Cây huyền sâm
Cây huyền sâm là một loại cây thuốc quý bắt nguồn từ Trung Quốc có tác dụng chữa trị được nhiều bệnh như sốt, viêm họng, viêm amidam, loét mồm, ho…
1/ Tên gọi, chủng loại
Tên gọi khác: hắc sâm, nguyên sâm, ô nguyên sâm
Tên khoa học: Scrophularia kakudensis Franch.
Họ: cây huyền sâm thuộc họ hoa mõm chó họ khoa học là Scrophulariaceae.
2/ Đặc điểm sinh thái
Mô tả
Cây huyền sâm là loài cây thân thảo sống lâu năm cao chừng 1,5 – 2m. Thân cây vuông có màu xanh và rãnh dọc trên thân. Lá cây có màu tím xanh, mọc đối hình chữ thập, hình trứng đầu lá hơi nhọn. Cuống lá ngắn, phiến lá dài 3 – 8cm, rộng 1,8 – 6cm, xung quanh mép lá có răng cưa nhỏ và đều.
Cây huyền sâm ra hoa vào mùa hè, hoa mọc thành chùm ở đầu ngọn cây. Hoa huyền sâm có ống tràng hình chén, cánh hoa hình môi chia làm 5 thùy hơi ngã màu tím. Quả bế đôi hình trứng, có nhiều hạt nhỏ màu đen.
Rễ cây dài khoảng 10 -20 cm, ở giữa phần rễ sẽ phình lớn thành củ với hai đầu hơi thon. Mỗi cây huyền sâm sẽ có từ 4 – 5 củ mọc thành từng chùm có màu trắng hoặc vàng nhạt.
Phân bố
Cây huyền sâm có nguồn gốc từ Trung Quốc, sau đó được đưa vào nước ta trồng ở khu vực Sapa, Lào Cai, Hà Giang. Sau này, cây được nghiên cứu và trồng nhiều ở vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ và Đà Lạt.
3/ Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản
Bộ phận sử dụng: Rễ cây được sử dụng để làm thuốc.
Thu hái: Cây huyền sâm được thu hoạch bằng cách đào lấy rễ vào tháng 7 – 8 ở khu vực đồng bằng, tháng 10 -11 ở khu vực miền núi.
Chế biến:
Thổ huyền sâm: sau khi thu hoạch huyền sâm đem đi cắt bỏ rễ con, rửa sạch và cho lên giàn sấy đến khi gần khô được 1/2 thì đem đi ủ đến khi ruột củ huyền sâm chuyển thành màu đen. Đem huyền sâm đã ủ ra sấy đến khi khô được 9 phần thì bỏ vào chảo lắc cho sạch đất cát thì đem đi cất để dùng.
Huyền sâm Triết Giang: huyền sâm sau khi thu hoạch về cũng đem đi phơi nắng ngay, đến khi củ huyền sâm khô được 1/2 thì đem chất thành đống khoảng 2 -3 ngày, sau đó đem ra phơi nắng hoặc sấy khô. Với phương pháp này không nên làm cho củ huyền sâm bị rỗng ruột.
Bảo quản: huyền sâm sau khi chế biến rất dễ bị mốc vì vậy hãy cất nơi khô kháo, đậy kín và thường xuyên đem ra phơi nắng.
4/ Thành phần hóa học
Thành phần hóa học có trong huyền sâm bao gồm: harpagid, scrophularin, asparagin, phytosterol, tinh dầu, acid béo, chất đường.
5/ Tính vị
Vị đắng tính hơi hàn (Bản Kinh).
Vị hơi đắng, hơi mặn lẫn ngọt, tính mát (Dược phẩm Hóa Nghĩa).
Vị đắng, mặn, tính hàn (Trung dược học).
Vị đắng, mặn, tính hơi hàn (Đông dược học thiết yếu).
6/ Quy kinh
Vào kinh túc Thiếu âm Thận (Dược Loại Pháp Trượng).
Vào kinh Tâm, Phế, Thận (Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải).
Vào kinh Tỳ, Vị, Thận (Bản Thảo Tân Biên).
Vào kinh Phế, Thận (Trung Dược Đại Từ Điển).
Vào kinh Phế, Thận (Trung Dược Học).
Vào kinh Phế, thận (Đông Dược Học Thiết Yếu).
7/ Tác dụng dược lý
Theo nghiên cứu y dược hiện đại
Tác dụng kháng khuẩn: huyền sâm có tác dụng kháng khuẩn mạnh với nhiều bệnh ngoài da.
