Mụn nước ở môi coi chừng dấu hiệu của bệnh nguy hiểm
Mụn nước ở môi là triệu chứng của nhiều vấn đề sức khỏe. Một số trường hợp là do ma sát hoặc do côn trùng cắn, tuy nhiên đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Mụn nước ở môi do bệnh gì gây ra ?
Mụn nước là tình trạng vùng da nhô lên, bên trong có chứa dịch nước trong hoặc có màu trắng đục. Mụn nước ở môi có thể xuất hiện do bạn gãi vùng da môi thường xuyên hoặc do ma sát giữa môi và khẩu trang.
Tuy nhiên, tình trạng này có thể do một số bệnh lý khác gây ra:
1. Viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc là tình trạng da phản ứng với những tác nhân gây dị ứng. Bạn có thể bị dị ứng son dưỡng, son môi, nọc độc từ vết cắn của côn trùng hoặc để dính keo dán, mủ của những loại thực vật lên vùng da này.
Viêm da tiếp xúc không gây nguy hiểm nhưng các triệu chứng có thể khiến bạn khó chịu và ngứa ngáy. Viêm da tiếp xúc gây đỏ da, sưng, ngứa và nổi mụn nước. Sau khi các nốt mụn nước chảy dịch ra ngoài, lớp da sẽ khô dần và đóng vảy. Nếu các triệu chứng không tự biến mất, bạn có thể sử dụng thuốc steroid và thuốc kháng histamine để cải thiện.
2. Herpes môi
Herpes môi xuất hiện do virus Herpes simplex type 1 gây ra. Virus này gây ra những nốt mụn nước ở quanh miệng, sau đó các mụn nước chảy dịch và tạo thành các vết loét.
Virus lây nhiễm khi bạn hôn hoặc sử dụng vật dụng chung với người mắc bệnh. Ngoài ra, virus có thể xâm nhập khi có vết thương ở môi hoặc bạn đang mắc một số vấn đề sức khỏe như nhiễm đường hô hấp, suy giảm hệ miễn dịch, đang có thai hoặc đang trong thời kỳ kinh nguyệt.
Herpes môi thường không gây ra biến chứng nguy hiểm đối với người khỏe mạnh. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai nhiễm virus Herpes simplex có thể gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
Hiện tại không có loại thuốc ức chế hoàn toàn virus này. Việc điều trị tập trung vào loại bỏ các vết loét và hạn chế tình trạng tái phát. Thuốc kháng sinh thường được chỉ định trong quá trình điều trị bệnh lý này.
3. Chốc lở
Chốc lở do vi khuẩn Staphylococcus aureus gây ra. Đây là một bệnh nhiễm trùng da rất dễ lây lan, thường gặp ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh.
Chốc lở khiến các đốm đỏ xuất hiện trên da, thường tụ ở quanh môi và mũi. Sau đó, các đốm đỏ nhanh chóng phát triển thành mụn nước. Khi mụn nước rỉ và chảy dịch, vùng da sẽ khô lại và có màu vàng nâu.
Tương tự như những bệnh ngoài da khác, chốc lở thường đáp ứng tốt với thuốc kháng sinh. Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh dùng kháng sinh tại chỗ như axit fusidic và mupirocin hoặc dùng kháng sinh đường uống như amoxicillin, cephalosporin, macrolide,…
4. Bỏng
Bỏng là hiện tượng da tiếp xúc với những tác nhân có nhiệt độ cao khiến tế bào da bị tổn thương. Để làm dịu vùng da bị bỏng, hệ miễn dịch sẽ tập trung huyết tương tại vị trí này và gây ra tình trạng mụn nước. Mụn nước ở môi có thể do bạn bị bỏng khi ăn, do tiếp xúc hóa chất mạnh hoặc do bị cháy nắng.
Bỏng do dùng đồ ăn nóng hay cháy nắng thường có mức độ nhẹ. Những vết bỏng nhẹ có thể tự khỏi hoặc biến mất sau vài ngày dùng thuốc mỡ kháng sinh. Tuy nhiên, nếu bạn bị bỏng hóa chất bạn cần đến bệnh viện để được bác sĩ hỗ trợ.
5. Thủy đậu
Thủy đậu là bệnh nhiễm trùng do virus Varicella-zoster gây ra, thường xuất hiện ở trẻ em dưới 12 tuổi. Virus gây bệnh có thể lây nhiễm qua nước bọt, ho hoặc hắt xì. Ban đầu bệnh gây ra các vết sưng đỏ, sau đó sẽ phát triển thành mụn nước. Các nốt mụn nước thường có xu hướng lan tỏa khắp cơ thể và có thể xuất hiện ở môi.
