Thuốc Magnesi sulfat là thuốc gì?
Thuốc Magnesi sulfat thuộc nhóm thuốc chống co giật, nhuận tràng, bổ sung điện giải. Thuốc có tác dụng gây nhuận tràng, bổ sung điện giải làm tăng kích thích sự vận động của ruột. Ngoài ra khi tiêm, thuốc còn có tác dụng chống co giật trong nhiễm độc máu, giảm magnesium máu và điều trị đẻ non.
- Nhóm thuốc: Thuốc chống co giật, nhuận tràng, dung dịch điều chỉnh nước điện giải và cân bằng Acid-Base
- Dạng bào chế: Thuốc bột, dung dịch tiêm
- Quy cách đóng gói: Túi 5g, 10g, 30g thuốc bột; ống 500mg/5ml, 1g/10ml, 2g/20ml, 1,5g/10ml, 1g/5ml, 2g/10ml, 4g/20ml, 1g/2ml dung dịch tiêm
Thông tin về thuốc Magnesi sulfat
Thành phần
Thuốc Magnesi sulfat được bào chế từ hoạt chất magnesium sulfate và lượng thành phần tá dược vừa đủ trong một gói thuốc bột, ống tiêm.
Công dụng
Thuốc Magnesi sulfat dạng uống có tác dụng gây nhuận tràng do hai nguyên nhân: Không hấp thụ khi uống dẫn đến hút nước vào trong lòng ruột để cân bằng sự thẩm thấu. Đồng thời kích thích tăng cường giải phóng cholescystokinin – pancreozymin. Điều này gây tích tụ chất lỏng và các chất điện giải vào trong ruột non, làm tăng kích thích sự vận động và tăng thể tích của ruột.
Khi tiêm, thuốc Magnesi sulfat có tác dụng chống co giật trong nhiễm độc máu ở những phụ nữ đang thai, giảm magnesium máu và điều trị đẻ non.
Chỉ định
Thuốc Magnesi sulfat được chỉ định dùng trong những trường hợp sau:
Đường tiêm
- Làm giảm Mg máu
- Bồ sung Mg trong phục hồi cân bằng nước và điện giải
- Điều trị sản giật
- Dự phòng và điều trị các cơn co giật, điều trị co giật do biến chứng
- Điều trị giảm magnesi huyết cấp đi kèm với triệu chứng co cứng cơ
- Điều trị một số loại loạn nhịp tim nặng đe dọa đến tính mạng người bệnh: Nghi ngờ hoặc đang bị xoắn đỉnh, xoắn đỉnh do thuốc loạn nhịp tim ngay cả khi không thiếu hụt magnesi
- Điều trị ngộ độc bari, giúp người bệnh làm mất tác dụng kích thích cơ mạnh
Đường uống
- Điều trị táo bón
- Làm thông mạch
- Tẩy trong điều trị ngộ độc.
Chống chỉ định
Thuốc Magnesi sulfat chống chỉ định với những trường hợp sau:
- Những người quá mẫn cảm với hoạt chất magnesium sulfate hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc
- Những người có tiền sử hoặc đang bị suy thận năng, có độ thanh thải creatinine dưới 30ml/phút
- Đối với đường tiêm: Những người bị blốc tim, tổn thương cơ tim, tăng magnesi huyết
- Đối với đường uống: Bệnh nhân bị thủng ruột, đau bụng, viêm ruột thừa, các bệnh cấp tính ở đường tiêu hóa, tắc nghẽn ruột. Những người đã từng thực hiện thủ thuật mở rộng ruột kết và thủ thuật mở thông hồi tràng.
Cách dùng
Thuốc tiêm
Thuốc Magnesi sulfat được dùng để tiêm bắp hoặc tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch. Khi tiêm thuốc vào tĩnh mạch, nồng độ của thuốc thường không lớn hơn 200 mg/ml (20%). Bên cạnh đó tốc độ tiêm thường không quá 150 mg/phút trừ trường hợp người bệnh đang lên cơn co giật do sản giật nặng.
