ĐỘC HOẠT

Dược liệu độc hoạt là tên gọi chỉ thân và rễ phơi khô của nhiều loại cây độc hoạt khác nhau. Thảo dược này có tác dụng khứ phong, tán hàn, thắng thấp và chỉ thống nên được ứng dụng trong bài thuốc trị chân tay co rút, đau nhức do trúng phong, ngứa da do phong, viêm phế quản mạn tính,…

độc hoạt có tác dụng gì
Độc hoạt còn có tên Khương thanh, Độc diêu thảo, Xuyên Độc hoạt thuộc họ Hoa Tán (Apiaceae)

1. Tên gọi, phân nhóm

Tên gọi Độc hoạt chỉ thân và rễ của nhiều loại độc hoạt khác nhau.

Tên gọi khác: Khương thanh, Độc diêu thảo, Xuyên Độc hoạt, Sơn tiên độc hoạt, Trường sinh thảo,…

Tên khoa học: Angelica laxiflora Diels, Angelica megraphylla Diels.

Họ: Hoa Tán (danh pháp khoa học: Apiaceae).

Phân nhóm:

+Mao đương quy (cây hương độc hoạt/ đương quy có lông) – Angelica pubescens Maxim.

+Cây ngưu vĩ độc hoạt (độc hoạt đuôi trâu) – Heracleum hemsleyanum Maxim.

+Độc hoạt chín mắt (cây cửu nhỡn độc hoạt) – Aralia cordata Thunb.

2. Đặc điểm sinh thái

Mô tả:

Đương quy có lông là cây sống lâu năm, mọc thẳng đứng, cây cao khoảng 0.5 – 1m. Thân nhẵn không có lông, hơi có màu tím, rãnh chạy dọc thân. Lá mọc kép, phiến lá xe hình lông chim, cuống lá nhỏ, phía dưới có mở rộng thành bẹ, mép lá có răng cưa tù. Lá có lông ngắn và thưa. Hoa mọc thành cụm, nhỏ, màu trắng. Quả bế đôi, có lưng trên sống, hình thoi dẹt, phát triển hai bên thành dìa.

độc hoạt tang ký sinh
Đương quy có lông có hoa mọc thành cụm, màu trắng, mỗi cụm gồm khoảng 30 hoa nhỏ

Độc hoạt đuôi trâu cũng là cây sống nhiều năm, cao từ 0.5 – 1.5m, thân mọc đứng, hơi có lông ngắn, mặt thân có rãnh chạy dọc. Rễ chính to, thô, có các rễ nhỏ. Lá kép 1 lần, phiến lá hình lông chim, mép lá có răng cưa thô, dài khoảng 5 – 13cm, rộng 4 – 20cm, cuống lá nhỏ, phía dưới phát triển thành bẹ ôm lấy thân. Hoa mọc thành cụm, màu trắng vàng, hình tán kép, cuống dài khoảng 3.5 – 9cm, mỗi cụm gồm khoảng 30 hoa nhỏ. Quả bế đôi, trên lưng sống không rõ, hình thoi dẹt.

Độc hoạt chín mắt thuộc họ Ngũ gia bì, sống lâu năm, mọc đứng, cây nhiều cành, chiều cao trung bình từ 1 – 2cm. Lá mọc so le, dài khoảng 30 – 40cm, kép 2 – 3 lần lông chim. Hoa mọc thành cụm, hình tán kép, mỗi tán có khoảng 20 – 35 bông nhỏ, màu vàng nhạt hoặc trắng. Quả mọng, hình cầu, đường kính khoảng 2.5cm, trong quả thường có 5 hạt.

Phân bố:

Độc hoạt có nguồn gốc và phân bố chủ yếu ở Trung Quốc. Chưa tìm thấy loài cây này tại Việt Nam.

3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

Bộ phận dùng: Rễ và thân rễ.

Thu hái: Thu hái vào mùa xuân khi cây bắt đầu ra lá non hoặc thu hái vào mùa thu khi lá đã khô.

Chế biến: Đào lấy rễ, rửa sạch, phơi trong bóng râm cho khô hoặc sấy khô.

Bào chế:

+Lấy rễ độc hoạt cạo bỏ lớp vỏ bên ngoài hoặc sấy khô dùng dần (theo Bản Thảo Cương Mục).

+Thái nhỏ, sau đó trộn với dâm dương hoắc. Đem ủ kín trong vòng 2 ngày, phơi khô rồi bỏ dâm dương hoắc (theo Lôi Công Bào Chích Luận).