Thủy đậu thường được điều trị bằng thuốc kháng histamine hoặc thuốc mỡ điều trị tại chỗ. Sau khi điều trị, Virus Varicella-zoster có thể tái phát khi hệ miễn dịch suy yếu và gây ra bệnh zona.
6. Viêm quầng
Viêm quầng là một bệnh nhiễm trùng da do vi khuẩn gây ra, thường là do vi khuẩn Streptococcus nhóm A. Khi nhiễm trùng xảy ra, vùng da sẽ bị đỏ, sưng và nổi mụn nước. Ngoài ra, vi khuẩn có thể khiến bạn sốt, ớn lạnh và mệt mỏi.
Nếu bạn bị viêm quầng nhẹ, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng sinh dạng uống. Nếu tình trạng nặng hơn, bạn buộc phải điều trị nội trú.
Viêm quầng là một bệnh nhiễm trùng da nguy hiểm, bệnh có thể gây áp xe, cục máu đông, nhiễm trùng khớp, ngộ độc máu,… Một số trường hợp viêm quầng nặng phải can thiệp phẫu thuật.
7. Pemphigus
Pemphigus là một bệnh tự miễn hiếm gặp. Bệnh gây phồng rộp trên niêm mạc da, thường bắt đầu bằng mụn nước ở miệng và lan ra các vùng da khác.
Bệnh hình thành do các kháng thể trong hệ miễn dịch tấn công vào protein trong da và màng nhầy. Hiện tại, bệnh Pemphigus vẫn chưa thể chữa trị dứt điểm. Các phương pháp được chỉ định nhằm ngăn ngừa các biến chứng của bệnh.
Pemphigus thường đáp ứng với thuốc corticosteroid và các thuốc ức chế miễn dịch khác, thuốc kháng sinh, thuốc chống nấm virus.
8. Bệnh tay chân miệng
Tay chân miệng là bệnh lý hình thành do coxsackievirus gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh tay chân miệng gây ra các triệu chứng như sốt, viêm họng và mệt mỏi,…
Sau khoảng 1 – 2 ngày bắt đầu sốt, vết loét có thể xuất hiện ở miệng, sau đó chuyển xuống tay, chân và mông. Các vết loét dần chuyển thành mụn nước, sau đó chảy dịch và khô lại.
Thông thường, bệnh tay chân miệng sẽ biến mất hoàn toàn sau 7 – 10 ngày. Vì không có thuốc đặc hiệu virus này nên bác sĩ có thể kê toa thuốc giảm đau như aspirin, ibuprofen, acetaminophen,… để hạ sốt và giảm đau cho trẻ. Nếu da bị phát ban nặng, bác sĩ có thể sử dụng kem trị ngứa da (Calamine lotion) để làm giảm các triệu chứng.
Bệnh tay chân miệng có thể để lại những biến chứng nguy hiểm như viêm não và viêm màng não.
9. Dị ứng thực phẩm
Dị ứng thực phẩm cũng là một tình trạng có thể làm xuất hiện ở môi hoặc trong miệng. Phản ứng quá mẫn thường xuất hiện ở bạn ăn thực phẩm gây dị ứng. Các triệu chứng thường gặp như ngứa cổ họng, rát lưỡi, ngứa môi,…
Ngay khi lấy thức ăn ra khỏi miệng, các triệu chứng sẽ thuyên giảm rõ rệt. Tuy nhiên sau đó những vùng niêm mạc ở môi và miệng có thể xuất hiện mụn nước. Nếu các triệu chứng biến mất hẳn trong vòng 24 giờ, bạn sẽ không phải điều trị.
Tuy nhiên trong trường hợp các triệu chứng mới xuất hiện như khó thở, sưng cổ họng,… bạn nên đến bệnh viện để được xử lý kịp thời. Cơ thể có thể bị sốc do thực phẩm gây dị ứng và làm xuất hiện phản ứng phản vệ.
Thông tin trong bài viết chưa bao gồm toàn bộ những bệnh lý gây ra triệu chứng mụn nước ở môi. Nếu có bất cứ thắc mắc nào, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được giải đáp cụ thể. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chẩn đoán, chỉ định của nhân viên y tế!