Tá tràng (hành tá tràng) là gì, nằm ở đâu, có chức năng gì?
Tá tràng là nơi dịch mật và dịch tụy đổ vào đường ruột để tiếp tục thực hiện quá trình tiêu hóa thức ăn. Đồng thời nó còn đóng nhiều vai trò khác trong hệ tiêu hóa. Vậy tá tràng là gì? Vị trí, cấu tạo cũng như chức năng của nó là như thế nào? Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để giải đáp cho vấn đề này.
I/ Tá tràng là gì?
Các thông tin dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tá tràng và hành tá tràng:
Vị trí
Ruột non của người được cấu tạo bởi 3 phần, bao gồm tá tràng, manh tràng và hồi tràng. Trong đó, tá tràng (Duodenum) là phần đầu của ruột non, kéo dài từ vị trí môn vị của dạ dày cho đến góc tá tràng – hỗng tràng.
Hành tá tràng còn được gọi là tá tràng trên, chiếm khoảng 2/3 tá tràng và nằm ở vị trí đoạn ngay sau của môn vị dạ dày. Nó có hình dạng phình to ra như củ hành nên thường được gọi là hành tá tràng.
Cấu tạo
Tá tràng được mô tả giống hình chữ C, nằm vắt ngang qua đốt sống. Dựa theo hình dạng, toàn bộ tràng được chia thành 4 phần bao gồm:
- Tá tràng trên được gọi là hành tá tràng.
- Tá tràng xuống. Đây là thành phần dính chặt với tụy, có nhú tá lớn và nhú tá bé và là nơi đổ vào của dịch tụy và dịch mật.
- Tá tràng ngang chạy dài từ trái sang phải, được tính từ động mạch chủ bụng đến tĩnh mạch chủ dưới.
- Tá tràng lên: Phần này chạy dọc ở phía bên trái của cột sống. Tại đây, tá tràng sẽ được dính liền với mặt sau của thành bụng thông qua dây chằng Treitz. Trên lâm sàng y học, dây chằng này được xem là ranh giới để phân biệt đường tiêu hóa trên và đường tiêu hóa dưới.
Giải phẫu tá tràng cho thấy, nếu tính từ ngoài vào trong chúng được chia thành 5 lớp:
- Lớp thanh mạc
- Tấm lớp dưới thanh mạc
- Lớp cơ, bao gồm 2 lớp là thớ cơ dọc ở nông và thớ cơ vòng ở sâu
- Tấm dưới niêm mạc
- Lớp niêm mạc
Chức năng của tá tràng
Tá tràng và hành tá tràng có vai trò rất quan trọng đối với hệ tiêu hóa. Do đây là vị trí mà dịch mật và dịch tụy đổ vào ruột non. Bên cạnh đó, tá tràng còn là nơi thực hiện tiếp quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng có trong thức ăn trước khi chúng được đẩy xuống các cơ quan khác.
Chính vì đóng vai trò quan trọng, nên khi cơ quan này không được khỏe mạnh thì hệ tiêu hóa cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Kéo theo đó là sự xuất hiện của nhiều bệnh lý tiêu hóa mà nhất là đau dạ dày.
II/ Các bệnh lý liên quan đến tá tràng
Cũng tương tự như các cơ quan khác của hệ tiêu hóa, tá tràng là một cơ quan dễ bị tổn thương. Những bệnh lý tá tràng dễ gặp phải bao gồm:
- Viêm loét tá tràng – hành tá tràng: Đây là một bệnh lý phổ biến mà bất cứ ai, ở độ tuổi nào cũng có thể gặp phải. Đặc biệt, những người thường xuyên sử dụng chất kích thích, các thực phẩm cay nóng hoặc sống trong trạng thái căng thẳng kéo dài rất dễ vị viêm tá tràng.
- U tá tràng: Trong số các khối u biểu mô đệm ở ruột non, khối u tá tràng chiếm tới 12 – 18%. Tuy nhiên, chúng lại ít có xu hướng lan rộng và di căn hạch. Khi mắc phải chứng bệnh này, bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u. Đây được xem là phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh u dưới niêm mạc tá tràng.
- Tắc, hẹp tá tràng bẩm sinh: Với bệnh lý này, tá tràng sẽ bị bít tắc hoàn toàn hoặc bị bịt một phần. Các nguyên nhân gây nên tình trạng này có thể kể đến là do màng ngăn, teo tá tràng hoặc do rối loạn quay của ruột.
- Thủng tá tràng: Nếu tình trạng loét ở tá tràng không được điều trị hoặc vì một nguyên nhân khác nào đó, tá tràng sẽ bị thủng. Đây là vấn đề nguy hiểm, có thể đe dọa đến cả tính mạng của bệnh nhân. Do đó, cần phải được cấp cứu và chữa trị sớm.
- Polyp tá tràng: Đây là thuật ngữ dùng để chỉ các khối tế bào được hình thành trên lớp niêm mạc bên trong của tá tràng. Polyp tá tràng khá hiếm gặp và nó cũng ít khi gây ra các triệu chứng cho bệnh nhân. Nếu đang có kích thước nhỏ hoặc chưa gây ra bất cứ triệu chứng gì thì không cần phẫu thuật để cắt.
Trên đây là những thông tin giải đáp cho vấn đề tá tràng là gì và các bệnh lý liên quan. Để tránh gặp phải các bệnh lý về tá tràng, hãy chú ý điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt cho phù hợp. Đồng thời nên tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để tăng cường sức đề khác.
ThuocDanToc.vn không đưa ra bất kì lời khuyên, tham vấn, chẩn đoán y khoa.