Cây rau sam
Cây rau sam là một loại rau thường mọc hoang ở những những vùng đất trống ẩm ướt như góc vườn, bờ ruộng. Mặc dù trong thành phần cây rau sam chứa nhiều chất dinh dưỡng nhưng ở nước ta vẫn không sử dụng nó phổ biến.
1/ Tên gọi, chủng loại
Tên gọi khác: cây mã xỉ hiện.
Tên khoa học: Portulaca oleracea L.
Họ: thuộc họ rau sam có họ khoa học là Portulacaceae.
2/ Đặc điểm sinh thái
Mô tả
Cây rau sam là loài cây thảo sống một năm, có thân tròn mọng nước dài từ 15 – 25cm, nhẵn, không có lông, thường có màu đỏ tím đậm hay đỏ tìm nhat. Cây thường mọc bò trên mặt đất. Ở mỗi mấu thân sẽ phình to và phân thành nhiều nhánh nhỏ.
Lá của cây rau sam là lá đơn, mọc cách hoặc đối, ở mỗi ngọn của nhánh cây tập trung nhiều lá và thường ra hoa kết quả ở đây. Phiến lá mọng nước có hình quả trứng ngược dài khoảng 1,5 -2cm, rộng 0,8 – 1,2cm. Mặt trên của lá nhẵn bóng có màu xanh pha đỏ tím, mặt dưới có màu xanh nhạt pha bạc.
Hoa rau sam mọc riêng lẻ hoặc thành từng cụm 3 -4 bông ở ngọn cành. Hoa không có cuống, màu vàng thường có 5 cánh hoa. Mùa hoa nở rộ là vào cuối mùa xuân kéo dài cho tới giữa mùa thu. Hoa rau sam chỉ nở vào vài giờ buổi sáng lúc nhiều nắng.
Quả rau sam gióng như những quả đậu nhỏ, bên trong bao bọc các hạt. Quả sẽ tách ra khi hạt phát triển và già đi.
Phân bố
Cây rau sam có nguồn gốc từ Ấn Độ và Trung Đông. Trên thế giới, cây rau sam được trồng nhiều ở Pháp, Nhật, Trung Quốc để sử dụng làm món ăn hằng ngày. Tuy nhiên, ở nước ta rau sam chỉ là một loài cỏ dại mọc hoang rải rác trên cả nước, chưa được sử dụng nhiều trong chế biến món ăn hằng ngày.
3/ Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản
Bộ phận sử dụng: toàn bộ thân cây rau sam đều có thể được sử dụng.
Thu hái: cây rau sam được thu hái vào mùa hè và mùa thu.
Chế biến: rau sam sau khi hái về đem cắt bỏ rễ, rửa sạch sau đó hấp hoặc trần qua nước sôi và đem đi phơi khô.
Bảo quản: để rau sam ở nơi khô ráo, thoáng mát. Tránh những khu vực ẩm ướt, thỉnh thoảng đem rau ra phơi để không bị mốc.
4/ Thành phần hóa học
Trong cây rau sam có chứa các thành phần hóa học như 6,49% carbohydrate, 1,8% protid, o,5% chất béo. Bên cạnh đó cây rau sam còn chứa nhiều vitamin và thành phần dinh dưỡng khác như vitamin C, omega 3, ureaza, sắt, caroten, canxi…
5/ Tính vị, quy kinh
Cây rau sam có vị chua, tính hàn, không độc. Quy vào các kinh tâm, đại tràng.
6/ Tác dụng dược lý
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại
Rau sam có tác dụng lên mạch máu làm co nhỏ mạch máu, ức chế sự phát dục của vi trùng lỵ hình y nên có tác dụng chữa bệnh kiết lỵ.
Bên cạnh đó, rau sam còn có tác dụng ức chế các vi khuẩn Ecoli, vi trùng lỵ, vi trùng thương hàn, các vi trùng gây bệnh ngoài da.. nên giúp chống viêm, trị mụn nhọt, sưng đau.
Hàm lượng omega 3 có trong rau sam đặc biệt tốt cho tim mạch.
Theo Y học cổ truyền
Cây rau sam có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chỉ lỵ giúp chữa trị xích bạch ly, đinh nhọt, đau, eczema, thầm quầng, côn trùng cắn, tiểu tiện ra máu, tụ huyết.
7/ Bài thuốc từ cây rau sam
Cây rau sam là một vị thuốc quý được sử dụng nhiều trong đông y để chữa trị các bệnh như:
Trẻ em bị kiết lỵ
Rau sam đem giã nát vắt lấy nước rồi đun sôi để uống.
Phụ nữ bị bạch đới
Vắt 30ml nước cốt rau sam đánh cùng với 2 quả lòng đỏ trứng gà, sau đó đem đun sôi để uống.
Sốt phát ban, nổi mẩn
Rau sam đem rửa sạch, giã nhuyễn lấy nước cốt để uống còn bã đem thoa lên người.
Đi tiểu buốt
Đem rau sam đem đi giã rồi vắt lấy nước để uống.
Ngộ độc thuốc
Rau sam giã lấy nước uống còn bã thì đem đắp vảo rốn.
Kiết lỵ ra máu
Dùng 200g rau sam rửa sạch, thái nhỏ để nấu cháo với 100g gạo nếp. Ăn cháo lúc đói và trong quá trình nấu không cho muối vào.
Kiết lỵ cấp và mãn tính
Đem 1kg rau sam nấu với 3 lít nước đến khi còn lại khoảng 1 lít thì đem đi uống 3 lần mỗi ngày.
Hậu sản tiểu tiện không thông
Rau sam tươi 100g đem đi giã vắt lấy khoảng 300ml nước, sau đó đun sôi hoặc đem đi cách thủy. Lúc uống cho thêm 10g mật ong.
Tẩy giun móc
Giã rau sam tươi để lấy nước, sau đó thêm một chút muối hoặc đường để nấu lên. Mỗi ngày uống 2 lần khi đói trong vòng 3 – 9 ngày.
Chữa bỏng
Dùng rau sam khô đem đi tán nguyễn thành bột, sau đó trộn với mật ong để đắp lên vết bỏng.
Chữa mụn nhọt
Đem rau sam tươi giã nhuyễn và đắp lên vị trí bị mụn.
Nấm tóc, nấm chân, chốc đầu
Rau sam đem nấu thành cao và bôi lên chỗ bị nấm. Hoặc đem rau sam đốt thành than để rắc lên.
Ho gà
Lấy 100g rau sam đun với 200ml nước, khi nước sôi thêm 30g đường phèn và đun tiếp tới khi còn cỡ 100ml thuốc thì chia đều ra uống 3 ngày, mỗi ngày uống 3 lần.
Ngứa âm đạo
Dùng rau sam tươi hoặc khô đem đi sắc nước để ngâm rửa.
Bệnh trĩ
Rau sam tươi đem đi luộc ăn kết hợp với nấu nước để xông và ngâm trong khoảng 1 tháng.
8/ Lưu ý khi sử dụng rau sam
Cây rau sam không được sử dụng cho phụ nữ có thai, người mắc các bệnh như đi tiểu lỏng, thể tạng hư hàng, người bị bệnh thận.
Trên đây là một số thông tin tham khảo về cây rau sam, nếu bạn muốn sử dụng cây rau sam để chữa bệnh hãy tham hỏi thêm ý kiến của bác sĩ.