Dấu hiệu ung thư đại tràng giai đoạn 3 và hướng điều trị
Ung thư đại tràng giai đoạn 3 là khi tế bào ung thư đã di căn ra bên ngoài và đi đến các hạch bạch huyết xung quanh đại tràng. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, ung thư vẫn chưa lan đến các cơ quan khác của cơ thể và có thể điều trị tích cực. Tỷ lệ sống sót sau điều trị từ 35% đến 60%.
Tổng quan về bệnh ung thư đại tràng giai đoạn 3
Ung thư đại tràng gia đoạn 3 được chia thành 3 giai đoạn nhỏ bao gồm 3A, 3B và 3C.
- Giai đoạn 3A: Trong giai đoạn này tế bào ung thư nằm ở lớp bên trong và ở giữa của thành đại tràng. Nó có thể lan đến lớp cơ và gây ảnh hưởng từ 3 đến 6 hạch bạch huyết hoặc các mô mỡ gần hạch bạch huyết.
- Giai đoạn 3B: Tế bào ung thư đã lan đến lớp ngoài của thành đại tràng nhưng chưa xâm lấn qua các cơ quan lân cận. Ở giai đoạn này, tế bào ung thư có thể gây ảnh hưởng đến 7 hạch bạch huyết.
- Giai đoạn 3C: Tế bào ung thư đi qua lớp cơ và thành đại tràng gây ảnh hưởng nhiều hơn 7 hạch bạch huyết. Tế bào ung thư cũng có khả năng lan đến các cơ quan và tổ chức khác của cơ thể.
Ung thư đại tràng giai đoạn 3 có thể chữa được nếu điều trị kịp lúc và đúng phương pháp. Tuy nhiên, bệnh cũng có khả năng tái phát sau điều trị nếu một lượng nhỏ tế bào ung thư đã lan ra bên ngoài đại tràng.
Dấu hiệu ung thư đại tràng giai đoạn 3
Tương tự như ung thư đại tràng giai đoạn 2, ung thư đại tràng giai đoạn 3 có các biểu hiện cụ thể và rõ ràng hơn so với 2 giai đoạn đầu. Nếu bạn xuất hiện các dấu hiệu này thì cần nhanh chóng đến bác sĩ.
- Tiêu chảy, táo bón, thay đổi hình dạng phân kéo dài trong một vài ngày liên tục
- Rối loạn tiêu hóa, đi đại tiện thường xuyên
- Chảy máu khi đi đại tiện
- Đau hậu môn, không kiểm soát được sự co thắt của hậu môn
- Đau bụng, chướng bụng, đau tức vùng bụng trước hoặc sau khi ăn
- Cảm thấy mệt mỏi, thiếu máu, xanh xao, đôi khi phát sốt bất thường
- Sút cân ngoài ý muốn
Hướng điều trị ung thư đại tràng giai đoạn 3
Cơ hội điều trị thành công của ung thư đại tràng giai đoạn 3 lên đến 60%. Tùy thuộc vào điều kiện, đặc điểm của ung thư mà bác sĩ có thể chỉ định và đưa ra phác đồ điều trị lâm sàng. Dưới đây là một số phương pháp điều trị ung thư đại tràng giai đoạn 3 phổ biến mà người bệnh có thể tham khảo.
1/ Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp loại bỏ khối u và một số mô khỏe mạnh xung quanh. Đây là phương pháp điều trị phổ biến nhất cho bệnh ung thư đại tràng giai đoạn 3. Phẫu thuật sẽ cắt bỏ một phần đại tràng khỏe mạnh và ít nhất 12 hạch bạch huyết xung quanh cũng sẽ được loại bỏ để hạn chế nguy cơ tái phát bệnh.
Ngoài phẫu thuật cắt bỏ, người bệnh còn có một số lựa chọn phẫu thuật khác để điều trị ung thư đại tràng, bao gồm:
- Phẫu thuật nội soi: Đây là phẫu thuật ít xâm lấn, thời gian hồi phục nhanh và có hiệu quả tương tự như phẫu thuật đại tràng tiêu chuẩn.
- Phẫu thuật Colostomy: Các bác sĩ sẽ mở ổ bụng của bệnh nhân sau đó kết nối đại tràng với một ống thông để cho thải thoát ra khỏi cơ thể và chứa trong một túi đeo bên hông của bệnh nhân. Do đó, đây còn được gọi là phẫu thuật tạo hậu môn giả. Người bệnh có thể cần sử dụng hậu môn giả vĩnh viễn sau phẫu thuật.
- Phẫu thuật bằng tần số vô tuyến (RFA) hoặc cắt lạnh khối u: Một số bệnh nhân có thể cần phẫu thuật gan hoặc phổi trong trường hợp ung thư đã di căn đến cơ quan đó. Phẫu thuật này sử dụng năng lượng dưới dạng tần số vô tuyến để làm nóng các khối u hoặc đóng băng các khối u, sau đó loại bỏ nó. Mặc dù phẫu thuật này có thể loại bỏ các tế bào ung thư nhưng cũng có khả năng bỏ sót một phần của khối u.