Đối với người lớn, khi tiêm bắp người bệnh thường được dùng dung dịch magnesi sulfat với nồng độ 250 mg/ml (25%) hoặc với nồng độ 500 mg/ml (50%). Đối với trẻ em khi tiêm bắp, bệnh nhi sẽ được sử dụng nồng độ thuốc không quá 200 mg/ml (20%). Khi tiêm bắp, người bệnh cần được tiêm bắp sâu. Đồng thời được theo dõi phản ứng tại chỗ tiêm.
Thuốc Magnesi sulfat nếu tiêm nhanh sẽ gây giãn mạch khiến người bệnh bị hạ huyết áp. Ngoài ra liều dùng thuốc cần được điều chỉnh một cách thận trọng theo yêu cầu và các đáp ứng do từng cá thể đặt ra. Người bệnh cần phải ngưng sử dụng thuốc ngay lập tức khi cơ thể xuất hiện những tác dụng không mong muốn.
Thuốc uống
Pha thuốc uống Magnesi sulfat trong cốc nước lọc đầy hoặc nước chanh (ít nhất 240ml). Người bệnh uống trước bữa ăn. Thuốc có tác dụng trong 2 – 4 giờ.
Liều lượng
Tùy thuộc vào mức độ phát triển bệnh lý, tình trạng sức khỏe và độ tuổi mắc bệnh, liều dùng thuốc Magnesi sulfat ở mỗi người không giống nhau
Thuốc tiêm
Liều dùng thuốc giúp dự phòng xuất hiện cơn co giật trong tiền sản giật
- Liều ban đầu: Tiêm tĩnh mạch trong 5 phút – 15 phút, 4g (16 mmol Mg2+)
- Liều duy trì: Truyền tĩnh mạch với tốc độ 1g/giờ (4 mmol/giờ Mg2+) trong 24 giờ. Trong trường hợp cơn co giật xảy ra, tiêm thêm một liều thuốc vào tĩnh mạch, 2g (8 mmol Mg2+).
Liều dùng cho điều trị cơn co giật và dự phòng tái phái cơn co giật trong sản giật
- Liều ban đầu: Tiêm tĩnh mạch 4g (16 mmol Mg2+) trong 5 – 15 phút
- Liều duy trì: Truyền tĩnh mạch 1g/giờ (4 mmol/giờ Mg2+) trong 24 giờ sau khi co giật xuất hiện hoặc sau khi sinh con. Trong trường hợp co giật tái phát, người bệnh cần được tăng tốc độ truyền đến 1,5 – 2g/giờ (6 – 8 mmol/giờ Mg2+) hoặc sử dụng thêm một liều tiêm tĩnh mạch 2g (8 mmol Mg2+).
Lưu ý:
- Để tiêm tĩnh mạch, nồng độ magnesi sulfat heptahydrat sử dụng cho người bệnh không được vượt quá 20% (200 mg/ml hoặc 0,8 mmol/ml Mg2+). Thực hiện pha loãng 1 phần magnesi sulfat heptahydrrat 50% cùng với 1,5 phần nước để tiêm
- Nồng độ magnesi trong huyết thanh của người bệnh được coi là tối ưu để kiểm soát cơn co giật khi ở mức 6 mg/100 ml
- Tổng liều dùng thuốc magnesi sulfat không được vượt quá số lượng quy định là 30 – 40g/ngày
- Khi bị suy thận nặng, bệnh nhân cần phải kiểm soát tốt nồng độ magnesi trong huyết thanh. Liều dùng thuốc tối đa trong trường hợp này là 20g/48 giờ
Liều dùng cho điều trị bệnh não, co giật và tăng huyết áp do viêm cầu thận cấp ở bệnh nhi
- Liều khuyến cáo: Cách mỗi 4 – 6 giờ khi cần thiết, tiêm 100 mg/kg (0,8 mEq/kg hoặc 0,2 ml/kg dung dịch 50%).
Liều dùng cho kiểm soát cơn co giật ở bệnh nhi
- Liều khuyến cáo: Tiêm bắp với liều lượng 20 – 40 mg/kg (0,16- 0,32 mEq/kg hoặc 0,1- 0,2 ml/kg dung dịch 20%).
