Thuốc Ivermectin: Công dụng, cách dùng và tác dụng phụ
Ivermectin thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống khuẩn, kháng nấm, được sử dụng để điều trị các trường hợp nhiễm giun chỉ Onchocerca volvulus. Nếu dùng không đúng cách, thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ cho bệnh nhân như sốt, ngứa, phù, nổi ban da, chóng mặt, hạ huyết áp… Do đó, nắm rõ các thông tin về loại thuốc này sẽ giúp bạn uống thuốc được an toàn, hiệu quả.
- Tên hoạt chất: Ivermectin
- Tên biệt dược: Envix 6, Ivermectin 3 A.T, Envix 3, Ivermectin 6
- Dạng thuốc: Viên nén
- Nhóm thuốc: Thuốc điều trị ký sinh trùng, kháng nấm, chống nhiễm khuẩn, kháng virus.
I/ Thông tin thuốc Ivermectin
Trước khi điều trị bằng Ivermectin, bạn cần nắm rõ một số thông tin sau đây:
1. Thành phần
Ivermectin
2. Tác dụng của thuốc Ivermectin
- Ivermectin là dẫn chất bán tổng hợp của một trong những avermetin. Đây là nhóm chất mang cấu trúc lacton vòng lớn và được phân lập với sự lên men Streptomy avermitilis. Nó có khả năng phổ hoạt tính rộng trên các loại giun như giun chỉ Wuchereria bancrofti, giun móc, giun lươn, giun tóc, giun kim. giun đũa. Nhưng không có tác dụng trên sán dây, sán lá gan.
- Thuốc được sử dụng để để điều trị cho các trường hợp nhiễm giun chỉ Onchocerca volvulus. Đồng thời Ivermectin còn có tác dụng rất mạnh trong việc tiêu diệt ấu trùng giun chỉ. Tuy nhiên nó lại ít mang lại hiệu quả trong việc điều trị ký sinh trùng khi đã trưởng thành.
- Thuốc Ivermectin ít có khả năng xâm nhập được vào hệ thần kinh trung ương của các loại động vật có vú. Do đó, khi điều trị bằng Ivermectin, nó sẽ không gây ảnh hưởng đến sự dẫn truyền thần kinh GABA trên các đối tượng này.
- Ivermectin có tác động trực tiếp, gây tê liệt sự hoạt động của các ấu trùng và đào thải chúng ra bên ngoài thông qua đường bạch huyết. Nó cũng có tác dụng kích thích tiết chất dẫn truyền thần kinh là acid gama – amino butyric (GABA). Đối với các loại giun nhạy cảm, Ivermectin làm tăng khả năng giải phóng GABA ở sau sinap của các khớp thần kinh cơ. Điều này sẽ làm cho giun bị tê liệt, không thể hoạt động.
3. Chỉ định
Thuốc Ivermectin được chỉ định cho các trường hợp bị nhiễm giun chỉ do Onchocerca volvulus.
4. Chống chỉ định
- Các trường hợp mẫn cảm với những thành phần của thuốc.
- Bệnh nhân có kèm theo tình trạng rối loạn hàng rào máu não, bệnh viêm màng não và bệnh trypanosoma.
5. Liều dùng
Tùy vào thể trọng của từng người mà thuốc được chỉ định với liều lượng không giống nhau. Cụ thể:
- Trẻ từ 15 – 25kg; Uống 1/2 viên/ lần.
- Từ 26 – 44kg: Uống 1 viên/ lần.
- Người có cân nặng từ 45 – 64kg: Dùng thuốc với liều lượng 1, 5 viên/ lần.
- Từ 65 – 84kg: Uống thuốc 2 viên/lần.
6. Cách dùng thuốc Ivermectin
- Tuân thủ đúng theo sự chỉ định của bác sĩ về liều lượng và thời gian điều trị.
- Uống thuốc Ivermectin vào lúc đói cùng với ít nước để mang đến hiệu quả điều trị tốt.
- Có thể dùng thuốc vào buổi sáng hoặc buổi tối. Tuy nhiên, cần nhịn ăn ít nhất là 2 tiếng đồng hồ sau khi uống thuốc.
