận kẽ, hoại tử tủy thận, viêm cầu thận,…
Chưa có nghiên cứu về ảnh hưởng của thuốc với hoạt động lái xe, vận hành máy móc. Nếu nhận thấy triệu chứng chóng mặt, buồn ngủ xuất hiện, bạn cần hạn chế các hoạt động nói trên.
Không nên sử dụng thuốc Mobic cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Trong trường hợp bắt buộc dùng thuốc, bác sĩ có thể đề nghị bạn ngưng cho trẻ bú để giảm thiểu rủi ro.
2. Tác dụng phụ
Tác dụng không mong muốn của thuốc Mobic chủ yếu xuất hiện ở đường tiêu hóa.
Tác dụng phụ thông thường:
- Buồn nôn
- Khó tiêu
- Đau bụng
- Đầy hơi
- Táo bón
- Tiêu chảy
Tác dụng phụ hiếm gặp:
- Xuất huyết tiêu hóa
- Viêm thực quản
- Thủng dạ dày
- Loét dạ dày tá tràng
- Viêm ruột kết
Hầu hết các tác dụng phụ của thuốc Mobic đều thuyên giảm sau khi được điều chỉnh liều. Để giảm thiểu nguy cơ phát sinh tác dụng phụ, bạn cần dùng thuốc đúng cách và đúng liều lượng được yêu cầu.
3. Tương tác thuốc
Hoạt động của Mobic có thể làm thay đổi tác dụng của những loại thuốc khác. Để hạn chế tình trạng này, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ khi có ý định dùng Mobic với các loại thuốc khác.
Mobic có thể tương tác với các loại thuốc sau đây:
- Lithium:Meloxicam khiến Lithium giảm khả năng thải trừ và làm tăng độc tính của loại thuốc này.
- Thuốc tránh thai: Meloxicam và các NSAID làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai.
- Thuốc lợi tiểu:Sử dụng cùng với Mobic có nguy có suy thận cấp. Để phòng ngừa, cần bù nước đầy đủ và theo dõi chức năng thận.
- Cyclosporin: Meloxicam làm tăng độc tính của cyclosporine lên thận.
- Methotrexat: Meloxicam làm tăng độc tính của loại thuốc này.
- Thuốc trị huyết áp cao: Meloxicam làm giảm tác dụng hạ huyết áp của nhóm thuốc này.
- NSAID: Làm tăng nguy cơ quá liều và gây viêm loét đường tiêu hóa.
- Thuốc chống đông máu: Gây ảnh hưởng đến khả năng tập kết tiểu cầu và làm tăng nguy cơ chảy máu khi được dùng chung với Meloxicam.
4. Xử lý khi dùng thiếu hoặc quá liều
Nếu bạn quên dùng một liều, bạn có thể uống ngay khi nhớ ra. Trong trường hợp sắp đến lúc uống liều tiếp theo, bạn nên bỏ qua liều đã quên.
Quá liều thuốc Mobic có thể gây xuất huyết dạ dày và đe dọa đến sức khỏe của người sử dụng. Nếu nghi ngờ đã dùng quá liều, bạn cần đến bệnh viện hoặc chủ động gọi cấp cứu.