Trong trường hợp các triệu chứng trở nặng, tiêm dung dịch 1 – 3% với liều 100 – 200 mg/kg trực tiếp vào đường tĩnh mạch.
Lưu ý: Khi thực hiện truyền tĩnh mạch, người bệnh phải được truyền thật chậm và theo dõi huyết áp.
Liều dùng cho điều trị giảm magnesi huyết cấp hoặc nặng
- Liều khuyến cáo: Truyền vào tĩnh mạch trong 3 giờ với 20 mmol magnesi trong 1 lít dung dịch truyền (glucose 5% hoặc natri clorid 0,9%) hoặc truyền trong 12 – 24 giờ 35 – 50 mmol magnesi trong 1 lít dung dịch truyền. Tiêm bắp trong 4 giờ với liều 1 mmol/kg magnesi.
Lưu ý:
- Kiểm soát nồng độ điện giải và cẩn thận magnesi huyết tương
- Giảm liều đối với bệnh nhân bị suy thận.
Liều dùng cho điều trị giảm magnesi huyết nhẹ, dự phòng tái phát giảm magnesi huyết
- Liều khuyến cáo: Dùng 24 mmol/ngày đường uống.
Liều dùng cho điều trị loạn nhịp tim (nhịp tim nhanh thất)
- Liều khuyến cáo: Dùng 1 – 6 g (8,1 – 48,6 mEq) trong vài phút hoặc truyền tĩnh mạch với tốc độ 3 – 20 mg/phút trong 5 – 48 giờ.
Liều dùng cho điều trị loạn nhịp tim (nhịp tim nhanh nhĩ kịch phát)
- Liều khuyến cáo: Dùng 3 – 4g trong 30 giây bằng đường tĩnh mạch.
Liều dùng cho điều trị ngộ độc bari
- Liều khuyến cáo: Dùng 1 – 2g bằng đường tĩnh mạch.
Thuốc uống
Liều dùng cho điều trị nhuận tràng, táo bón
Đối với người lớn và trẻ em trên 12 tuổi
- Liều khuyến cáo: Dùng 10g/ngày.
Đối với trẻ em từ 6 – 11 tuổi
- Liều khuyến cáo: Dùng 5g/ngày.
Đối với trẻ em từ 2 – 5 tuổi
- Liều khuyến cáo: Dùng 2,5g/ngày.
Đối với trẻ em dưới 2 tuổi
Liều dùng thuốc phụ thuộc vào chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Liều dùng thuốc trong điều trị ngộ độc (tẩy)
- Liều khuyến cáo: Dùng 15 – 30g/ngày, uống thuốc với nhiều nước.
Lưu ý: Người cao tuổi cần được giảm liều dùng thuốc Magnesi sulfat. Bởi việc dùng liều cao ở đối tượng này có thể gây tổn thương thận. Trong trường hợp bị suy thận nặng, liều dùng thuốc không được vượt quá 20g trong 48 giờ. Đồng thời bệnh nhân cần được giám sát nồng độ magnesi huyết thanh.
Bảo quản
Magnesi sulfat trong glucose 5% và Magnesi sulfat ở dạng tiêm nên được bảo quản ở nhiệt độ từ 15 – 30 độ C. Tránh bảo quản thuốc trong ngăn đá tủ lạnh. Bên cạnh đó, người bệnh cần tránh để thuốc tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và tầm tay trẻ em.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Magnesi sulfat
Khuyến cáo khi dùng
Những bệnh nhân sử dụng thuốc Magnesi sulfat ở đường tiêm cần được bác sĩ theo dõi cẩn thận. Bên cạnh đó người bệnh cần thường xuyên kiểm tra nồng độ magnesi bên trong huyết thanh. Điều này sẽ giúp bạn tránh khỏi tình trạng sử dụng thuốc quá liều. Lượng độc tính magnesi có thể khiến người bệnh ngừng tim dẫn đến tử vong hoặc liệt hô hấp. Xương bánh chè mất phản xạ là dấu hiệu đầu tiên có thể chẩn đoán bạn bị ngộ độc magnesi.
