Ngứa khi mang thai – Nguyên nhân và cách khắc phục
Sự phát triển của thai nhi, tăng cân, tăng lượng hormone estrogen, viêm nang lông… là các nguyên nhân gây ngứa khi mang thai thường gặp. Tình trạng này không chỉ gây khó chịu cho bà bầu mà còn có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nghiêm trọng. Do đó, cần được phát hiện và điều trị sớm để bảo đảm an toàn cho cả mẹ và bé.
Nguyên nhân gây ngứa khi mang thai?
Phụ nữ trong giai đoạn mang thai thường có nhiều thay đổi cả về thể chất và tâm lý. Trong đó, ngứa khi mang thai là tình trạng phổ biến, có đến 40% bà bầu gặp phải vấn đề này.
Theo Y học, ngứa là một thuật ngữ dùng để chỉ cảm giác khó chịu hoặc triệu chứng của một thương tổn nào đó xuất hiện bên ngoài da, dẫn đến gãi ngứa. Có nhiều nguyên nhân khiến phụ nữ mang thai bị ngứa. Nó có thể là do sự thay đổi của cơ thể, mắc các bệnh lý ngoài da hoặc mắc phải tình trạng ứ mật trong thai kỳ, cụ thể dư sau:
- Do sự phát triển ngày càng lớn của thai nhi: Khi mang thai, tử cung sẽ ngày càng to ra do sự phát triển của đứa bé. Điều này sẽ gây nên tình trạng rạn da và gây cảm giác ngứa. Đây cũng được xem là nguyên nhân gây ngứa khi mang thai thường gặp nhất.
- Tăng cân: Phụ nữ mang thai thường có xu hướng tăng cân nhanh, thường tập trung chủ yếu ở phần ngực, đùi, mông nên làm da bị rạn và gây ngứa. Tình trạng này thường gặp ở những tháng cuối cùng của thai kỳ.
- Hormone estrogen tăng: Sự tăng lên của loại hormone này khiến cho các mạch máu bị giãn ra, gây ngứa khi mang thai. Tuy nhiên, đa số trường hợp gặp phải vấn đề này đều có thể tự khỏi sau khi sinh.
- Viêm nang lông: Bà bầu thường xuất hiện các triệu chứng như ngứa, nổi sẩn đỏ. Tình trạng này thường gặp quý 3 của thai kỳ. Một vài trường hợp sử dụng dầu dừa để thoa vùng da bị rạn cũng có thể dẫn đến viêm nang lông.
- Ứ mật trong thời kỳ mang thai: Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến bà bầu bị ngứa. Ứ mật làm cho dịch mật không thể lưu thông như bình thường ở trong các ống nhỏ của gan. Điều này khiến muối tích tụ lại dưới da và gây ngứa. Ngoài biểu hiện, nếu bị ứ mật khi mang thai, chị em còn có thể xuất hiện thêm các dấu hiệu khác như chán ăn, buồn nôn, cơ thể mệt mỏi, rường hợp nặng có thể làm vàng da. Vì tình trạng này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé nên cần được điều trị sớm.
- Ngứa da cũng có thể là do tiết mồ hôi nhiều
- Bị viêm da bọng nước:Ban đầu, nó chỉ là những mảng mề đay và các mụn nước mọc quanh rốn và đùi. Sau đó, các mụn nước có thể lan sang các bộ phận khác như bàn tay, bàn tây, lưng… gây ngứa. Viêm da bọng nước thường xuất hiện trong giai đoạn tuần thứ 20 của thai kỳ.
- Ngứa vùng kín: Trong quá trình mang thai, vùng kín dễ bị các vi khuẩn, nấm xâm nhập và gây hại. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ngứa khi mang thai.
- Bà bầu có tiền sử da khô, bị bệnh chàm hoặc bị dị ứng…
Đa số các trường hợp bị ngứa khi mang bầu thường không gây nhiều vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu ngứa nhiều, ngứa toàn thân ở giai đoạn thứ 2, thứ 3 của thai kỳ có thể là dấu hiệu của các bệnh lý, ảnh hưởng đến cả sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.
Cần làm gì để khắc phục tình trạng ngứa khi mang thai?
- Tránh cào, gãi khi ngứa: Cào, gãi càng nhiều khi bị ngứa sẽ càng làm cho lớp da bị tổn thương nhiều hơn, kích thích và gây ngứa hơn. Chưa hết, da tổn thương do gãi ngứa có thể gây bội nhiễm da, làm bệnh nặng và khó điều trị hơn.
- Thay vì gãi ngứa, để giảm bớt cơn ngứa chị em có thể dùng túi chườm ấm hoặc một chiếc khăn ấm,túi chườm mát hoặc một túi chườm mát để đắp lên vị trí bị ngứa.
