CÂY NHÂN TRẦN

Cây nhân trần còn có tên là hoắc hương núi hoặc chè nội. Loại cây này được sử dụng để chữa trị các vấn đề về gan như viêm gan, vàng da, viêm túi mật,… Ngoài ra còn được dùng để kiểm soát nồng độ lipit và cholesterol trong máu.

nước nhân trần
Cây nhân trần được sử dụng để chữa trị các vấn đề về gan như viêm gan, viêm túi mật,…

1. Tên gọi, phân nhóm

Tên gọi khác: Hoắc hương núi, chè cát, chè nội, tuyến hương lam,…

Tên khoa học: Adenosma glutinosum, Artemisia capillaris Thunb

Họ: Hoa mõm chó – Scrophullrriaceae, Cúc – Asteraceae

Phân nhóm: Nhân trần Bắc (phân bố ở các tỉnh Trung Quốc), Nhân trần Nam còn gọi là hoắc hương núi (sống chủ yếu ở các địa phương ở nước ta).

2. Đặc điểm sinh thái

Mô tả:

Nhân trần là cây thân thảo, mọc đứng, chiều cao trung bình từ 0.3 – 1m. Cây đơn hoặc có phân nhánh. Lá bên dưới mọc đối xứng, lá phía trên mọc cách, phiến lá có mép răng cưa, thưa, hình trứng nhọn, cuống lá ngắn, chiều dài lá khoảng 3 – 8cm, rộng 1 – 3.5cm.

nhân trần dược liệu
Hoa nhân trần có màu lam hoặc màu tím, bên trong chứa nhiều hạt nhỏ

Hoa nhân trần mọc thành cụm, chủ yếu mọc ở kẽ lá. Tràng hoa có màu lam hoặc màu tím, bên trong chứa nhiều hạt nhỏ. Lá có vị cay, hơi đắng và mùi thơm đặc trưng. Mùa hoa và quả rơi vào tháng 4 – 9 hằng năm.

Phân bố:

Thảo dược này thường sinh sống ở nơi có độ cao khoảng 300 – 2000m, ưa ẩm. Phân bố chủ yếu ở Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Lào và Việt nam.

3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

Bộ phận dùng: Toàn bộ cây nhân trần được sử dụng để làm dược liệu.

Thu hái: Thời điểm thu hái thích hợp nhất là vào mùa hè khi cây đang ra hoa.

Chế biến: Rửa sạch, phơi trong râm cho khô hoặc để lên giàn bếp để bảo quản.

Bảo quản: Để nơi khô ráo, không nên để ở nơi có nhiệt độ cao vì dễ làm mất mùi hương đặc trưng.

4. Thành phần hóa học

Nhân trần có chứa β-pinene,  capillin, capillene, flavone, furans, coumarin, organic acid, 7-dimethylsculetin, a-pinene,  capillanol, chlorogenic acid, capillarisin,…

5. Tác dụng dược lý

+Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Tác dụng lợi mật: Nước sắc từ cây nhân trần có tác dụng giảm trương lực cơ vòng Oddi ở chó gây mê. Thành phần 6,7-dimethoxycoumarin được chứng minh lâm sàng là hoạt chất có lợi cho mật.
  • Làm giãn mạch vành, hạ huyết áp và giảm lipit huyết.
  • Bảo vệ gan, chống nhiễm độc carbon tetrachloride.
  • Dầu bay hơi của nhân trần có khả năng ức chế mạnh các khuẩn nấm gây bệnh trên da.
  • Nước sắc từ thảo dược có tác dụng ức chế các khuẩn gây bệnh như trực khuẩn bạch hầu, phó thương hàn A, trực khuẩn coli, tụ cầu vàng, virus cúm, trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn lị, não mô cầu,…
  • Nhân trần còn có tác dụng tiêu diệt xoắn khuẩn, tăng hấp thu Gentamycin để nâng cao tác dụng điều trị bệnh.
  • Tác dụng tiêu diệt trục lãi đũa, hạ nhiệt và lợi tiểu.
  • Cải thiện lưu lượng tuần hoàn máu và não.

+Theo y học cổ truyền:

  • Thanh nhiệt, trừ thấp và chữa vàng da.

6. Tính vị

Vị đắng, hơi hàn.

7. Qui kinh

Qui vào kinh Can, Tỳ, Vị và Túi mật.

8. Liều dùng, cách dùng

Dùng từ 10 – 30g/ ngày ở dạng thuốc uống. Có thể dùng nhân trần nấu nước uống, sắc đặc, nấu cao lỏng hoặc dùng để làm viên hoàn.