Trước mỗi liều nhắc lại, người bệnh cần được kiểm tra cẩn thận phản xạ giật cơ đầu gối. Nếu mất phản xạ người bệnh không nên tiếp tục tiêm Magnesi sulfat cho đến khi có phản xạ trở lại. Đồng thời nhịp thở phải đạt ít nhất 16 lần/phút. Người bệnh chỉ nên tiếp tục sử dụng thuốc khi lượng nước tiểu trong 4 giờ lớn hơn 100ml trước mỗi liều dùng. Cần kiểm tra chính xác huyết áp của người bệnh.
Ngoài ra, trước khi sử dụng thuốc Magnesi sulfat, người bệnh cần lưu ý những điều sau đây:
- Người bệnh cần chuẩn bị sẵn thuốc tiêm tĩnh mạch calci gluconat để điều trị kịp thời tình trạng ngộ độc Magnesi sulfat
- Trong sản khoa khi sử dụng Magnesi sulfat làm thuốc chống cơ co tử cung, người mẹ có nguy cơ bị phù phổi
- Bệnh nhân bị suy thận cần đặc biệt thận trọng khi sử dụng thuốc Magnesi sulfat. Bởi việc tích lũy magnesi có thể khiến người bệnh bị ngộ độc
- Thuốc Magnesi sulfat cần được sử dụng thận trọng ở những người bị suy gan, có cơ thể suy nhược, người cao tuổi, bị nhược cơ hoặc đang bị các bệnh về thần kinh – cơ khác, phụ nữ mang thai, người đang dùng glycosid trợ tim
- Những người đang dùng glycosid trợ tim có nguy cơ blốc tim cao hơn những người bình thường
- Bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định sử dụng thuốc Magnesi sulfat khi dùng trong sản khoa. Đồng thời thường xuyên đến bệnh viện để kiểm tra giúp tránh sai sót gây ngộ độc
- Tình trạng thiếu hụt magnesi, hạ calci huyết và hạ kali huyết có thể xảy ra đồng thời
- Chỉ nên sử dụng Magnesi sulfat đường tiêm ở trẻ em điều trị viêm thận cấp, kiểm soát cơn co giật khi cơ thể của bệnh nhi chắc chắn có hạ magnesi máu. Ngoài ra bệnh nhi cần được kiểm tra magnesi huyết thanh bất cứ lúc nào trong thời gian sử dụng thuốc
- Thuốc Magnesi sulfat dùng đường tiêm tĩnh mạch chỉ nên được sử dụng để kiểm soát ngay lập tức những cơn co giật có khả năng đe dọa đến tính mạng
- Thành phần trong thuốc Magnesi sulfat có khả năng đi qua nhau thai. Việc tiêm bắp cho phụ nữ mang thai thường không gây hại. Tuy nhiên nếu sử dụng thuốc bằng đường tiêm truyền tĩnh mạch thường xuyên (đặc biệt là khi sử dụng trên 24 giờ trước khi sinh) trẻ sơ sinh sẽ có dấu hiệu bị ngộ độc magnesi. Vì thế phụ nữ mang thai cần tránh dùng thuốc ở đường tiêm tĩnh mạch ít nhất 2 giờ trước khi sinh
- Khi tiêm, thuốc Magnesi sulfat có khả năng điều tiết qua sữa mẹ. Do đó bệnh nhân cần thận trọng khi dùng thuốc trong khoảng thời gian này
- Người bệnh cần tránh thụt dung dịch Magnesi sulfat trong điều trị co cứng cơ bụng. Bởi khả năng hấp thu ở trực tràng không thể dự đoán được, nếu mức độ hấp thu nhiều, lượng magnesi huyết sẽ tăng. Đã có báo cáo về việc thụt dung dịch dẫn đến suy tâm thu và tử vong mặc dù đã cố gắng hồi sức
- Người bệnh chỉ nên sử dụng thuốc Magnesi sulfat khi có yêu cầu và hướng dẫn liều dùng từ bác sĩ chuyên khoa. Bệnh nhân không được tự ý sử dụng thuốc để tránh nguy hiểm và phòng ngừa những rủi ro không mong muốn.
