Mỏi đầu gối – Do khớp hay bệnh gì và cách khắc phục?
Mỏi khớp gối là hiện tượng thường gặp khi mắc các bệnh lý như gout, viêm gân bánh chè hay thoái hóa khớp gối. Để khắc phục triệu chứng này, ngoài việc điều chỉnh thói quen sinh hoạt hàng ngày cho đúng, bạn có thể áp dụng liệu pháp xoa bóp, ngâm chân vào nước ấm hoặc sử dụng thuốc theo đơn bác sĩ.
Nguyên nhân gây mỏi đầu gối
Hiện tượng mỏi đầu gối có nguyên nhân khá đa dạng. Bạn có thể gặp triệu chứng này do các yếu tố cơ học tác động hoặc do ảnh hưởng của một vấn đề về y tế.
Mỏi khớp gối do tác động của các yếu tố vật lý, cơ học
- Béo phì, dư thừa trọng lượng cơ thể
- Thói quen mang giày cao gót ở phụ nữ
- Lao động nặng nhọc, thường xuyên phải bưng bê vật nặng
- Đi lại, vận động khớp gối nhiều gây căng cơ, mỏi gối
- Tư thế ngồi gây áp lực lên khớp gối, chẳng hạn như ngồi xổm, vắt chân nọ lên chân kia.
- Suy giảm hóc môn cũng dẫn đến hiện tượng mỏi đầu gối
- Chế độ ăn uống không hợp lý, thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết cho xương khớp.
- Thời tiết thay đổi đột ngột có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, trong đó bao gồm cả chứng mỏi khớp gối.
- Bị tai nạn, vấp ngã hay có vật cứng va đập mạnh vào khớp gối dẫn đến chấn thương tạo cho người bệnh cảm giác hay bị nhức mỏi đầu gối.
Các vấn đề về y tế gây mỏi đầu gối
Các vấn đề về sức khỏe có thể gây mỏi khớp gối kéo dài kèm theo nhiều triệu chứng bất thường khác ngoài khớp. Bạn nên thận trọng với các căn bệnh sau:
- Bệnh gout (gút):
Khớp gối là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất của bệnh gout. Căn bệnh này xảy ra khi có sự gia tăng vượt ngưỡng cho phép của hàm lượng axit uric trong máu.
Axit uric tồn đọng lâu ngày sẽ tích tụ thành các tinh thể muối urat khiến cho khớp bị viêm đau dữ dội. Ngoài ra bệnh còn gây sưng tấy, mỏi khớp gối,c hạm vào khu vực tổn thương có cảm giác nóng ấm.
- Bệnh thoái hóa khớp gối:
Đây là một trong những nguyên nhân gây mỏi đầu gối thường gặp nhất. Ở những người mắc bệnh thoái hóa khớp gối, do lớp sụn bảo vệ khớp bị ăn mòn nên thường xuyên gặp phải cảm giác đau mỏi, tê bì. Khớp gối thoái hóa cũng bị cứng và có thể phát ra tiếng kê lạo xạo khi di chuyển.
- Bệnh viêm màng bao hoạt dịch khớp gối
Theo cấu tạo, bao hoạt dịch đóng vai trò duy trì khả năng vận động linh hoạt cho khớp gối và làm giảm hiện tượng ma sát giữa các đầu xương. Chức năng này có thể bị suy giảm khi túi hoạt dịch bị nhiễm trùng. Người mắc bệnh thường có biểu hiện bị khô khớp gối, đau mỏi khớp thường xuyên, một số trường hợp thì lại bị tràn dịch khớp gối.
- Bệnh viêm khớp dạng thấp
Cuối cùng, một bệnh lý bạn nên đặc biệt thận trọng khi bị mỏi đầu gối đó chính là bệnh viêm khớp dạng thấp. Bệnh có thể gây viêm mãn tính ở nhiều khớp cùng lúc, trong đó có cả khớp gối.
Biểu hiện đặc trưng của bệnh là tình trạng đau nhức, cứng khớp, mỏi khớp gối. Căn bệnh này nếu không được kiểm soát tốt có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
- Viêm gân bánh chè
Gân bánh chè nằm ở phía trước khớp gối. Nó có nhiệm vụ giữ cho đùi và bắp chân được duỗi thẳng khi vận động. Trong trường hợp gân bánh chè bị viêm, người bệnh sẽ thường xuyên có cảm giác đau nhức, tê mỏi đầu gối. Ngoài ra khớp gối còn có biểu hiện sưng đỏ, khi co duỗi phát ra tiếng kẽo kẹt.
Cách khắc phục mỏi đầu gối
Thông thường, cơn mỏi khớp gối sẽ bớt khi bạn nghỉ ngơi kết hợp với biện pháp chăm sóc, sinh hoạt hợp lý. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân gây mỏi đầu gối có liên quan đến yếu tố bệnh lý thì cần tiến hành điều trị bằng y khoa.
Dưới đây là một số cách điều trị mỏi đầu gối đang được áp dụng:
1. Xoa bóp giảm mỏi đầu gối bằng tinh dầu
Mát xa bằng tinh dầu có thể giúp cải thiện các cơn đau mỏi ở đầu gối. Hoạt động này có tác dụng làm thư giãn các cơ, kích thích lưu thông máu đến khu vực đầu gối. Nhờ vậy những tổn thương tại sụn hay xương hay gân cơ trong khớp gối sẽ nhanh lành hơn.