Tác dụng phụ của phẫu thuật:
- Đau ở khu vực phẫu thuật
- Gây táo bón hoặc tiêu chảy trong một thời gian sau phẫu thuật
- Một số bệnh nhân có thể bị kích thích xung quanh hậu môn
Điều trị viêm đại tràng từ sớm để tránh biến chứng dẫn đến ung thư
2/ Hóa trị
Hóa trị là liệu pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa trị thường được sử dụng sau phẫu thuật ung thư đại tràng để hạn chế tái phát. Hóa trị có thể bắt đầu từ 4 đến 8 tuần sau phẫu thuật và thường có thể kéo dài đến 6 tháng.
Các loại thuốc hóa trị được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê chuẩn để điều trị ung thư đại tràng bao gồm:
- Capecitabine (Xeloda)
- Fluorouracil (5-FU)
- Irinotecan (Camptosar)
- Oxaliplatin (Eloxatin)
- Trifluridine / tipiracil (Lonsurf)
Tác dụng phụ của hóa trị
Khi thực hiện hóa trị, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn như: Buồn nôn hoặc nôn, Tổn hại hệ thần kinh, Lở miện, Ngứa ran ở lòng bàn tay hoặc bàn chân, Rụng tóc,…
3/ Xạ trị
Xạ trị là phương pháp sử dụng tia X năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Xạ trị có thể được thực hiện sau khi phẫu thuật ung thư đại tràng để ngăn ngừa tái phát trong cùng một khu vực (tái phát cục bộ). Xạ trị có thể được thực hiện nếu:
- Khối u đã phát triển thành mô hoặc gắn liền với các cơ quan lân cận
- Phẫu thuật không có hiệu quả điều trị
Các loại xạ trị phổ biến:
- Xạ trị tia chùm ngoài: Là biện pháp sử dụng máy chuyên dụng để đưa tia X đến nơi chứa tế bào ung thư. Xạ trị chùm ngoài thường được thực hiện 5 ngày 1 tuần và liên tục trong một vài tuần.
- Liệu pháp xạ trị lập thể: Là phương pháp điều trị khi tế bào ung thư đã di căn đến phổi hoặc gan. Loại xạ trị này cung cấp một lượng bức xạ lớn hơn, chính xác đến một khu vực nhất định.
Xạ trị ung thư đại tràng giai đoạn 3 có thể được sử dụng trước phẫu thuật để thu nhỏ kích thước khối u. Nó cũng được sử dụng sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sau.
Tác dụng phụ của xạ trị: Mệt mỏi, Dị ứng da nhẹ, Đau dạ dày, Tiêu chảy, Phân có máu hoặc có cảm giác tắc nghẽn ruột,…
Điều trị ung thư đại tràng giai đoạn 3 thường bao gồm phẫu thuật cắt bỏ khối u sau đó sử dụng phương pháp hóa trị bổ trợ. Đối với một số bệnh nhân, bác sĩ có thể lựa chọn xạ trị trước hoặc sau khi phẫu thuật kèm theo hóa trị bổ trợ để ngăn ngừa nguy cơ tái phát.
Cách phòng ngừa ung thư đại tràng
Sau khi điều trị ung thư đại tràng giai đoạn 3, người bệnh có thể thay đổi một số thói quen sinh hoạt cũng như ăn uống để ngăn ngừa bệnh tái phát. Các biện pháp ngăn ngừa ung thư đại tràng bao gồm:
- Sàng lọc ung thư thường xuyên cho bệnh nhân ung thư đại tràng là cách tốt nhất để tránh khỏi căn bệnh này
- Duy trì một cân nặng khỏe mạnh. Ít nhất có đến 11 căn bệnh ung thư có liên quan đến việc thừa cân và béo phì, bao gồm cả ung thư đại tràng
- Không hút thuốc lá là điều tốt nhất bạn có thể làm để bảo vệ sức khỏe của mình. Khói thuốc lá chính là nguyên nhân của 14 bệnh ung thư khác nhau, trong đó có ung thư đại tràng
- Tăng cường luyện tập thể dục thể thao
- Hãy dành ra 30 phút mỗi ngày để đi bộ, đi xe đạp, khiêu vũ hoặc làm vườn
- Hạn chế hoặc bỏ rượu
- Hạn chế thịt đỏ (thịt bò, thịt cừu) và thịt chế biến sẵn (thịt xông khói, xúc xích)
- Bổ sung vitamin D và canxi cũng là một cách chống lại ung thư đại tràng
Ung thư đại tràng là biến chứng không ai mong muốn,. Việc điều trị bệnh lý này cũng rất tốn kém. Bởi vậy hãy chủ động phòng tránh và điều trị viêm đại tràng triệt để ngay từ đầu để không dẫn đến hệ lụy này.
Chúc bạn luôn có sức khỏe tốt và tránh xa được căn bệnh phiền toái này.