Metoclopramid là thuốc gì? Cách sử dụng và Liều dùng

Thuốc Metoclopramid có khả năng tăng nhu động của tá tràng, hang vị và hỗng tràng. Thuốc được dùng để chống nôn do thực hiện hóa trị liệu trong điều trị ung thư, sau phẫu thuật hoặc do đau nửa đầu. Ngoài ra thuốc còn hỗ trợ thủ thuật đặt ống thông tá tràng và xét nghiệm X-quang.

metoclopramid thuoc gi
Thuốc Metoclopramid có khả năng tăng nhu động của tá tràng, hang vị và hỗng tràng
  • Tên thuốc: Metoclopramid
  • Tên khác: Metoclopramide
  • Phân nhóm: Thuốc kích thích nhu động ruột và dạ dày

Những thông tin cần biết về thuốc Metoclopramid

1. Thận trọng

Metoclopramid có khả năng tăng nhu động của tá tràng, hang vị và hỗng tràng. Thuốc làm tăng độ co bóp của hang vị và giảm độ giãn phần trên của dạ dày nên có khả năng giảm trào ngược thực quản và giúp làm rỗng dạ dày nhanh chóng.

Bên cạnh đó, Metoclopramid còn phong bế thụ thể dopamine và đối kháng serotonin – 5HT3 giúp giảm buồn nôn.

 2. Chỉ định

Thuốc Metoclopramid được chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Buồn nôn và nôn do hóa trị liệu trong điều trị ung thư, sau phẫu thuật hoặc do đau nửa đầu. Thuốc ít có hiệu quả đối với nôn mửa và buồn nôn do say tàu xe
  • Điều trị ứ đọng dạ dày và trào ngược dạ dày thực quản
  • Hỗ trợ thủ thuật đặt ống thông vào tá tràng
  • Làm rỗng dạ dày trong xét nghiệm hình ảnh X-quang

3. Chống chỉ định

Chống chỉ định thuốc Metoclopramid cho những đối tượng sau:

  • Người bệnh động kinh (Hoạt động của thuốc có thể làm nghiêm trọng các cơn động kinh)
  • Tắc ruột cơ học
  • Xuất huyết dạ dày tá tràng
  • Thủng ruột
  • U tế bào ưa crom (vì thuốc có thể làm tăng huyết áp đối với những bệnh nhân này)

4. Dạng bào chế – hàm lượng

Thuốc Metoclopramid được bào chế chủ yếu ở dạng ống tiêm, siro và viên nén.

  • Siro – 1mg/ ml
  • Ống tiêm – 5mg/ ml
  • Viên nén – 5mg, 10mg

5. Cách dùng – liều lượng

Có thể sử dụng thuốc Metoclopramid bằng đường uống, tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch. Để biết cách sử dụng cụ thể, bạn nên tham khảo thông tin hướng dẫn in trên bao bì thuốc.

giá thuốc metoclopramide
Sử dụng thuốc Metoclopramid bằng đường uống, tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch

Liều dùng tối đa một ngày không nên quá 0.5mg/ kg thể trọng. Bên cạnh đó, cần hiệu chỉnh liều đối với trẻ nhỏ, bệnh nhân suy gan và thận.

Liều dùng thông thường:

  • Trẻ dưới 1 tuổi và có cân nặng dưới 10kg: Dùng 1mg/ 2 lần/ ngày
  • Trẻ từ 1 – 3 tuổi và có cân nặng từ 10 – 14kg: Dùng 1mg/ 2 – 3 lần/ ngày
  • Trẻ từ 3 – 5 tuổi và có cân nặng từ 15 – 19kg: Dùng 2mg/ 2 – 3 lần/ ngày
  • Trẻ từ 5 – 9 tuổi và có cân nặng từ 20 – 29kg: Dùng 2.5mg/ 3 lần/ ngày
  • Trẻ từ 9 – 14 tuổi và có cân nặng từ 30kg trở lên: Dùng 5mg/ 3 lần/ ngày
  • Người từ 15 – 19 tuổi và có cân nặng từ 30 – 59kg: Dùng 5mg/ 3 lần/ ngày. Nếu có cân nặng cao hơn 60kg, dùng 10mg/ 3 lần/ ngày

Liều dùng khi phòng ngừa nôn do hóa trị liệu (chỉ sử dụng cho người lớn)

  • Truyền tĩnh mạch 2mg/ kg trong ít nhất 15 phút, lặp lại liều sau 2 – 3 giờ
  • Liều dùng tối đa: 10mg/ kg trong 24 giờ

Liều dùng thông thường khi điều trị trào ngược dạ dày thực quản

  • Trẻ em (dùng thuốc dạng siro): Dùng 0.1mg/ kg/ lần, dùng 3 lần/ ngày trước khi ăn
  • Người lớn (dùng viên nén): Dùng 10 – 15mg/ 3 lần/ ngày, uống trước bữa ăn 30 phút. Hoặc tiêm bắp trước khi ăn với liều 10mg

Liều dùng thông thường khi dự phòng nôn sau phẫu thuật (chỉ dùng cho người lớn)

  • Tiêm bắp từ 10 – 20mg trong thời điểm gần kết thúc phẫu thuật

Các dung dịch tiêm Metoclopramid đều phải pha loãng trước khi truyền tĩnh mạch.

