CÂY THẦU ĐÂU

Cây thầu đâu có tác dụng kháng khuẩn, trị giun và hỗ trợ cải thiện các bệnh lý ngoài da như chốc lở, viêm da, mày đay,… Tuy nhiên, vì cây có chứa độc tính mạnh. Do đó, bạn không nên tùy tiện sử dụng để tránh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Cây thầu đâu
Cây thầu đâu thường được người xưa dùng làm thuốc trị côn trùng và chữa giun

+ Tên khác: Cây xoan, xoan ta, sầu đông, sầu đâu, xoan nhà, xoan trắng, xuyên luyện, khổ luyện, cây Neem,…

+ Tên khoa học: Melia azedarach

+ Tên tiếng Anh: Bead tree, Chinaberry và White cedar

+ Họ: Xoan (Meliaceae)

I. Mô tả cây thầu đâu

+ Đặc điểm thực vật

Cây thầu đâu là loại cây lấy gỗ, thẳng, có chiều cao trung bình từ 7 – 12 m. Lá cây dài 15 cm, mọc so le. Cuống lá dài và mép lá có răng cưa. Hoa có mùi thơm dịu nhẹ, thường màu tím hoa cà hoặc màu tía nhạt. Trái thầu đâu thuộc quả hạch, nhỏ như viên bi. Khi sống có màu xanh và chín quả chuyển dần sang màu vàng nhạt.

+ Phân loại

Ngoài cây sầu đâu bản địa, nước ta còn có hai loại sầu đâu khác, đó là sầu rừng và sầu đâu Ấn Độ. Điểm khác biệt giữa hai loại sầu đâu này là:

  • Cây sầu đâu rừng: Có tên gọi khác là cây sầu đâu cứt chuột, nha đảm tử, khổ sâm hoặc khổ luyện tử,… Cây thuộc họ cây thanh thất, thường mọc thành bụi chùm. Cây này có tác dụng và độc tính tương tự cây sầu đâu bản địa
  • Cây sầu đông Ấn Độ: Thường được gọi là cây nim hoặc cây xoan ăn gỏi (vì thường dùng làm gỏi). Hiện tại, cây sầu đâu Ấn Độ được trồng nhiều ở tỉnh Ninh Thuận. Cây không cao như cây sầu đâu bản địa, tầm 3 – 7 m. Thân cây không trơn và có hoa màu trắng với đài hoa nhỏ, nhìn giống hoa xà cừ.

+ Phân bố

Cây thầu đâu phân bố từ Bắc vào Nam, từ đồng bằng đến các miền núi ở nước ta.

+ Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản

  • Bộ phận dùng: Toàn thân nhưng thường dùng nhiều nhất là vỏ thân và lá
  • Thu hái: Quanh năm
  • Chế biến: Đối với lá sầu đâu sau khi hái về có thể rửa sạch và dùng tươi. Còn phần vỏ thân và rễ, đem cạo bỏ lớp vỏ ngoài, lấy phần vỏ lụa,  thái nhỏ, phơi khô và sao vàng
  • Bảo quản: Nơi khô ráo

+ Thành phần hóa học

Theo các tài liệu nghiên cứu, cây sầu đâu chứa lượng lớn hàm lượng acid margosic và hoạt chất đắng. Tùy thuộc vào các bộ phận khác nhau mà thành phần hóa học được tìm thấy thường không giống nhau. Cụ thể:

  • Vỏ thân: Chứa 0.02% tinh dầu và các hoạt chất khác như 0.04% nimbin, 0.4% nimbidin và 09.001% nimbinin
  • Quả: Chứa nhiều hoạt chất đắng bakayamin
  • Hạt: Chứa nhiều dầu, trong đó dầu này chứa lượng lớn chất đắng nimbinin, nimbin và hoạt chất nimbidin
  • Hoa: Chứa lượng lớn chất đắng và chất dầu gây đắng
  • Cụm hoa: Bao gồm 0.5% tinh dầu, acid béo, nimbosterol và nimberetin. Ngoài ra, hạt cây còn chứa khoảng 0.005% glucozit nimbosterin
Tác dụng của cây thầu đâu
Quả cây thầu đâu có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn tụ cầu vàng gây bệnh