9. Bài thuốc

Một số bài thuốc từ dược liệu nhân trần:

nhân trần hương
Nhân trần được ứng dụng vào bài thuốc trị viêm gan cấp tính, các bệnh ngoài da,…
  • Bài thuốc trị viêm gan cấp tính: Dùng nhân trần 18 – 24g, đại hoàng 6 – 8g, chi tử 12g đem sắc uống. Hoặc dùng nhân trần 30 – 45g đem sắc uống mỗi ngày, ngày dùng 3 lần. Hoặc dùng bạch truật 12g, nhân trần 16g, bạch linh, trạch tả, trư linh mỗi vị 12g, quế chi 6g đem sắc uống.
  • Bài thuốc trị vàng da ở trẻ sơ sinh: Dùng chi tử, hoàng cầm, nhân trần, đại hoàng sắc đem nhỏ giọt tĩnh mạch. Đồng thời dùng chi tử, nhân trần, xa tiền thảo sắc uống.
  • Bài thuốc trị viêm túi mật: Dùng bồ công anh, nhân trần cao, quảng uất kim mỗi vị 40g, khương hoàng 16g đem sắc uống.
  • Bài thuốc trị giun chui ống mật: Dùng nhân trần 40 – 80g đem sắc uống. Nếu có nhiễm trùng, thêm liên kiều, kim ngân hoa và bồ công anh.
  • Bài thuốc trị cholesterol cao: Dùng nhân trần sắc uống thay trà, dùng trong 1 tháng.
  • Bài thuốc trị nấm ngoài da: Dùng dầu bay hơi của nhân trần thoa lên vùng da bị nấm.
  • Bài thuốc chữa viêm gan do virus: Dùng nhân trần, lá vọng cách mỗi thứ 16g, lá cối xay 12g đem sắc uống. Hoặc dùng nghệ vàng 8g, nhân trần 16g, quả dành dành 12g đem sắc uống. Nếu bệnh nặng hơn có thể dùng nghệ vàng, vỏ núc nác, nhân trần mỗi thứ 3g với sài hồ nam 2g, rau má 4g, dành dành, hậu phác nam, nhọ nồi mỗi thứ 2g. Đem nhân trần, sài hồ, rau má, vỏ núc nác, nhọ nồi nấu thành cao lỏng. Các dược liệu khác đem phơi khô, tán bột mịn. Sau đó đem trộn đều với cao làm thành viên. Mỗi lần dùng 5g, ngày dùng 2 lần.
  • Bài thuốc lợi tiểu: Dùng nhân trần nấu với râu ngô, uống hằng ngày để cải thiện chức năng thận.
  • Bài thuốc chữa vàng da: Dùng nhân trần 30g, thạch cao 4 – 6g, dành dành 24 quả đem sắc uống.
  • Bài thuốc chữa đầy bụng, khó tiêu, kém ăn: Dùng kim tiền thảo 10g, nhân trần 12g, cam thảo nam 10g đem rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô. Sau đó đem sắc với 400ml nước, còn lại 100ml. Chia thành 2 lần uống và dùng hết trong ngày. Hoặc dùng ké hoa vàng, rễ móc diều 10g, nhân trần 20g, thân và rễ mộc thông 10g đem sao vàng và sắc uống.
  • Bài thuốc dùng cho phụ nữ sau sinh: Dùng mần tưới 20g, mạch môn 20g, nhân trần 8g, vỏ bưởi đầu khô 4g, rẻ quạt 4g, ngải cứu 10g đem sắc uống. Mỗi ngày dùng 1 thang.
  • Bài thuốc điều hòa kinh nguyệt: Dùng ích mẫu, nhân trần mỗi thứ 12g, bạch đồng nữ 10g, lá đuôi lươn 10g, nghệ đen 6g, rễ gắm 8g đem sắc hoặc nấu thành cao lỏng.
  • Bài thuốc hạ sốt, ra mồ hôi: Dùng nhân trần 16g, hoàng cầm 12g, mộc thông 8g, xuyên bối mẫu 8g, liên kiều 6g, bạch đậu khấu 6g, hoạt thạch 20g, thạch xương bồ 8g, hoắc hương 6g, xạ can 6g, bạc hà 6 đem sắc uống.
  • Bài thuốc trị hen suyễn: Dùng nhân trần, rau cần, cúc vạn thọ, thài lài tía, củ tầm sét, tinh tre mỡ, rễ bạch đồng nữ mỗi thứ 10g, đem sắc uống.

10.Lưu ý

Một số lưu ý khi sử dụng các bài thuốc từ dược liệu nhân trần:

  • Người già và trẻ em dưới 1 tuổi nên cẩn trọng khi sử dụng nhân trần.
  • Dùng cho phụ nữ mang thai có thể gây mất sữa, ít sữa, thai chết lưu hoặc suy dinh dưỡng.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Bạn đọc nên trao đổi và tham vấn bác sĩ chuyên khoa trước khi áp dụng những bài thuốc từ dược liệu này.