LONG NHÃN

Long nhãn còn được gọi là long nhãn nhục, là phần cùi của quả cây nhãn với tên khoa học là Euphoria longan (Lour.) Steud, thuộc họ Bồ hòn. Long nhãn không chỉ là món ăn bổ dưỡng, cung chất nhiều dưỡng chất cho con người mà còn hiện diện trong các bài thuốc Đông y trị táo bón, thiếu máu, có tác dụng an thần, tăng cường hệ miễn dịch. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ cho bạn đọc biết thêm thông tin về dược liệu này.

Những thông tin cần thiết về Long nhãn (Long nhãn nhục)
Những thông tin cần thiết về Long nhãn (Long nhãn nhục)

1. Tên gọi – Phân nhóm

  • Tên gọi khác: Long nhãn nhục, Long mục, Á lệ chi, Qủy nhãn, Viên nhãn,…
  • Tên khoa học: Euphoria longan (Lour.) Steud
  • Họ: Thuộc họ Bồ hòn (Sapindaceae)

2. Đặc điểm sinh thái

+ Mô tả dược liệu: Long nhãn có màu vàng cánh gián hoặc màu nâu đậm, có độ dày và mỏng khác nhau, tùy từng loại. Mặt ngoài dược liệu này thì nhăn nheo, mặt trong sáng bóng. Long nhãn có vị ngọt, có mùi thơm nhẹ, dẻo, mềm.

+ Mô tả cây nhãn: Cây nhãn là cây ăn trái, sống lâu năm, được trồng nhiều ở các vùng nhiệt đới. Cây nhãn có thể cao tới 7 mét. Thân dựng thẳng đứng, phân ra thành nhiều nhánh cây lớn nhỏ khác nhau. Vỏ cây xù xì, màu xám. Lá kép, hình lông chiêm, mọc so le, gồm nhiều lá chét. Hoa màu vàng nhạt, mọc theo chùm ở đầu cành hoặc kẽ lá. Mỗi hoa gồm có năm lá đài, năm cánh rời nhau, nhiều nhụy. Qủa hình tròn, vỏ bọc ngoài màu nâu, hoặc vàng nâu, bên trong có lớp thịt màu trắng ngà, căng mọng nước, bọc lấy phần hạt đen bên trong.

+Phân bố: Cây nhãn được trồng khá nhiều ở các vùng nhiệt đới, thích hợp trồng được trên nhiều loại đất khác nhau. Trên thế giới, cây nhãn được tìm thấy nhiều ở các tỉnh phía nam của nước Trung Quốc, Indonesia, Myanma Ấn Độ và Thái Lan. Ở nước ta, loại cây này được trồng khá nhiều, chủ yếu là thu hoạch quả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu như Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Sơn La, Vĩnh Phúc,…

3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản

+ Bộ phận dùng: Sử dụng cùi quả cây nhãn (Long nhãn) để làm thuốc. Ngoài ra, dân gian còn sử dụng một số bộ phận khác của cây như lá, hạt hoặc rễ.

+ Thu hái:  Thu hạt những quả của cây nhãn đã đủ chín, vỏ ngoài ngả màu vàng nâu. Thời điểm thích hợp để thu hoạch thường vào tháng 7 – 8 hàng năm

+ Chế biến: Đem những quả nhãn thu hoạch được nhúng vào nước sôi khoảng 1 – 2 phút để loại bỏ bụi bẩn, tạp chất, vi khuẩn, để diệt men rồi vớt để ráo và đem phơi nắng. Khi những quả héo dần, đem đi sấy ở nhiệt độ 40 – 50 độ trong khoảng thời gian từ 30 – 40 giờ. Sau khi sấy xong, tách bỏ vỏ và hạt chỉ lấy phần cùi nhãn và tiếp tục đem sấy ở nhiệt độ 50 – 60 độ cho đến khi khô, các cùi không còn dính vào nhau thì được.

+ Bảo quản: Long nhãn rất dễ bị lên móc, nên cần được bảo quản trong bọc kín hoặc hũ thủy tinh trong khoảng thời gian ngắn. Bảo quản Long nhãn ở nhiệt độ phòng, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, cất trữ nơi thoáng mát.

