Nhũ hương

Nhũ hương là nhựa của một số loại cây nhũ hương. Đây là thảo dược được dùng rộng rãi trong y học cổ truyền, được dùng trong điều trị bệnh viêm khớp và một số bệnh viêm khác, đau bụng, sốt theo mùa, giảm đau bụng kinh, trị viêm loét dạ dày tá tràng… Ở một số nơi, nhũ hương được sử dụng như một chất để kích thích chu kỳ kinh nguyệt và gia tăng lượng nước tiểu.

nhũ hương
Nhũ hương là vị thuốc lâu đời, có khả năng trị được nhiều bệnh.

Tên gọi, phân nhóm

Tên gọi khác: Hắc lục hương, Địa nhũ hương, Thiên trạch hương.

Tên khoa học: Frankincense (nhũ hương) Mastic

Tên thuốc: Olibanum, Resina oliani.

Thuộc họ: Boswellia carterii Birdw

Đặc điểm sinh thái

Mô tả

Cây nhũ hương có chiều cao dao động từ 4 – 5 m. Cây thô, khỏe, có màu nâu hoặc vàng nhạt, vỏ cây màu trơn sáng. Lá cây mọc xen kẽ, mỗi chiếc dài từ 15 – 25 cm, cuống có màu lông trắng, mọc đối nhau. Vùng đáy của lá rất nhỏ, hướng trên to dần. Mé cạnh của lá có răng cưa, tròn, không theo một thứ tự nào. Cây nhũ hương có hoa nhỏ, mọc thành cụm, nụ hình trứng, màu vàng nhạt.

nhũ hương có tác dụng gì
Hình ảnh lá và hoa cây nhũ hương.

Phân bố

Nhũ hương được tìm thấy nhiều ở các quốc gia thuộc khu vực Địa Trung Hải.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản

Bộ phận dùng: Nhựa cây nhũ hương.

Bào chế: 

  • Theo Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải: Cho một ít rượu vào, nghiền nát, phi qua nước, phơi khô hoặc tán với bột nếp.
  • Theo kinh nghiệm Việt Nam: Nhặt bỏ phần tạp chất, đem tán với Đăng tâm để thành bột (tỉ lệ: cứ 1 lạng nhũ hương (khoảng 40 gam) ứng với 1/4 đồng cân (1 gam) Đăng tâm. Hoặc, bạn cũng có thể sao qua với Đăng tâm rồi tán. Nếu chỉ tán đơn lẻ nhũ hương thì sau này vị thuốc sẽ hút ẩm và vón cục.

Bảo quản:

Bảo quản vị thuốc nơi khô ráo, tránh ẩm để không bị vón cục và lưu giữ được mùi thơm tự nhiên.

Thành phần hóa học

Theo nhiều nghiên cứu, trong thành phần của thảo được chứa các hoạt chất hóa học chính sau:

  • α, β-boswellic acid
  • arabic acid
  • bassorin
  • pinen
  • dipenten
  • α, β-phellandren.

Tác dụng dược lý

Theo nghiên cứu dược lý hiện đại

Theo kết quả nghiên cứu của y học hiện đại, nhũ hương có tác dụng chính là giảm đau, được dùng trong điều trị một số bệnh lý sau:

  • Bệnh viêm khớp và một số dạng viêm khác
  • Giang mai
  • Hen suyễn
  • Ung thư
  • Viêm loét đại tràng
  • Đau bụng, đau bụng kinh
  • Đau họng
  • Kích thích kinh nguyệt
  • Tăng lưu lượng nước tiểu.

Hiện tại, chưa có đủ nghiên cứu và các tác dụng trị bệnh cũng như hiệu quả của loại thuốc này. Tuy vậy, một số nghiên cứu gần đây cho biết, trong thành phần của nhũ hương có chứa một số loại axit cần thiết trong việc chống lại các chủng virus, vi khuẩn như monoterpenes, triterpenes, diterpenes, axit pentacyclic triterpenic và axit tetracyclic triterpenic.

Theo y học cổ truyền

Theo nghiên cứu của y học cổ truyền, nhũ hương có tác dụng chính là hoạt huyết, tiêu sưng, sinh cơ, chỉ thống. Vị thuốc được ứng dụng trong điều trị một số bệnh như:

  • Khí huyết ngưng trệ
  • Bế kinh
  • Đau bụng trong kì hành kinh
  • Ứ huyết sau sinh gây đau bụng
  • Mề đay do phong hàn
  • Ung nhọt.

Tính vị

  • Theo Nhật Hoa Tử Bản thảo: vị cay, nhiệt, hơi độc.
  • Theo Bản Thảo Cương Mục: vị cay, đắng, thuần dương.
  • Theo Trung Dược học: Vị cay, đắng, tính ôn.
  • Theo Đông Dược học Thiết yếu: Vị cay, đắng, tính ôn.