- Chỉ cần uống thuốc điều trị 1 lần/năm.
- Trong quá trình uống Ivermectin, nếu thấy cơ thể có các biểu hiện quá mẫn, ngưng dùng thuốc và cần thông báo với các bác sĩ để được hướng dẫn xử lý.
7. Bảo quản
- Bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm ướt và nơi nhiều ánh sáng mặt trời.
- Cất thuốc xa tầm với của trẻ.
II/ Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Ivermectin
1. Tác dụng phụ
Tương tự như các loại thuốc tây khác, Ivermectin có thể gây ra các tác dụng phụ cho người bệnh. Dưới đây là một số vấn đề mà bệnh nhân có thể gặp phải:
- Sốt
- Ngứa
- Phù
- Hoa mắt, chóng mặt
- Nổi ban da
- Đau và nhạy cảm ở hạch bạch huyết
- Rùng mình
- Toát mồ hôi
- Sưng khớp
- Đau cơ
- Sưng mặt
- Hạ huyết áp thế đứng dẫn đến ra mồ hôi, lú lẫn, nhịp tim nhanh.
Ngoài ra, thuốc có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng khác mà không được chúng tôi liệt kê trên đây. Trao đổi với các bác sĩ để nắm được rõ hơn các thông tin về vấn đề này.
2. Thận trọng
Trước khi điều trị, cần thông báo với các bác sĩ hoặc dược sĩ về tiền sử bệnh lý, tình trạng sức khỏe của bản thân. Đặc biệt là:
- Đối tượng dùng thuốc là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.
- Không dùng thuốc để điều trị cho phụ nữ đang mang thai và cho con bú.
- Những người đã được chẩn đoán bị giun chỉ hoặc nghi ngờ mắc loại giun này mới được dùng Ivermectin.
- Thuốc không được sử dụng với mục đích phòng bệnh.
3. Tương tác thuốc
Chưa có thông báo về tương tác thuốc. Tuy nhiên, nó có thể làm gia tăng nguy cơ mắc tác dụng phụ của các loại thuốc kích thích thụ thể GABA.
4. Cách xử lý khi dùng thuốc Ivermectin quá liều
Nếu uống thuốc quá liều, bệnh nhân có thể bị nhiễm độc Ivermectin. Lúc này, người bệnh sẽ có các biểu hiện phù, nổi ban da, hoa mắt chóng mặt. nhức mắt suy nhược, buồn nôn, dị cảm và nổi mề đay. Ngoài ra, nó còn có thể gây mất điều hòa, động kinh, đau bụng, khó thở, dị cảm…
Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng trên, cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được xử lý. Biện pháp xử lý được áp dụng là truyền điện giải, trợ hô hấp, sử dụng các loại thuốc tăng huyết áp đối với các trường hợp bị hạ huyết áp. Tiếp theo, các bác sĩ sẽ dùng thuốc tẩy và các phương pháp chống ngộ độc khác để ngăn chặn sự hấp thụ thuốc của cơ thể.
5. Dược động lực học
+ Dược lực học:
Ivermectin là thuốc diệt giun sán
+ Dược động học:
- Hấp thu: Khi uống thuốc với rượu, sinh khả dụng tương đối của viên nén chỉ chiếm 60% sinh khả dụng của thuốc ở dạng dung dịch. Đồng thời nồng độ đỉnh tăng lên gấp đôi.
- Phân bố: Lượng thuốc liên kết với protein huyết tương chiếm khoảng 93%.
- Chuyển hóa: Sự chuyển hóa của thuốc vẫn chưa được nghiên cứu kỹ. Nhưng đã thấy Ivermectin bị thủy phân và bị khử methyl trong gan.
- Thải trừ: Ivermectin được bài tiết qua mật, thải trừ hầu hết ở phân. Lượng thuốc được thải trừ qua nước tiểu chỉ chiếm 1%.
Trên đây là các thông tin mang tính chất tham khảo về thuốc Ivermectin. Việc uống thuốc không đúng cách có thể khiến bệnh nhân gặp phải những vấn đề không mong muốn. Do đó, trước khi sử dụng cần nắm rõ các thông tin về loại thuốc này.