Thuốc Meloxicam: tác dụng, chống chỉ định, cách sử dụng
Dù thuốc Meloxicam được biết đến với khả năng kháng viêm giảm đau không streroid, thế nhưng Meloxicam không phải lúc nào cũng có thể được sử dụng cho người bệnh trong điều trị thông thường. Ngược lại, khi dùng Meloxicam. người bệnh phải đặc biệt thận trọng và chú ý về liều lượng để tránh xảy ra các tác dụng phụ cho cơ thể.
- Tên hoạt chất: Meloxicam
- Thuốc biệt dược: Amerfom; Analmel 7,5
- Thuốc biệt dược mới: Fenxicam-M; Meloxicam; Meloxicam 7,5
Tìm hiểu chung về thuốc Meloxicam
Các dạng thuốc
- Viên nén: 7,5mg Meloxicam; 15mg Meloxicam
- Viên nang: 7,5mg Meloxicam
- Viên đặt trực tràng: 7,5mg Meloxicam
- Ống tiêm: 15mg/1,5ml
Dạng viên được sử dụng dài ngày trong điều trị. Dạng tiêm được chỉ định sử dụng ngắn ngày để trị các đợt đau cấp tính.
Tác dụng của Meloxicam
Meloxicam là hoạt chất thuộc nhóm kháng viêm không Steroid (NSAID). Sau khi tiến vào cơ thể thì sẽ giúp ngăn chặn các prostaglandin sản sinh. Từ đó giảm đau và giảm viêm hiệu quả.
Cụ thể, tác dụng của thuốc Meloxicam thể hiện ở:
- Giảm đau: các triệu chứng đau ngoại vi, đau đầu, đau bụng, đau do chấn thương, …
- Kháng viêm: điều trị các chứng bệnh về xương khớp
Tuy nhiên tác dụng hạ sốt của thuốc Meloxicam kém hơn so với các loại NSAID khác nên chủ yếu vẫn được tập trung dùng để giảm đau, giảm viêm.
Cơ chế tác dụng
Được xếp vào nhóm thuốc chống viêm không Steroid, Meloxicam là hoạt chất được dẫn xuất từ oxicam, có cấu trúc gần tương tự với piroxicam.
Meloxicam sẽ ức chế COX (cyclooxygenase), từ đó hạn chế quá trình tổng hợp protagladin gây viêm sưng trong cơ thể. Mức độ ức chế COX sẽ phụ thuộc vào liều dùng Meloxicam hàng ngày. Cần xác định đúng mức độ để căn chỉnh liều lượng cho phù hợp.
Dược động học
Meloxicam chủ yếu được sử dụng thông qua đường uống và đường tiêm. Tuy nhiên, Meloxicam hấp thụ tốt nhất khi qua tiêu hóa ở dạng uống và dạng đặt trực tràng (đạt mức 89% so với khi tiêm tĩnh mạch)
Meloxicam sẽ gắn vào albumin với tỷ lệ là 99%, từ đó khuếch tán trong dịch khớp, không ảnh hưởng đến thần kinh.
Khi bài trừ, thuốc sẽ được bài tiết qua đường nước tiểu (50%) và phân (50%) trung bình sau 20 giờ.
Ưu điểm của Meloxicam so với nhóm thuốc không Steroid
Trong nhiều nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng Meloxicam là một NSAID thế hệ mới. Thuốc Meloxicam có thể giảm bớt các tác dụng phụ lên cơ thể so với các loại thuốc nhóm NSAID khác.
Tuy nhiên các tác dụng phụ vẫn có thể xảy ra nếu người bệnh dùng sai cách hoặc dùng sai hướng dẫn.
Chỉ định và liều lượng
Meloxicam được các bác sĩ kê đơn sử dụng trong việc chữa trị dài hạn các cơn đau viêm mãn tính hoặc điều trị ngắn hạn các cơn viêm đau cấp tính.
Đối với người lớn
- Liều dùng cho người mắc bệnh viêm xương khớp:dùng 7,5mg meloxicam /lần/ngày. Tối đa dùng 15mg meloxicam /lần/ngày.
- Liều dùng cho người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp: dùng 7,5mg meloxicam /lần/ngày. Tối đa dùng 15mg meloxicam /lần/ngày.
- Liều dùng cho người điều trị gout cấp tính:dùng theo chỉ định của bác sĩ
Đối với trẻ em
- Liều dùng cho trẻ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp ở thiếu niên: 0,125mg/kg/lần/ngày. Tối đa dùng 7,5mg/lần/ngày.
Cách dùng Meloxicam
Với dạng uống:các bác sĩ sau khi chỉ định, người bệnh sẽ bắt đầu tiếp nhận thuốc Meloxicam dưới dạng viên uống. Thông thường sẽ uống một lần một ngày và nên uống cùng nước ấm.