- Thoa kem dưỡng ẩm cho da, chống rạn da:Da khô, rạn da là những nguyên nhân gây ngứa khi mang thai phổ biến. Do đó thoa kem dưỡng ẩm hoặc dùng tinh dầu có thành phần tự nhiên là điều cần thiết. Nó sẽ hạn chế được tình trạng khô da, rạn da và giảm được ngứa ngáy, khó chịu. Bà bầu nên sử dụng các sản phẩm này sau khi tắm xong hoặc trước khi đi ngủ. Nếu dùng cho vùng bụng, các mẹ cần chú ý thoa một cách nhẹ nhàng, tránh gây kích thích tử cung.
- Nên mặc những bộ quần áo thoáng mát, thấm mồ hôi.Không nên đến những nơi oi bức, nắng nóng để hạn chế toát mồ hôi. Bên cạnh đó, bà bầu cũng cần phải tránh những nơi nhiều bụi bẩn, có chứa các chất gây dị ứng, ngứa.
- Vệ sinh cơ thể thường xuyên và đúng cách:Phụ nữ khi mang thai bị ngứa nên tắm bằng nước ấm, có thể dùng sữa tắm nhưng cần đảm bảo chúng không gây khô da. Nếu có thể tắm bằng bột yến mạch thì càng tốt, nó cũng sẽ có tác dụng giảm ngứa cho bệnh nhân. Tránh sử dụng xà phòng hoặc các loại sữa tắm có độ pH cao. Sau khi tắm xong, lau khô da và nên thoa một lớp kem dưỡng ẩm. Lưu ý, để tránh làm da mất nước, các bà bầu cũng không nên ngâm mình trong nước tắm quá lâu.
- Giữ vệ sinh cơ quan sinh dục ngoài: Không chỉ trong giai đoạn mang thai mà đối với những người bình thường, giữ vùng kín luôn được khô thoáng, sạch sẽ luôn là điều cần thiết. Các chị em có thể sử dụng các loại dung dịch vệ sinh phụ nữ. Tuy nhiên nên tùy vào cơ địa của mình mà chọn các sản phẩm phù hợp. Đặc biệt, phụ nữ đang mang thai không nên lạm dụng các sản phẩm này. Bởi chúng có thể làm mất cân bằng độ pH tự nhiên ở âm đạo.
- Xây dựng một chế độ ăn uống hợp lý:Nếu bị ngứa khi mang thai, các mẹ nên tăng cường bổ sung cho cơ thể các thực phẩm giàu vitamin A có nhiều trong các loại củ, gan, trứng, cá… Thực phẩm giàu vitamin D như dầu cá, các sản phẩm từ sữa, cá biển…. Nên uống đủ nước mỗi ngày. Bên cạnh đó, không nên sử dụng các thực phẩm cay nóng, đồ uống có cồn, các chất kích thích.
- Trước khi đi ngủ, nên ngâm chân bằng các nước chè xanh, nước lá trầu hoặc nước muối pha loãng. Điều này sẽ làm cho giấc ngủ của chị em sâu hơn.
- Thường xuyên tập luyện thể dục: Chị em nên thực hiện các động tác thể dục nhẹ nhàng để giúp cho máu được lưu thông tốt hơn.
Thông tin thêm: Người bị viêm da dị ứng nên ăn gì, kiêng ăn gì để hết ngứa?
Ngứa khi mang thai khi nào cần đi gặp bác sĩ?
Thông thường, ngứa khi mang bầu có thể tự khỏi và ít khi gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và con. Bà bầu chỉ cần áp dụng các biện pháp điều trị thông thường là có thể khắc phục được triệu chứng. Tuy nhiên, ngứa trầm trọng lại có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý. Do vậy, cần đi khám bác sĩ ngay nếu xuất hiện các triệu chứng sau:
- Ngứa ngáy đi kèm với triệu chứng sốt, phát ban: Đây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nhiễm trùng gây phát ban như sốt phát ban, sởi, herpes…
- Ngứa, vàng da và rối loạn tiêu hóa: Đây là triệu chứng của bệnh ứ mật trong giai đoạn mang thai.
- Ngứa đi kèm với các tổn thương ngoài da: Thường gặp ở những đối tượng bị vảy nến, viêm da cơ địa.
- Ngứa, nóng rát âm đạo kèm với tình trạng khí hư ra nhiều: Nếu có các triệu chứng này, chị em có thể đã bị nhiễm nấm âm đạo hoặc mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
Để làm giảm ngứa, giúp các chị em thoải mái hơn, các bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân sử dụng các loại kem hoặc các loại thuốc như: Kem cortisone điều trị chàm, các loại kháng sinh hoặc thuốc kháng nấm. Dung kháng histamin có thể được chỉ định cho những trường hợp bị ngứa do dị ứng. Tùy thuộc vào mức độ triệu chứng và cơ địa của mỗi người mà các bác sĩ có thể chỉ định cho bà bầu áp dụng các biện pháp khác nữa.
Hầu hết các trường hợp, ngứa khi mang thai đều xuất phát từ các nguyên nhân lành tính và it khi gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, nó cũng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nghiêm trọng, vì vậy các bà bầu nên đi khám để được điều trị khi thấy có biểu hiện bất thường.
ThuocDanToc.vn không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.