Tác dụng lên hệ tim mạch: nước thuốc sắc từ huyền sâm có tác dụng tăng huyết áp.
Cồn chiết xuất từ huyền sâm có tác dụng làm tăng lưu lượng máu của mạch vành.
Bên cạnh đó, huyền sâm còn có tác dụng hạ nhiệt rất tốt.
Theo Y học cổ truyền
Tư âm, giáng hỏa, trừ phiền chỉ khát, giải độc, lợi yết hầu, nhuận táo, hoạt trường (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Tư âm, giáng hỏa, trừ phiền, giải độc có tác dụng trị nhiệt bệnh, phiền khát, phát ban, nóng trong xương, đêm nằm không yên, mồ hôi tự ta, mồ hôi trộm, táo bón, thổ huyết, chảy máu cam, họng sưng đau, phù thũng, lao hạch (Trung Dược Đại Từ Điển)
Thanh Thận hỏa, tư âm, tăng dịch có tác dụng trị âm hư, bạch hầu, họng sưng đau, ôn dịch độc, ban sởi, giải ôn tà thời khí, trừ phiền nhiệt, bứt rứt (Đông Dược Học Thiết Yếu).
8/ Liều dùng và cách dùng
Huyền sâm mỗi lần sử dụng nên dùng với liều lượng từu 12 – 20 gram. Dưới đây là một số cách dùng huyền sâm:
- Ngâm rượu uống hằng ngày.
- Đắp huyền sâm sống trực tiếp.
- Sắc nước để uống.
- Kết hợp với một số nguyên liệu tán thành bột.
- Tán bột, vò thành từng viên.
- Ngâm nước uống như trà.
9/ Các bài thuốc từ huyền sâm
Chữa viêm amidam, viêm cổ họng: huyền sâm 10g, cam thảo 3g. cát cánh 5g, ,mạch môn 8g, thăng ma 3g sắc cùng với 600ml nước đến khi còn khoảng 200ml thì chắt ra chia làm 3 lần để uống, ngậm hoặc súc miệng.
Chữa bệnh viêm não cấp, sốt xuất huyết, sốt phát ban, sốt cao co giật, sốt cơn, mê sảng, táo bón, mất nước, sưng họng viêm phổi: huyền sâm 20g, mạch môn 20g, ngưu tất 20g, hạt muồng sao 20g, dành dành 12g sắc nước uống mỗi ngày.
Chữa viêm tắc mạch máu ở chân tay: huyền sâm 21g, đương quy, cam thảo dây, huyết giác, ngưu tất mỗi loại 10g đem đi sắc nước uống.
Chữa huyết áp cao, nhức đầu, ù tai, đau mắt khó ngủ, xuất huyết dạng thấp, chảy máu dưới da, chảy máu mũi, hấp nóng, mồ hôi trộm, đau cơ, đại tiện ra máu: huyền sâm 16g, muồng sao 12g, trắc bá sao 10g, kim anh 10g, hoa hòe sao 10g, ngưu tất 10g, mạch môn 10g đem đi sắc nước uống.
Chữa viêm hạch, lao hạch, nổi hạch ở cổ, ở vú và lao màng bụng nổi cục: huyền sâm 20g, nghệ đen, dễ quạt, bồ công anh, mộc thông mỗi loại 10g sắc nước uống mỗi ngày.
Trị lở mũi: dùng huyền sâm tán thành bột bôi vào hoặc pha với nước rồi nhét vào mũi.
Trị tróc da tay: huyền sâm 30g, sinh địa 30g ngâm với nước uống như nước trà.
10/ Lưu ý khi sử dụng huyền sâm
Những người sau đây không nên sử dụng huyền sâm:
- Tỳ vị thấp, tỳ hư, tiêu chảy, huyết thiếu, mắt mờ, đình ẩm, hàn nhiệt, chi nhãn, huyết hư, bụng đau (Trung Dược Học).
- Âm hư mà không có nhiệt hoặc âm hư kèm tiêu chảy(Đông Dược Học Thiết Yếu).
- Tùy vị có thấp, Tỳ hư kèm tiêu chảy (Lâm Sàn Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Ngoài ra, huyền sâm còn kỵ hoàng kỳ, can khương, đại táo, sơn thù, phản lê lô (Bản Thảo Kinh Thập Chú).
Trên đây là thông tin tham khảo về cây huyền sâm, nếu bạn muốn sử dụng huyền sâm để chữa trị bệnh vui lòng liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn thêm.