Tác dụng phụ
Trong thời gian sử dụng thuốc Magnesi sulfat, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ nghiêm trọng sau:
Thuốc tiêm
- Nhiễm độc magnesi
- Yếu cơ, mất điều hòa cơ, liệt mềm, mất phản xạ gân xương, lú lẫn, buồn ngủ
- Buồn nôn và nôn ói
- Da đỏ bừng
- Khát
- Tiết nhiều mồ hôi
- Hạ huyết áp
- Giãn mạch ngoại biên
- Hạ thân nhiệt
- Suy giảm chức năng tim
- Khó nói
- Nhịp tim chậm
- Suy tuần hoàn
- Loạn nhịp tim
- Ngừng tim
- Giảm thông khí
- Ức chế hô hấp
- Ức chế hệ thần kinh trung ương
- Hôn mê
- Co cứng cơ thứ phát
- Hạ calci huyết.
Những tác dụng phụ này nếu xuất hiện liên tiếp sẽ khiến người bệnh bị liệt hô hấp dẫn đến tử vong. Chính vì thế, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc và báo ngay với bác sĩ chuyên khoa nếu nhận thấy cơ thể xuất hiện những dấu hiệu bất thường.
Thuốc uống
- Đau bụng
- Tiêu chảy
- Kích ứng đường tiêu hóa.
Tương tác thuốc
Thuốc Magnesi sulfat có khả năng tương tác với một vài loại thuốc khác gây nguy hiểm.
- Thuốc chẹn thần kinh – cơ, thuốc chẹn kênh calci, rượu ethylic, thuốc ức chế thần kinh trung ương: Thuốc Magnesi sulfat có thể làm tăng tác dụng chữa bệnh của những loại thuốc này
- Kháng sinh nhóm aminoglycosid: Kháng sinh nhóm aminoglycosid có khả năng làm tăng tác dụng chẹn thần kinh – cơ của thuốc Magnesi sulfat
- Nifedipin: Tác dụng hiệp đồng cộng
- Calcitriol, các thuốc chẹn kênh calci: Làm tăng tác dụng của thuốc Magnesi sulfat
- Các dẫn xuất bisphosphonat, các kháng sinh nhóm quinolon, Eltrombopag, Mycophenolat, các chất bổ sung phosphat, Trientin, các dẫn xuất tetracyclin: Thuốc Magnesi sulfat có thể làm giảm tác dụng chữa bệnh của những loại thuốc điều trị này
- Ketorolac, Mefloquin, Trientin: Làm giảm tác dụng của thuốc Magnesi sulfat
- Tetracyclin và Bisphosphonat: Thuốc Magnesi sulfat dùng đường uống khiến cơ thể giảm hấp thu các loại thuốc này. Vì thế, người bệnh cần sử dụng thuốc cách nhau vài giờ
- Digoxin: Làm thay đổi tác dụng của muối magnesi dẫn đến blốc tim. Người bệnh nên sử dụng calci để chữa ngộ độc magnesi.
Tương kỵ
Thuốc Magnesi sulfat tương kỵ với các chất sau:
- Các salicylat: Tạo thành salicylat base
- Các hydroxyd kiềm: Tạo thành magnesi hydroxyd không tan
- Các carbonat kiềm: Tạo thành carbonat base
- Phosphat, Tartrat, Arsenat: Tạo kết tủa của muối magnesi.
Quá liều và xử lý
Triệu chứng
- Ngừng thở
- Ngừng tim
- Các triệu chứng của tăng magnesi nặng.
Xử lý
- Thông khí nhân tạo cho đến khi đưa được muối calci vào cơ thể bằng đường tĩnh mạch
- Thực hiện hạ calci thứ phát
- Người lớn cần được tiêm tĩnh mạch 10 – 20 ml calci gluconat 10%
- Trong trường hợp tăng magnesi huyết nghiêm trọng, người bệnh cần được thẩm phân máu và thẩm phân màng bụng.
Khi phát hiện sử dụng thuốc Magnesi sulfat quá liều, người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ chuyên khoa hoặc nhanh chóng đến bệnh viện. Khi đó các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra và xử lý kịp thời tránh gây nguy hiểm.