Những cách giúp vết thương mau lành bạn có thể thử ngay
Vết thương là những vết trầy xước do va chạm vật lý hoặc do tai nạn, chấn thương gây ra. Hầu hết tổn thương trên da sẽ tự lành sau một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, thay vì để da tự phục hồi, bạn nên thực hiện những cách giúp vết thương mau lành hơn.
Các giai đoạn phục hồi vết thương
Vết thương sẽ phục hồi theo từng giai đoạn. Phạm vi tổn thương càng nhỏ, vết thương sẽ càng nhanh lành. Ngược lại, phạm vi tổn thương lớn hoặc sâu sẽ mất nhiều thời gian để da phục hồi hoàn toàn.
Các giai đoạn phục hồi vết thương bao gồm:
1. Chảy máu
- Máu sẽ bắt đầu đông lại trong vòng vài phút, nếu máu chảy nhiều bạn buộc phải thực hiện các biện pháp cầm máu.
- Máu sẽ đông và khô, tạo thành vảy bảo vệ các mô da bên dưới để hạn chế tình trạng nhiễm trùng.
Không phải vết thương nào cũng chảy máu, với vết bỏng bạn nên đưa vùng da bị bỏng vào chậu nước lạnh để hạ nhiệt, sau đó nên đến bệnh viện để được bác sĩ điều trị.
2. Giai đoạn viêm (miễn dịch)
Khi vảy hình thành, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ hoạt động để bảo vệ vết thương khỏi bị nhiễm trùng.
- Bạn cũng có thể thấy chất lỏng trong suốt chảy ra từ vết thương. Chất lỏng này được gọi là huyết tương, có tác dụng ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn và ký sinh trùng.
- Tiểu cầu trong máu sẽ giải phóng các hóa chất đặc biệt gây viêm ở vết thương
- Các tế bào bạch cầu sẽ di chuyển đến vết thương nhằm chống nhiễm trùng và bắt đầu phục hồi các mô da. Giai đoạn này mất khoảng từ 2 đến 5 ngày.
3. Giai đoạn tái tạo da
- Trong khoảng 3 tuần, cơ thể sẽ sửa chữa các mạch máu bị vỡ và phát triển các mô da mới.
- Các tế bào hồng cầu giúp tạo ra collagen để liên kết các tế bào da mới với tế bào da cũ
- Da mới bắt đầu hình thành trên vết thương
- Khi vết thương lành, vảy sẽ có dấu hiệu co nhỏ hơn.
4. Giai đoạn hình thành sẹo:
- Khi vết thương được chữa lành, bạn có thể nhận thấy khu vực xung quanh vết thương bị ngứa
- Sau đó vảy rơi ra, vùng da mới hình thành có độ căng bóng và có màu đỏ hơn vùng da xung quanh
- Theo thời gian, vết sẹo sẽ mờ dần và biến mất hoàn toàn. Một số vết sẹo nhỏ sẽ mờ đi trong khoảng vài tháng, tuy nhiên vết sẹo sâu hơn có thể mất đến vài năm mới mờ đi hoàn toàn.
Tuy nhiên, quá trình hình thành sẹo còn phụ thuộc vào cơ địa của từng người. Có những người có biểu bì da dày và rất nhanh phục hồi. Ngược lại, những người có làn da mỏng và yếu dễ bị sẹo thâm và sẹo lồi nghiêm trọng.
Chăm sóc vết thương và rút ngắn thời gian phục hồi
Bạn có thể rút ngắn thời gian phục hồi và giảm nguy cơ hình thành sẹo nếu chăm sóc vết thương đúng cách.
- Đối với vết thương nhỏ, bạn có thể làm sạch bằng xà phòng dịu nhẹ hoặc bằng khăn ẩm. Băng vết thương bằng băng gạc hoặc băng cá nhân.
- Đối với các vết thương lớn, bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ xử lý.
- Sử dụng thuốc kháng sinh lên vết thương để tránh tình trạng nhiễm trùng.
- Thay băng mỗi ngày một lần, nên vệ sinh vết thương bằng khăn ẩm trước khi thay băng mới.
- Hạn chế gãi, cạy vảy da, điều này có thể khiến mô da bị tổn thương và gây ra sẹo.
- Khi vết sẹo mới hình thành, nên bảo vệ vùng da trước ánh nắng mặt trời. Vì tia UV có thể khiến vùng da này trở nên sạm màu và khó cải thiện hơn.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Mặc dù các trường hợp nhiễm trùng ít xuất hiện ở những vết thương nhỏ, tuy nhiên bạn nên trang bị kiến thức cần thiết để nhận biết khi tình trạng này phát sinh.
Dấu hiệu nhận biết nhiễm trùng da:
- Đỏ và sưng nghiêm trọng
- Chất lỏng có màu xám chảy ra từ vết thương
- Sốt cao hơn 38,5 độ C
- Các vệt đỏ xuất hiện xung quanh vết thương
- Đau nhức ở vết thương và không thuyên giảm khi uống thuốc giảm đau
Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình phục hồi vết thương
Một số yếu tố có thể làm chậm quá trình phục hồi mô da và khiến vết thương lâu lành hơn, chẳng hạn như:
- Nhiễm trùng: có thể làm cho vết thương bị tổn thương nghiêm trọng và mất nhiều thời gian để chữa lành.
- Bệnh tiểu đường: người mắc bệnh tiểu đường không có khả năng phục hồi các tổn thương của cơ thể. Các vết thương trên da thường mất thời gian rất lâu mới lành hẳn.
- Lưu lượng máu kém:do các động mạch bị tắc hoặc do giãn tĩnh mạch. Máu đưa hồng cầu và oxy đến vết thương để hình thành các mô da. Khi lượng máu tuần hoàn kém, vết thương sẽ cần nhiều thời gian để phục hồi.
- Tuổi tác: người lớn tuổi có khả năng phục hồi chậm hơn người trẻ tuổi và trẻ em.
- Sử dụng rượu:có thể làm chậm quá trình phục hồi vết thương và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Căng thẳng: có thể khiến bạn không ngủ đủ giấc, ăn uống kém, điều này có thể cản trở quá trình hình thành mô da mới.
- Các loại thuốc: như corticosteroid, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và một số loại thuốc hóa trị có thể làm vết thương lâu lành hơn.
Nếu vết thương kéo dài quá lâu, bạn nên chủ động gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Thông tin trong bài viết chỉ đáp ứng cho các trường hợp bị vết thương nông, ở trên bề mặt da. Nếu bạn bị các vết thương sâu và có thể ảnh hưởng đến gân, cơ bắp, dây chằng, thần kinh, mạch máu và xương, bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ điều trị kịp thời.
Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế chỉ định từ nhân viên y tế!