II. Vị thuốc

+ Tác dụng

Cây thầu đâu là một trong những loại thảo dược có tên trong danh sách dược liệu Việt Nam. Theo Đông y, cây có tính lạnh và vị đắng, mang lại nhiều lợi ích trong chữa trị bệnh. Cụ thể:

  • Vỏ rễ và vỏ thân: Thành phần toosendamin được tìm thấy nhiều trong vỏ thân và rễ của cây thầu đâu được chứng minh có tác dụng chống độc tố botudin do vi khuẩn gây ra. Đồng thời giúp tiêu diệt ký sinh trùng trong cơ thể như giun đũa, giun kim,…
  • Lá cây thầu đâu: Có tác dụng tiêu diệt côn trùng và sâu bọ. Bên cạnh đó, lá của dược liệu này cũng được sử dụng làm thuốc trị bệnh tiểu đường. Các hoạt chất chứa trong lá cho phép tuyến tụy tiết insullin, giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Ngoài ra, dân gian còn dùng lá cây thầu đâu chữa bệnh viêm da, mụn nhọt, chốc lở,…
  • Quả: Có tác dụng chống khuẩn, giúp ức chế và kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn tụ cầu vàng gây viêm nhiễm. Đồng thời, chúng còn có tác dụng chữa bệnh lị
  • Hoa: Dùng làm loãng đờm và giảm mật
  • Cành cây: Thường dùng chữa bệnh ho, rối loạn nước tiểu, hen suyễn, trị giun hoặc cải thiện mật độ tinh trùng thấp
  • Hạt sầu đâu: Sử dụng chữa bệnh phong, trị giun hoặc làm thuốc ngừa hay phá thai

Mặc dù mang lại nhiều tác dụng tuyệt vời trong chữa bệnh nhưng vì tất cả các bộ phận của cây thầu đâu đều chứa độc tính cao. Do đó, bạn chỉ nên sử dụng dược liệu này điều trị bệnh khi nhận được chỉ định từ thầy thuốc.

+ Cách dùng và liều lượng

Cây sầu đâu dược sử dụng làm thuốc dưới các hình thức và liều lượng như sau:

– Dùng dưới dạng thuốc bột

Vỏ xoan sau khi tách trên thân cây sẽ được loại bỏ phần vỏ nâu bên ngoài. Sau đó dùng phần vỏ lụa đem sao vàng rồi tán nhỏ làm thuốc. Liều dùng ở người lớn và trẻ em cụ thể như sau:

  • Người lớn: Uống 2 – 3 gram/ngày. Nên uống vào buổi sáng sớm lúc bụng đang đói
  • Trẻ em từ 15 tuổi trở xuống: 1.5 – 2 gram/ngày
  • Trẻ em 10 tuổi trở lên: 1 – 1.5 gram/ngày
  • Trẻ 5 tuổi: 0.7 – 1 gram/ngày
  • Trẻ 4 tuổi: 0.35 – 0.50 gram/ngày
  • Trẻ 3 tuổi: 0.25 – 0.35 gram/ngày
  • Trẻ 2 tuổi: 0.2 – 0.25 gram/ngày
  • Trẻ dưới 1 tuổi: 0.15 – 0.2 gram/ngày

– Sử dụng dưới dạng thuốc sắc

Vỏ cây sầu đâu sau khi thu hoạch được loại bỏ lớp vỏ nâu bên ngoài rồi đem thái nhỏ và phơi khô. Thuốc được sắc 4 lần. Mỗi lần sắc khoảng 1.5 – 2 tiếng. Sau khi nước thuốc ở các lần sắc cô từ 1kg vỏ còn lại 1 lít nước. Trộn đều tất cả các nước sắc lại với nhau rồi thêm 1 lít xiro đơn. Sau đó, trộn đều rồi chia uống theo liều sau:

  • Trẻ từ 1 – 2 tuổi: Uống khoảng 20 ml (tương đương 10 gram vỏ khô)
  • Trẻ từ 3 – 5 tuổi: Sử dụng 30 ml (tương ứng với 15 gram vỏ khô)
  • Trẻ từ 6 – 9 tuổi: 40 ml (tương đương khoảng 20 gram vỏ khô)
  • Trẻ từ 16 – 19 tuổi: 65 ml (khoảng 32.5 gram vỏ khô)
  • Trẻ từ 19 tuổi trở lên: 65 ml (tương ứng khoảng 32.5 – 40 gram vỏ khô)

Để bài thuốc sắc phát huy tốt tác dụng trong chữa trị, bạn nên uống thuốc vào buổi sáng sớm, khi đang đói bụng. Sau khi uống thuốc nên nhịn ăn tới trưa rồi, sau đó ăn lại bình thường.