+Sau khi thu hái, phơi khô dùng dần. Khi dùng lấy dược liệu rửa sạch, đợi ráo nước và bào mỏng, phơi khô trong bóng râm (theo Độc Dược Học Thiết Yếu).

Bảo quản: Dược liệu độc hoạt có đặc tính hay tiết tinh dầu nên phải thường xuyên đem phơi hoặc sấy khô để tránh ẩm mốc. Nên bảo quản trong lu có đặt vôi bên dưới để tránh sâu mọt và mất màu.

4. Thành phần hóa học

+Angelicone, Belliferone, Angelic acid, Palmitic acid, Linoleic acid, dầu thực vật, Angeloi, Bergaptenostholum, Scopoletin, Tiglic acid, Sterol, Oleic acid, Stearic (theo Trung Dược Học).

+Columbianetin acetate, Isoimperatorin, Xanthotoxin, Columbianetin, Osthol, Bergapten (theo Dược Học Học Báo).

+Angelol G, B, D, Ampubesol (theo Thẩm Dương Học Viện Học Báo).

+g-Aminobutyric acid (theo Bắc Kinh Y Khoa Đại Học Học Báo).

5. Tác dụng dược lý

+Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Tác dụng an thần, kháng viêm và giảm đau rõ rệt (theo Trung Dược Học).
  • Chống loét bao tử, chống co thắt đối với hồi tràng thỏ (theo Trung Dược Học).
  • Thuốc nước từ độc hoạt có tác dụng giảm huyết áp rõ rệt nhưng chỉ duy trì trong thời gian ngắn. Dược liệu còn có tác dụng ức chế ngưng tập tiểu cầu (chống đông máu) trong thực nghiệm. Dùng độc hoạt chích tĩnh mạch có tác dụng hưng phấn hô hấp (theo Trung Dược Học).
  • Hưng an bạch chỉ có tác dụng ức chế trực khuẩn đại tràng, thương hàn, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn lao, lỵ, trực khuẩn mủ xanh (theo Trung Dược Học).

+Theo y học cổ truyền:

Tác dụng:

  • Khứ phong, tán hàn, thắng thấp và chỉ thống (theo Trung Dược Đại Từ Điển).
  • Chỉ thống, trừ phong thấp và giải biểu (theo Trung Dược Học).
  • Thắng thấp và khứ phong (theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Chủ trị:

  • Chuyên chủ trị các loại phong, đau khớp do phong (theo Danh Y Biệt Lục).
  • Chủ trị thiếu âm đầu thống, phong hàn biểu chứng, phong thấp tý thống, thấp gây ngứa ngoài da (theo Trung Dược Học).
  • Trị phong hàn biểu chứng, phong thấp và lưng đùi đau thắt (theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
  • Chủ trị kim sàng, uống lâu nhẹ người, khỏe mạnh, trị phong hàn, chứng sán hà ở nữ giới (theo Bản Kinh).
  • Trị hen suyễn, ngứa và khó chịu ở da, lao tổn, phong thấp lạnh, nghịch khí, phong độc gây đau, đau và giật ở chân tay (theo Dược Tính Bản Thảo).
  • Trị co rút chân tay, khí quản viêm mạn, răng đau, phong hàn thấp tý, đau lưng và đầu gối, đầu đau (theo Trung Dược Đại Từ Điển).
  • Trị phong hàn biểu chứng, phong thấp và đau thắt lưng đùi (theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

6. Tính vị

+Vị ngọt, hơi ôn, tính không độc (theo Biệt Lục).

+Vị đắng, cay, tính ôn (theo Trung Dược Học).

+Vị cay, tính ấm (theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

+Vị đắng, tính bình (theo Bản Kinh).

+Vị đắng, tính hơi mát (theo Cảnh Nhạc Toàn Thư).

+Vị đắng, cay, tính ôn (theo Trung Dược Đại Từ Điển).

7. Qui kinh

+Qui vào kinh Can, Thận, Tâm, Bàng Quang (theo Dược Phẩm Hóa Nghĩa).

+Qui vào kinh Bàng Quang và Thận (theo Trung Dược Đại Từ Điển).

+Qui vào kinh thủ Thiếu âm tâm và túc Thiếu âm Thận (theo Trân Châu Nang).

_Qui vào kinh Thận, Can (theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

+Qui vào kinh Thận, Can, Bàng Quang (theo Trung Dược Học).

8. Liều dùng, cách dùng

Dùng độc hoạt sắc uống, tán mịn làm hoàn, ngâm rượu, tán bột uống,… tùy vào mục đích sử dụng. Mỗi ngày dùng 4 – 12g.