Nếu là Meloxicam ở dạng lỏng, hãy sử dụng thiết bị đo ml chuẩn xác thay vì sử dụng muỗng ăn như thông thường. Đừng quên lắc nhẹ để hỗn hợp hòa tan trước khi sử dụng. Uống ít hoặc nhiều hơn liều lượng được hướng dẫn đều không mang lại tác dụng tốt cho cơ thể. Quá 15mg/ ngày có thể làm tăng nguy cơ loét đường ruột, xuất huyết dạ dày cùng nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Với dạng tiêm: hãy nhờ đến sự giúp đỡ của các chuyên gia thay vì tự ý tiêm tại nhà. Dạng thuốc Meloxicam tiêm bắp chỉ được sử dụng trong những ngày đầu tiên của đợt điều trị. Nếu kéo dài thời gian dùng thuốc, các bác sĩ có thể chỉ định chuyển sang thuốc viên.
Lưu ý rằng thuốc Meloxicam không phản ứng với thức ăn. Vì vậy không được để bụng rỗng khi uống thuốc. Ngoài ra, nếu cảm thấy khó chịu, hãy nhờ bác sĩ gợi ý cách dùng Meloxicam cùng thuốc kháng axit.
Bảo quản thuốc Meloxicam
- Tránh ánh sáng trực tiếp, tránh nhiệt độ cao
- Không đặt ở nơi ẩm ướt hoặc đặt ở phòng quá lạnh, ngăn đá tủ lạnh
- Đặt thuốc trong bao bì kín, hạn chế đặt chung cùng các loại thuốc khác.
- Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ nhỏ và vật nuôi trong nhà.
- Không sử dụng thuốc khi cảm thấy nghi ngờ về chất lượng của thuốc, khi thuốc có sự thay đổi về màu sắc,…
- Không dùng thuốc quá hạn sử dụng.
- Xem kỹ hướng dẫn in trên bao bì.
Những điều cần biết khi sử dụng thuốc Meloxicam
Chủ yếu, thuốc được chỉ định trong các trường hợp điều trị viêm khớp, thoái hóa khớp. Dù độ phổ biến của Meloxicam rất cao nhưng để dùng được Meloxicam an toàn thì không phải ai cũng biết.
Chú ý khi dùng Meloxicam
Như đã nói, không phải trường hợp nào cũng có thể sử dụng Meloxicam trong việc điều trị. Trước hết là những người tuyệt đối không được sử dụng Meloxicam. Tiếp theo là những đối tượng phải cẩn trọng trong quá trình dùng thuốc Meloxicam và những tác dụng phụ người bệnh có thể gặp phải.
Chống chỉ định
Không sử dụng thuốc Meloxicam ở bất kỳ dạng nào với những đối tượng:
- Người bị mẫn cảm với thuốc, người có tiền sử dị ứng với Aspirin hoặc các thuốc thuộc nhóm chống viêm không Steroid khác như: Colchicine, Ibuprofen,…
- Người đang mắc các bệnh về tiêu hóa như loét dạ dày/tá tràng tiến triển, ung thư dạ dày, thủng dạ dày/tá tràng. viêm ruột, viêm trực tràng,…
- Người bị chảy máu dạ dày, chảy máu não, chảy máu trực tràng
- Người bị suy gan nặng, suy thận nặng
- Người có tiền sử bị đột quỵ, tim mạch
- Người bị hen suyễn, polyp mũi, phù mạch
- Phụ nữ có thai và đang cho con bú
- Trẻ em dưới 15 tuổi không được dùng dạng tiêm và trẻ em dưới 12 tuổi không được dùng dạng viên.
Thận trọng khi sử dụng
Với những đối tượng này, người bệnh phải thường xuyên theo dõi và kiểm tra để đảm bảo cơ thể không xảy ra các phản ứng bất thường. Đồng thời tuyệt đối phải dùng thuốc Meloxicam dưới sự giám sát của bác sĩ với đúng mức đúng lượng.
- Bệnh nhân bị dị ứng, viêm xoang hay có khối u trong mũi
- Bệnh nhân từng xuất hiện triệu chứng viêm dạ dày, đau dạ dày, rối loạn viêm ruột
- Bệnh nhân có mắc bệnh về gan, thận, tim mạch, huyết áp: suy tim sung huyết, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim,…
- Bệnh nhân với chỉ số đường huyết/ cholesterol cao
- Bệnh nhân có vấn đề về đông máu, thiếu máu
- Bệnh nhân bị nổi lupus ban đỏ toàn thân.