Vỏ cây thầu đâu chữa bệnh
Vỏ cây thầu đâu có tác dụng trị giun

III. Bài thuốc chữa bệnh từ cây thầu đâu theo kinh nghiệm dân gian

+ Trị tiểu đường bằng lá cây thầu đâu

Sử dụng 5 – 10 lá cây thầu đâu tươi đem phơi trong bóng mát cho héo. Sau đó, rửa sạch và đun sôi. Dùng nước này uống giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Lưu ý, không nên sử dụng thường xuyên tránh gây nguy hại đến sức khỏe.

+ Chữa viêm da, chốc lở, mụn nhọt, nấm da

Sử dụng một nắm lá cây thầu đâu đêm rửa sạch và nấu nước. Chờ nước nguội, lấy nước này vệ sinh vùng da bị bệnh. Thực hiện đều đặn mỗi ngày giúp cải thiện bệnh.

IV. Những điều cần lưu ý khi dùng cây thầu đâu

+ Tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng cây thầu đâu

Trong quá trình sử dụng cây sầu đâu điều trị bệnh, bạn có thể gặp phải các vấn đề bệnh lý sau:

  • Bệnh tiêu chảy
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Có cảm giác buồn ngủ
  • Mất ý thức
  • Động kinh
  • Rối loạn não hoặc máu
  • Nguy hiểm hơn là tử vong

Việc sử dụng quả sầu đâu có thể gây nên các ngộ độc như:

  • Tiêu chảy
  • Nôn mửa
  • Xuất huyết nội
  • Suy thận
  • Tim đập nhanh

Ngoài các tác dụng phụ này, tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người mà cây sầu đâu gây nên những phản ứng phụ khác nhau. Vì vậy, sau khi sử dụng dược liệu nếu thấy cơ thể xuất hiện những bất thường, bạn nên đến bệnh viện kiểm tra.

+ Những đối tượng không nên sử dụng sầu đâu

Cây sầu đâu đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng vì chứa độc tính. Do đó, dược liệu không an toàn khi sử dụng ở những đối tượng sau:

  • Phụ nữ đang mang thai, cho con bú
  • Phụ nữ đang hoặc nam giới đang có ý định sinh con không nên sử dụng. Bởi theo một vài nghiên cứu cho biết, sầu đâu có thể gây hại cho tình trùng. Vì thế, sử dụng có thể làm giảm khả năng sinh sản
  • Người bị dị ứng với cây sầu đâu hoặc các loại thảo dược khác nên thận trọng
  • Trẻ em và trẻ sơ sinh
  • Người chuẩn bị phẫu thuật
  • Người mắc bệnh viêm loét dạ dày hoặc bệnh về gan

+ Sầu đâu tương tác với những loại thuốc nào?

Cây thầu đâu có thể tương tác với một số thuốc gây ảnh hưởng đến sức khỏe hiện tại của bạn. Do đó, khi sử dụng các loại thuốc sau đây, bạn nên tránh dùng các bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu này:

  • Thuốc lợi tiểu Lithium
  • Thuốc uống trị bệnh tiểu đường: Bao gồm Glipizide (Glucotrol), Pioglitazone (Actos), Tolbutamide (Orinase), Insulin,…
  • Thuốc ức chế miễn dịch: Daclizumab (Zenapax), Azathioprine (Imuran), Mycophenolate (CellCept), Muromonab-CD3 (OKT3 và Orthoclone OKT3), Prednisone (Deltasone và Orasone),…

Trên đây là thông tin về cây thầu đông. Việc hiểu rõ về dược tính, công dụng cũng như cách dùng thảo dược đúng cách sẽ giúp bạn tránh những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình sử dụng.

ThuocDanToc.VN không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.