9. Bài thuốc

Độc hoạt được ứng dụng vào nhiều bài thuốc chữa bệnh, bao gồm:

độc hoạt là gì
Độc hoạt được dùng để trị đau nhức xương do phong thấp, chân tay co rút, viêm phế quản,…

 

  • Bài thuốc trị lạnh toàn thân, trúng phong bất tỉnh nhân sự, cấm khẩu: Dùng độc hoạt 160g đem sắc với rượu 1 thăng, còn lại nửa thăng.
  • Bài thuốc trị các chứng phong hư sau khi sinh: Dùng bạch tiên bì 120g, độc hoạt 120g đem sắc với 3 thăng nước, còn lại 2 thăng. Đem chia thành 3 lần uống trong ngày.
  • Bài thuốc trị trúng phong cấm khẩu, răng cắn chặt: Dùng xuyên khung 6g, độc hoạt 20g, xương bồ 6g đem sắc uống.
  • Bài thuốc trị khớp xương đau nhức: Dùng thục địa, đỗ trọng, hy thiêm thảo, cốt toái bổ, hà thủ ô, kê huyết đằng, độc hoạt, phòng đảng sâm, xuyên quy, kim ngân hoa, thổ phục linh mỗi thứ 12g, can khương 4g, cam thảo 4g, ngưu tất 8g, quế chi 8g, xuyên khung 8g. Đem sắc uống, mỗi ngày dùng 1 thang.
  • Bài thuốc trị lưng đùi đau nhức, viêm khớp do phong thấp, tay chân co rút: Dùng tần giao 12g, tế tân 4g, độc hoạt 12g, phòng phong 12g đem sắc uống.
  • Bài thuốc trị phế quản bị viêm mạn tính: Dùng đường đỏ 15g, độc hoạt chế thành cao. Ngày dùng 3 – 4 lần.
  • Bài thuốc trị răng sưng đau: Dùng độc hoạt nấu với rượu và ngậm trong miệng. Nếu không cải thiện, dùng địa hoàng 120g, độc hoạt 120g tán bột. Mỗi lần dùng 12g bột sắc với chén nước, uống nóng.
  • Bài thuốc trị trúng phong không nói được: Dùng rượu 2 thăng sắc với độc hoạt 40g còn lại 1 thăng. Uống rượu nóng với đại đậu 5 chén sao.
  • Bài thuốc trị khớp xương đau nhức: Dùng đương quy 4g, bạch thược dược 4g, cát căn 4g, cam thảo 1.2g, phụ tử chế 1.2g, độc hoạt 6g, phục linh 4g, hoàng kỳ 4g, nhân sâm 2g, can khương 1,2g, đậu đen 6g. Đem sắc, chia thành 3 lần uống trong ngày.
  • Bài thuốc trị vận động khó khăn, bụng đau, khớp xương đau nhức, phong thấp: Dùng tang ký sinh, đương quy, cẩu tích, sinh địa, độc hoạt, xuyên khung, ngưu tất, thiên niên kiện mỗi thứ 12g đem sắc uống.
  • Bài thuốc đau khớp mãn tính do phong thấp, nhất là đau chi dưới: Dùng tang ký sinh, tế tân, sinh địa, xuyên khung, nhục quế, nhân sâm, đỗ trọng, tần giao, quy thân, bạch thược, phòng phong, phục linh, cam thảo, ngưu tất mỗi thứ 8g, độc hoạt 12g đem sắc uống.
  • Bài thuốc trị táo bón, đầu đau, cảm mạo phong hàn, cơ thể đau: Dùng ma hoàng 4g, đại hoàng 8g, sinh khương 4g, độc hoạt 8g, xuyên khung 3.2g, cam thảo 4g đem sắc uống.

10. Kiêng kỵ

+Khí huyết hư mà âm hư, đau nửa người, phụ nữ nửa người dưới hư yếu: Không sử dụng (theo Bản Thảo Phùng Nguyên).

+Không dùng cho chứng nội phong, thận trọng khi dùng cho bệnh nhân âm hư (theo Trung Dược Học).

+Không dùng cho người huyết hư (theo Lâm Sàng Thường Dụng Dược Thủ Sách).

+Huyết hư mà không có phong hàn thực tà, âm hư nội nhiệt: Cấm dùng (theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

+Huyết táo, âm hư: Cân nhắc trước khi dùng (theo Trung Dược Đại Từ Điển).

+Đầu gối đau, ngang lưng đau thuộc chứng hư: Không dùng độc hoạt (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).

Thông tin về dược liệu độc hoạt trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Trước khi áp dụng những bài thuốc từ dược liệu này, bạn cần trao đổi với bác sĩ để dự phòng những tác dụng không mong muốn.