Qui kinh

  • Theo Bản Thảo Cương Mục:  vào kinh Tâm.
  • Theo Trung Dược học: vào kinh Can, Tỳ, Tâm.
  • Theo Đông Dược học Thiết yếu: vào kinh Can, Tỳ, Tâm.
  • Theo Bản Thảo Tùng Tân: vào kinh Tâm, thông 12 kinh.
  • Theo  Bản Thảo Tân Biên: vào kinh Phế, Tỳ, Tâm, Can, Thận.

Cách dùng và liều lượng

Cách dùng

Thuốc uống cho vào thuốc thang. Lúc này thuốc bị đục, uống dễ gây nôn nên người bị đau bao tử không nên dùng (hoặc chỉ dùng với lượng nhỏ) và không điều trị kéo dài bằng thuốc trên.

Liều lượng

3 – 10 gam/ ngày.

Bài thuốc

Tham khảo một số bài thuốc trị bệnh sau đây:

Trị chứng bế – đau kinh: Phối hợp vị thuốc Nhũ hương với Đào nhân, Đương qui, Hồng hoa.

Trị chấn thương ngoại gây sưng, đau:

Bài thuốc Nhũ hương định thông tán: Một dược, Nhũ hương, Xuyên khung mỗi vị 5 gam; Xích thược, Bạch chỉ, Đơn bì, Sinh địa mỗi vị 10 gam, Cam thảo 3 gam. Đem tất cả nguyên liệu trên tán thành bột, dùng từ 3 – 4 gam mỗi ngày, uống với rượu hoặc nước tiểu trẻ em đem chứng lên.

Bài thuốc Thất ly tán (Lương phương tập dịch): Một dược, Nhũ  hương mỗi vị 5 gam, Hồng hoa, Huyết kiệt mỗi vị gồm 6 gam, Băng phiến 3 gam, Nhĩ trà 10 gam, Xạ hương 2 gam. Đem tất cả các nguyên liệu trên tán mịn và trộn đều thành thuốc tán. Mỗi lần dùng 0.2 gam thuốc với rượu.

Trị sưng, đau do ung nhọt

Bài thuốc Nhũ hương tiêu độc tán: Một dược, Nhũ hương 5 gam, Thiên hoa phấn, Hoàng kỳ, Đại hoàng, Ngưu bàng tử, Mẫu lệ mỗi vị 10 gam, Cam thảo 3 gam, Kim ngân hoa 15 gam. Đem tất cả nguyên liệu trên sắc uống.

Bài thuốc Hải phù tán (Ngoại khoa trích lục): Với những mụn nhọt đã vỡ nhưng lâu lành, có thể dùng Một dược và Nhũ hương đem tán thành bột mịn, trộn đều rồi đắp ngoài da. Bài thuốc có tác dụng sinh cơ và tiêu sưng tốt.

Trị nhũ hạch:

Bài thuốc Nhũ một băng hoàng cao: Tán thành bột mịn và trộn đều các vị thuốc Nhũ hương, Hoàng bá, Một dược, Đại hoàng. Trộn thuốc với lòng trăng trứng, cho vào gạc và đắp lên vùng vị đau. Sau mỗi 24 giờ thay thuốc một lần cho đến khi tiêu hạch.

Trị viêm gan (Tạp chí Trung y Giang tô 1962, 8:39): Nhũ hương, Miết giáp, Một dược, Ngũ linh chi đem sắc với lượng bằng nhau, đặt tẩm gạc đắp lên vị trí đau khi còn ấm.

Kiêng kỵ

  • Không dùng cho phụ nữ mang thai.
  • Không dùng với hàm lượng lớn khi chữa bệnh.

Lưu ý

  • Nhũ hương an toàn khi dùng cho đối tượng người lớn khi dùng đường uống dưới 6 tháng.
  • Thảo dược dùng để bôi ngoài da được xác định là an toàn khi dùng thuốc ít hơn 30 ngày.
  • Nhũ hương thường không gây ra tác dụng phụ. Tuy vậy, vị thuốc trên cũng có thể gây ra một số biểu hiện không mong muốn toàn thân như buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng… Hoặc, vị thuốc cũng có thể gây một số tác dụng không mong muốn lên da như: khó thở, phát ban, sưng lưỡi, họng, mặt… Khi gặp các dấu hiệu trên, bạn cần ngưng dùng thuốc và liên hệ với chuyên gia để được tư vấn và giải đáp thắc mắc.

Trên đây là một số thông tin về vị thuốc nhũ hương. Nội dung bài viết mang tính chất tổng hợp và tham khảo. Chúng tôi không đưa ra bất kỳ lời khuyên, chẩn đoán và phương pháp điều trị thay thế chỉ định của bác sĩ chuyên môn.