Khi xoa bóp, bạn nên sử dụng tinh dầu để tăng hiệu quả điều trị. Có thể dùng dầu khuynh diệp, dầu chàm hay tinh dầu hoa oải hương đều được.
Các bước xoa bóp giảm mỏi đầu gối như sau:
- Bước 1: Bạn ngồi trên mặt sàn hoặc trên một cái giường có nệm cứng. Hai chân để ở tư thế duỗi thẳng
- Bước 2: Lấy lượng dầu nóng vừa đủ thoa lên đầu gối và khu vực xung quanh
- Bước 3: Đặt hai bàn tay lên đầu gối, dùng các đầu ngón tay xoa bóp nhẹ nhàng
- Bước 4: Mở rộng khu vực mát xa lên phía trên, dưới mà mặt trong của đầu gối
- Bước 5: Lặp lại các động tác trên mỗi lần 15 phút x 2 – 3 lần trong ngày.
2. Ngâm chân vào nước ấm trước khi ngủ
Người bị mỏi khớp gối cũng được khuyên nên duy trì thói quen ngâm chân vào nước ấm mỗi tối trước khi đi ngủ. Liệu pháp này có tá dụng giải phóng áp lực cho khớp gối và các cơ bắp, thúc đẩy máu lưu thông nhiều hơn đến nuôi dưỡng khu vực tổn thương, đồng thời chống lại tình trạng sưng viêm ở khớp.
Cách ngâm chân với nước ấm như sau:
- Đun sôi 1 – 1,5 lít nước. Có thể thêm một số nguyên liệu như xả, gừng, muối vào trong nồi nước. Để cho nước nguội còn khoảng 40 độ.
- Gạn nước ra một cái chậu đủ rộng để có thể đặt vừa hai bàn chân vào
- Ngồi ngâm ở tư thế thoải mái kết hợp mát xa từ dưới lên trên đùi và ngược lại trong khoảng 15 phút là được. Ngâm nước ấm quá lâu có thể khiến da chân bị khô.
- Cuối cùng, nhấc chân ra khỏi chậu, thấm khô da và thoa một lớp kem dưỡng ẩm cho bàn chân để tránh tình trạng khô da.
3. Kiểm soát cân nặng cũng giúp chữa mỏi đầu gối
Đối với những người đang bị thừa cân, béo phì, việc giảm cân có thể giúp kiểm soát được tình trạng mỏi khớp gối. Cân nặng được đưa về mức hợp lý sẽ giải phóng đáng kể áp lực đè nén từ phần thân trên lên khớp gối. Nhờ vậy, tình trạng đau mỏi đầu gối cũng thuyên giảm.
Để giảm cân, người bệnh cần có một chế độ ăn kiêng hợp lý và chăm chỉ luyện tập thể dục. Tránh các hình thức giảm cân phản khoa học như nhịn ăn, uống thuốc xổ, sử dụng các sản phẩm giảm cân không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe.
4. Điều chỉnh thói quen sinh hoạt
Duy trì những thói quen sinh hoạt tốt trong đời sống sinh hoạt hàng ngày có thể giúp bạn khắc phục và tránh được những cơn đau mỏi đầu gối trong tương lai. Dưới đây là một số vấn đề bạn nên tuân thủ thực hiện:
- Không có gắng mang vác những đồ vật quá nặng. Nếu có thể hãy nhờ người cùng khiêng hoặc nhờ sự trợ giúp của máy móc.
- Tránh những cử động đột ngột ở khớp gối, chẳng hạn như vặn, xoắn đầu gối, đá chân lên cao.
- Lựa chọn giày có độ cao và kích cỡ phù hợp, chất liệu êm chân. Phụ nữ nên hạn chế mang giày cao gót.
- Tập thể dục hàng ngày. Lựa chọn các bài tập nhẹ nhàng, vừa sức và không gây áp lực cho khớp gối như bơi lội, yoga, đi bộ. Mỗi ngày tập từ 20 – 30 phút là đủ.
- Đối với các trường hợp phải làm những công việc vận động khớp gối nhiều thì cứ cách 1 – 2 giờ nên ngồi nghỉ ngơi, thả lỏng và xoa bóp nhẹ nhàng cho đầu gối.
5. Điều trị triệt để các bệnh lý gây mỏi khớp gối
Chỉ khi các bệnh lý liên quan được điều trị triệt để thì chứng mỏi đầu gối mới không còn cơ hội tái diễn. Tùy theo tình trạng bệnh lý mắc phải, bạn có thể được chỉ định điều trị nội khoa bằng thuốc hoặc phẫu thuật.
Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm: Thuốc giảm đau, Corticoid, thuốc kháng viêm không steroid, thuốc giãn cơ, thuốc kháng sinh, thuốc chứa chất bổ sung Glucosamin hay Chondroitin…
Phẫu thuật được chỉ định để sửa chữa tổn thương tại khớp háng trong các trường hợp bị mỏi đầu gối do mắc bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Trao đổi với bác sĩ chuyên khoa xương khớp để được tham vấn phương pháp điều trị thích hợp nhất với bạn.
Bạn nên tham khảo thêm
- Đau mỏi khớp gối ở người trẻ tuổi nguyên nhân do đâu?
- Viêm màng bao hoạt dịch khớp gối là gì ? Điều trị như thế nào ?