6. Bảo quản

Bảo quản chế phẩm Metoclopramid trong nhiệt độ dao động từ 15 – 30 độ C, tránh ẩm thấp và ánh sáng trực tiếp. Dung dịch tiêm đã pha chỉ sử dụng được trong 48 giờ nếu bảo quản ở môi trường không có ánh sáng.

Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Metoclopramid

1. Thận trọng

Thuốc Metoclopramid có thể tăng nguy cơ co thắt phế quản và làm bùng phát các cơn hen cấp tính. Ngoài ra sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch có thể giải phóng catecholamine và làm nghiêm trọng tình trạng tăng huyết áp. Vì vậy cần thận trọng khi sử dụng thuốc cho bệnh nhân cao huyết áp và hen suyễn.

metoclopramide thuốc biệt dược
Thuốc Metoclopramid có thể làm co thắt phế quản và bùng phát các cơn hen cấp tính

Trẻ em, thiếu niên và người cao tuổi có thể nhạy cảm hơn với hoạt động của thuốc. Cần chú ý khi sử dụng thuốc cho những đối tượng này.

Ngoài ra, nên xem xét trước khi sử dụng thuốc cho người có tiền sử trầm cảm, bệnh nhân Parkinson hoặc người đã từng có ý định tự sát. Cần điều chỉnh liều ở bệnh nhân tổn thương thận và gan.

Buồn ngủ và chóng mặt có thể xảy ra trong thời gian dùng thuốc. Bạn nên hạn chế vận hành thiết bị, lái xe,… trong thời điểm này.

Sử dụng thuốc Metoclopramid trong 3 tháng cuối thai kỳ có thể gây ra các triệu chứng ngoại tháp ở trẻ em (có thể hồi phục). Chỉ sử dụng thuốc trong thời gian mang thai nếu có yêu cầu từ bác sĩ chuyên khoa.

Metoclopramid đi qua sữa mẹ và có thể gây tác động lên hệ thần kinh trung ương của trẻ. Vì vậy cần cân nhắc trước khi sử dụng thuốc cho phụ nữ đang cho con bú.

2. Tác dụng phụ

Tác dụng phụ thường gặp:

  • Buồn ngủ
  • Yếu cơ bất thường
  • Ỉa chảy
  • Mệt mỏi
  • Phản ứng ngoại tháp

Tác dụng phụ ít gặp:

  • Ngoại ban
  • Buồn nôn
  • Đau đầu
  • Chóng mặt
  • Có cảm giác sưng
  • Táo bón
  • Khô miệng
  • Trầm cảm

Tác dụng phụ hiếm gặp:

  • Hạ/ tăng huyết áp
  • Hội chứng Parkinson (mất thăng bằng, cứng đơ cẳng chân, run tay, khó nói,…)
  • Mất bạch cầu hạt
  • Nhịp tim không đều
  • Nổi mề đay

Nếu có triệu chứng ngoại tháp phát sinh, bác sĩ thường yêu cầu giảm liều xuống dưới 500 microgam/ kg. Trong trường hợp không có cải thiện, bạn buộc phải ngưng sử dụng thuốc.

3. Tương tác thuốc

Một số loại thuốc có khả năng tương tác với Metoclopramid:

chỉ định thuốc metoclopramide
Cân nhắc trước khi dùng thuốc với Bromocriptin, Suxamethonium, Ciclosporin,…
  • Pergolid và Bromocriptin: Metoclopramid đối kháng với hiệu lực của hai loại thuốc này.
  • Digoxin và Cimetidine: Giảm hấp thu khi sử dụng chung với Metoclopramid.
  • Ciclosporin: Tăng hấp thu nếu dùng đồng thời với Metoclopramid.
  • Suxamethonium: Metoclopramid làm kéo dài tác dụng chẹn thần kinh của loại thuốc này.
  • Thuốc ngủ gây nghiện và thuốc chống tiết choline: Đối kháng với tác dụng của thuốc Metoclopramid.

Bên cạnh đó, sử dụng Metoclopramid với rượu có thể tăng khả năng ức chế lên hệ thần kinh trung ương.

4. Tương kỵ

Dung dịch tiêm Metoclopramid tương kỵ với Cephalosporin, Cephalotin natri, Cloramphenicol natri, Furosemid, Penicillin G kali, Erythromycin lactobionat,…

5. Quá liều và xử trí

Quá liều thuốc Metoclopramid làm phát sinh triệu chứng ngủ gà và lú lẫn. Với trường hợp này, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc Benzatropin tiêm bắp (1 – 2mg) hoặc tiêm bắp Diphenhydramin (50mg).