- Bệnh nhân sắp phẫu thuật
- Bệnh nhân đang có dự định mang thai
Các tác dụng phụ có thể xảy đến
Về hệ tiêu hóa: Meloxicam gây ra các chứng rối loạn tiêu hóa, rối loạn đường ruột thông qua những biểu hiện như ợ chua, đầy hơi, bụng quặn đau, nôn, nôn ra máu.
Về hệ bài tiết: thuốc có thể làm tăng men gan hoặc biến chứng suy thận. Trường hợp người bệnh bị thủng dạ dày, xuất huyết tá tràng cũng không phải là điều hiếm gặp. Cách nhận biết: phân khô cứng xen màu đen lẫn máu hoặc tiểu buốt, tiểu ra máu.
Về hệ hô hấp:thuốc Meloxicam gây ra tình trạng co thắt phế quản. Vì vậy dùng Meloxicam sẽ bị chóng mặt, ù tai, thở gấp, khó thở, buồn ngủ, choáng đầu, đau ngực, co giật,…
Về tim mạch: gây ra các triệu chứng như tim đập nhanh, hồi hộp, tăng huyết áp đột ngột, đau tim, thậm chí là đột quỵ, tim ngừng đập,…
Về da: các biểu hiện như da phát ban đỏ, da bầm tím, ngứa da là các tác dụng phụ do Meloxicam gây ra. Ngoài ra, Meloxicam có thể khiến cơ thể bị giữ nước, từ đó sưng tấy, phù nề.
Nếu như xuất hiện một trong những biểu hiện trên, người bệnh cần lập tức ngưng sử dụng và đến ngay bệnh viện để được giải độc thuốc.
Tương tác thuốc
Meloxicam đã được ghi nhận tương tác với những nhóm thuốc sau:
- Cyclosporine
- Thuốc lợi tiểu như furosemide (Lasix);
- Glyburide (DiaBeta, Micronase);
- Methotrexate (Rheumatrex, Trexall);
- Thuốc chống đông máu như warfarin (Coumadin, Jantoven);
- Natri polystyrene sulfonate (Kayexalate, Kionex);
- Các steroid
- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACEI) như benazepril (Lotensin), enalapril (Vasotec), …
- Aspirin hoặc các NSAID khác (thuốc kháng viêm không steroid)
- Vòng tránh thai: làm giảm tác dụng của vòng tránh thai trong tử cung
- Thuốc chống tăng huyết áp
- Cholestyramin
Để chắc chắn bạn không sử dụng đồng thời cả Meloxicam và một hoặc nhiều loại thuốc tương tác trên, hãy nói cho bác sĩ biết các loại thuốc bạn đã, đang và sẽ dùng. Không được tự ý thay đổi liều lượng hoặc kết thúc điều trị thuốc đột ngột khi chưa được sự đồng ý của bác sĩ.
Quá liều
Trong trường hợp ngộ độc thuốc Meloxicam ở mức độ nhẹ, người bệnh nên lập tức uống thật nhiều nước để tăng thải trừ qua nước tiểu. Ngược lại, trong trường hợp quá liều ở dạng liều cao, cần tiến hành gây nôn và rửa dạ dày tại bệnh viện, trạm xá y tế gần nhất.
Các bác sĩ có thể sẽ cho người bệnh uống than hoạt tính nhằm giảm sự hấp thu của cơ thể với thuốc. Không thể áp dụng cách lọc máu như các trường hợp ngộ độc thông thường khác.
Vấn đề ăn uống khi dùng Meloxicam
Về cơ bản, dùng thuốc Meloxicam không cần chú ý đặc biệt đến chế độ dinh dưỡng hằng ngày. Người bệnh có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về thực đơn để điều trị bệnh hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, không dùng thức uống có cồn như rượu, bia hoặc nước ngọt có gas vì sẽ khiến gây áp lực lên niêm mạc ruột, thậm chí gây chảy máu dạ dày, thủng dạ dày.
Bất kỳ ai khi được chỉ định dùng thuốc Meloxicam trong điều trị đều phải thận trọng và chú ý. Các tác dụng phụ xảy ra sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và kết quả chữa trị của bạn. Vì vậy hãy chắc chắn rằng đã trải qua quá trình thăm khám, xét nghiệm đầy đủ với bác sĩ chuyên môn trước khi dùng thuốc. Khi cảm thấy không khỏe hoặc xuất hiện các dấu hiệu bất thường, lập tức ngừng thuốc và liên hệ với bác sĩ ngay.
Liều lượng và cách dùng còn phụ thuộc vào tình trạng và mức độ bệnh lý của mỗi người. Thông tin bài viết về thuốc Meloxicam trên đây không thể thay thế quá trình theo dõi, đánh giá của chuyên gia mà chỉ có tính chất tham khảo.