Cây nhãn được trồng rất nhiều ở các tỉnh phía Bắc và rải rác ở một số địa phương của nước ta
Cây nhãn được trồng rất nhiều ở các tỉnh phía Bắc và rải rác ở một số địa phương của nước ta

4. Thành phần hóa học

Trong Long nhãn chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho con người chủ yếu như:

  • 19,39% chất không tan trong nước
  • 79,77% chất tan trong nước, bao gồm: 29,91% Glucose, 1,26% Acid Tartric và 0,22% Saccharose
  • 0,85% nước
  • Saponin
  • Các tanin
  • Chất béo

5. Tính vị

  • Vị ngọt, tính ấm (theo Trung Dược Học)
  • Vị ngọt, tính bình (theo Bản Kinh)
  • Vị ngọt, tính ôn (theo Bản Thảo Hối Ngôn)
  • Vị ngọt, chua (theo Tân Tu Bản Thảo)

6. Quy kinh

Long nhãn được quy vào các kinh sau:

  • Kinh Tâm và Tỳ (theo Trung Dược Học)
  • Kinh Tâm và Tỳ (theo Bản Thảo Kinh Sơ)
  • Kinh Tâm và Thận (theo Bản Thảo Tái Tân)
  • Kinh Tâm, Tỳ và Can (theo Dược Phẩm Hóa Nghĩa)

7. Tác dụng dược lý

+ Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Tác dụng ức chế các nha bào của nấm
  • Tăng sức đề kháng, kháng phóng xạ
  • Chống lão suy, tăng cường hoạt tính của các tế bào thần kinh não
  • Tăng cường tăng độ bền và độ đàn hồi của các mạch máu, thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu
  • Cải thiện hệ miễn dịch, giảm các nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp và tim mạch
  • Ngăn ngừa loãng xương ở phụ nữ mãn kinh
  • Tác dụng chống lão hóa, trẻ hóa da

+ Theo Y học cổ truyền:

  • Trị ăn uống không tiêu, ăn không ngon miệng
  • Trị tiêu chảy, ho khàn, ho có đờm
  • Trị đổ mồ hôi trộm về đêm
  • Trị âu lo, suy nghĩ nhiều, hay quên, hồi hộp, hư phiền
  • Tác dụng bổ tâm và tỳ, dưỡng huyết, an thần

8. Liều dùng – Cách dùng

Liều dùng: Dùng 12 – 20 gram/ ngày

Cách dùng: Có thể dùng Long nhãn kết hợp với các vị thuốc khác, tùy thuộc vào từng bài thuốc. Dùng ở dạng chất cất thủy, cháo lỏng hoặc thuốc sắc. Người bệnh nên dùng khi thuốc còn nóng, kiên trì dùng mỗi ngày để đạt được kết quả điều trị như mong muốn.

9. Những bài thuốc từ Long nhãn

Trong Đông y, Long nhãn hiện diện khá nhiều bài thuốc chữa thiếu máu, suy nhược cơ thể, ăn uống không tiêu, kém ăn, mệt mỏi, lo âu, hay quên. Dưới đây là các bài thuốc từ Long nhãn được dân gian sử dụng, bạn đọc có thể tham khảo và áp dụng điều trị:

Long nhãn và các bài thuốc chữa bệnh từ dân gian
Long nhãn và các bài thuốc chữa bệnh từ dân gian
Bài thuốc từ Long nhãn giúp an thần, dưỡng tâm, trị huyết hư:
  • Dùng 16 gram Long nhãn, 15 gram Đại táo cùng với 100 gram Gạo tẻ (Ngạnh mễ). Đem các vị thuốc trên nấu thành cháo để sử dụng mỗi ngày, người bệnh nên dùng cháo khi còn nóng. Thời gian sử dụng tối thiểu là 2 – 3 tuần.
Bài thuốc từ Long nhãn chữa mất ngủ, hay quên, hồi hộp, lo lắng:
  • Dùng Long nhãn, Hoàng kỳ, Đảng sâm, Bạch truật, Toan táo nhân, Phục thần mỗi vị 12 gram; 8 gram Đương quy; 6 gram Viễn chí cùng với Mộc hương và Chích thảo mỗi vị 4 gram. Đem một thang thuốc trên (trừ Mộc hương cho vào sau cùng) sắc cùng với nam phần nước, sắc cô đặc còn hai phần để dùng, có thể cho thêm vài lát củ Gừng tươi và Đại táo. Dùng khi thuốc còn nóng, nếu thuốc nguội nên hâm nóng lại trước khi sử dụng.
Bài thuốc từ Long nhãn chữa phù thũng:
  • Dùng Long nhãn khô, Sinh khương và Đại táo  có liều lượng bằng nhau, đem các vị thuốc trên sắc để lấy nước dùng.
Bài thuốc từ Long nhãn chữa tiêu chảy, tỳ hư:
  • Dùng 14 trái Long nhãn khô, 3 lát Sinh khương, đem hai vị thuốc trên sắc để lấy nước dùng.
Bài thuốc từ Long nhãn chữa tỳ hư ăn uống không tiêu, ăn không ngon miệng:
  • Dùng Long nhãn, Hoài sơn, Phục thần, Bạch truật mỗi vị 12 gram; Ý dĩ nhân và Liên nhục mỗi vị 10 gram cùng với 8 gram Cam thảo. Đem một thang thuốc trên sắc cùng với nước để dùng, dùng khi thuốc còn ấm.
Bài thuốc từ Long nhãn chữa mất ngủ, rối loạn nhịp tim, đổ mồ hôi trộm về đêm, ho khan, ho có đờm:
  • Dùng Long nhãn và Kỷ tử mỗi vị 20 gram cùng với 30 gram Yến sào. Đem các nguyên liệu trên cho vào nồi để nấu nhừ, rồi cho thêm một ít đường phèn (tùy vào sở thích của mỗi người). Người bệnh có thể sử dụng để ăn trị bệnh mỗi ngày.
Bài thuốc từ Long nhãn ch̀ữa ăn uống không tiêu, ăn không ngon, da xanh xao, lo âu, hồi hộp:
  • Dùng Long nhãn và Sơn dược mỗi vị 20 gram cùng với một con ba ba. Đem ba ba chế biến sạch sẽ rồi đem chưng cách thủy với các nguyên liệu còn lại.
Bài thuốc từ Long nhãn trị mất ngủ, suy giảm trí nhớ, chứng hay quên, lo nghĩa nhiều dẫn đến hoa mắt, loạn nhịp tim, chóng mặt, có tác dụng an thần, ích khí:
  • Dùng Long nhãn và Thục địa mỗi vị 16 gram, 12 gram Câu đằng cùng với 10 gram Toan táo nhân. Đem một thang thuốc trên sắc cùng với nước để dùng.
Bài thuốc từ Long nhãn trị, thiếu máu, suy nhược cơ thể, cơ thể mệt mỏi, có tác dụng bổ huyết:
  • Dùng 300 gram Long nhãn tươi và 500 gram Đường trắng. Đem hai nguyên liệu trên đem chưng kỹ, để nguội rồi cất trữ vào trong hũ kín. Mỗi lần sử dụng 12 – 16 gram, sử dụng hai lần mỗi ngày.
  • Dùng Long nhãn, Hạt sen mỗi loại từ 16 – 30 gram cùng với 100 gram Gạo tẻ, đem các nguyên liệu trên nấu thành cháo để dùng. Người bệnh nên dùng cháo mỗi ngày để đạt được kết quả điều trị như mong muốn, dùng khi cháo còn nóng.
Bài thuốc từ Long nhãn giúp an thần, bổ Tỳ và Vị:
  • Dùng một lượng Long nhãn phù hợp, đem ngâm cùng với rượu trắng, ngâm trong khoảng thời gian là 100 ngày. Mỗi dùng sử dụng một ít để uống.
Bài thuốc từ Long nhãn có tác dụng bổ thận, ích khí huyết: 
  • Dùng Long nhãn và Hoài sơn mỗi vị 16 gram cùng với 500 gram Giáp ngư. Đem Giáp như loại bỏ phần ruột, cắt thành miếng vừa đủ rồi đem hầm cùng với hai vị thuốc trên rồi nêm nếm gia vị. Người bệnh nên sử dụng mỗi ngày, dùng khi còn nóng.
Bài thuốc từ Long nhãn có tác dụng bổ khí huyết, dưỡng tâm:
  • Dùng 300 gram Long nhãn tươi và 500 gram Đường cát trắng. Đem hai nguyên liệu trên chưng trong khoảng 30 – 40 phút rồi cắt vào trong hũ thủy tinh để sử dụng dần. Mỗi lần sử dụng 12 – 16 gram, mỗi ngày dùng hai lần.

10. Một số lưu ý khi dùng

Những đối tượng thuộc các trường hợp dưới đây không được sử dụng Long nhãn và một số bài thuốc từ dược liệu này như:

  • Dị ứng hoặc mẫn cảm với một số thành phần có trong Long nhãn
  • Có đờm hỏa hoặc thấp ở trung tiêu (theo Trung Dược Học)
  • Bên trong có uất hỏa, ăn uống đình trệ, đầy bụng, bên ngoài bị cảm (theo Đông Dược Học Thiết Yếu)
  • Trướng bụng, nôn thổ, ho, nấc, sốt nhiều đờm dịch xuân tiết: Không dùng

Để đạt được kết quả điều trị như mong muốn, người bệnh cần sử dụng kiên trì trong khoảng thời gian dài. Trong quá trình điều trị bệnh bằng dược liệu Long nhãn, người bệnh gặp phải các triệu chứng bất thường không rõ nguyên nhân nào, cần ngưng sử dụng và tìm gặp bác sĩ để được hỗ trợ.

Thông tin bài viết đã xoay quanh vấn đề “Long nhãn là gì? Công dụng chữa bệnh của Long nhãn”. Tuy nhiên, nội dung bài viết chỉ mang giá trị tham khảo, không thay thế lời khuyên của giới chuyên môn. Do đó, người bệnh không được tự ý sử dụng khi chưa có chỉ định từ bác sĩ hoặc lương y.

ThuocDanToc.vn không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.