Cách sử dụng, liều dùng và chống chỉ định của thuốc Simacone
Thuốc Simacone là dược phẩm của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Y tế Domesco – VIỆT NAM. Thuốc được sử dụng trong các trường hợp đau do co thắt cơ trơn đường tiêu hóa, tiết niệu – sinh dục.
- Tên thuốc: Simacone
- Phân nhóm: Thuốc đường tiêu hóa
- Dạng bào chế: Viên nang mềm
Những thông tin cần biết về thuốc Simacone
1. Thành phần
Mỗi viên nang Simacone có chứa các thành phần sau:
- Alverin citrate 60mg: Hoạt chất chống co thắt cơ trơn loại papaverine. Có tác dụng cải thiện các triệu chứng do rối loạn chức năng đường mật – tiêu hóa và đường tiết niệu – sinh dục.
- Simethicon 300mg: Hoạt chất này có tác dụng tăng sức căng của niêm mạc trong đường tiêu hóa nhằm giảm triệu chứng đầy hơi, chướng bụng.
Thuốc Simacone còn chứa các tá dược khác. Vui lòng tham khảo thông tin in trên bao bì để biết thành phần đầy đủ của thuốc.
2. Chỉ định
Thuốc Simacone được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Điều trị các triệu chứng do rối loạn chức năng đường mật và đường tiêu hóa.
- Điều trị chứng đau bụng do đầy hơi.
- Điều trị các triệu chứng co thắt vùng tiết niệu và sinh dục (triệu chứng như đau đường niệu, đau bụng kinh, đau quặn thận,…).
- Cải thiện triệu chứng ói mửa do rối loạn tiêu hóa và trướng khí dạ dày.
- Điều trị hỗ trợ cho bệnh nhân có vấn đề về tắc nghẽn hơi.
- Sử dụng trước khi nội soi dạ dày và xét nghiệm X-Quang (túi mật, thận, ruột, dạ dày,…).
3. Chống chỉ định
Chống chỉ định thuốc Simacone cho các trường hợp sau:
- Dị ứng với bất cứ thành phần nào trong thuốc.
- Mất trương lực ruột.
- Tắc ruột.
Bạn nên thông báo với bác sĩ những loại thuốc, thành phần tá dược từng bị dị ứng và các vấn đề sức khỏe để được cân nhắc việc sử dụng Simacone.
4. Dạng bào chế – hàm lượng
Dạng bào chế: Viên nang mềm
Hàm lượng: 360mg
Quy cách:
- Hộp 1 vỉ x 10 viên
- Hộp 2 vỉ x 10 viên
- Hộp 10 vỉ x 10 viên
5. Cách dùng – liều lượng
Nên trao đổi với nhân viên y tế hoặc tham khảo thông tin in trên bao bì để biết cách sử dụng thuốc. Không dùng thuốc khi chưa rõ cách dùng, tần suất và liều lượng.
Cách dùng:
- Uống thuốc với nước lọc
- Nên nuốt trọn viên thuốc
Không dùng thuốc với các thức uống khác, chẳng hạn như cà phê, trà và sữa. Những thức uống này có thể làm gián đoạn quá trình hấp thu thuốc. Không nên nhai hoặc nghiền thuốc. Điều này có thể ảnh hưởng đến hoạt động và tác dụng điều trị.
Liều dùng:
Liều dùng thông thường cho người trưởng thành
- Dùng 1 – 2 viên/ lần
- Ngày dùng 2 – 3 lần
- Nên dùng sau khi ăn và trước khi ngủ
Simacone có thể được sử dụng cho trẻ em. Tuy nhiên cần gặp bác sĩ để được chỉ định liều lượng cụ thể. Bên cạnh đó phụ huynh cần theo dõi sát sao quá trình trẻ dùng thuốc để tránh tình trạng trẻ dùng ít hoặc nhiều hơn liều dùng được quy định.
Trong trường hợp không có cải thiện hoặc triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, bạn nên thông báo với bác sĩ để tiến hành các biện pháp xử lý.
6. Bảo quản
Bảo quản thuốc Simacone ở nhiệt độ thoáng mát, tránh ẩm và ánh sáng trực tiếp. Không dùng thuốc ẩm mốc, biến đổi màu sắc hoặc có dấu hiệu bị côn trùng cắn.
Thuốc có hạn dùng 36 tháng kể từ ngày sản xuất. Cần chú ý hạn sử dụng để tránh tình trạng dùng phải thuốc quá hạn.
7. Giá thành
Thuốc Simacone 360mg có giá bán khoảng 40 – 45.000 đồng/ Hộp 2 vỉ x 10 viên.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Simacone
1. Thận trọng
Cần dùng thuốc Simacone đều đặn mỗi ngày để đạt được kết quả điều trị như mong muốn. Nếu tình trạng không được cải thiện, nên chủ động trình bày với bác sĩ để được điều chỉnh liều lượng.
Không sử dụng thuốc quá liều lượng quy định, điều này có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc và gây nguy hiểm cho người dùng. Nếu bạn có ý định tăng liều dùng, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Chưa có đủ nghiên cứu thực nghiệm cho thấy thuốc Simacone an toàn với phụ nữ mang thai. Để tránh các tình huống rủi ro, bạn không nên tự ý dùng Simacone và các loại thuốc khác trong thời gian thai kỳ.
Phụ nữ đang cho con bú không được khuyến khích sử dụng Simacone. Thuốc có thể thải trừ qua sữa mẹ và gây ảnh hưởng đến trẻ bú sữa. Vì vậy, bạn nên ngưng cho trẻ bú trong thời gian điều trị hoặc sử dụng một loại thuốc phù hợp hơn.
Bệnh nhân suy giảm chức năng thận và gan nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc.
2. Tác dụng phụ
Một số tác dụng ngoại ý của thuốc Simacone đã được ghi nhận qua các thực nghiệm lâm sàng.
Tác dụng phụ thường gặp:
- Tiêu chảy
- Chóng mặt
- Rối loạn tiêu hóa
- Phát ban
- Dị ứng
- Mất ngủ
Các tác dụng phụ của thuốc có thể thuyên giảm sau vài ngày mà không cần phải điều chỉnh liều và tần suất sử dụng. Tuy nhiên triệu chứng cũng có thể tiến triển tiêu cực và gây nguy hiểm cho người dùng.
Để hạn chế các rủi ro phát sinh, bạn nên chủ động thông báo với bác sĩ nếu cơ thể xuất hiện những tác dụng phụ hoặc các thay đổi bất thường.
3. Tương tác thuốc
Phản ứng qua lại giữa Simacone và các loại thuốc khác có thể thay đổi cách thức hoạt động và làm tăng nguy cơ phát sinh tác dụng phụ của thuốc. Để kiểm soát tương tác, bạn nên báo với bác sĩ những loại thuốc, vitamin và thảo dược đang sử dụng.
Thận trọng khi sử dụng Simacone với loại thuốc sau:
- Levothyroxine (thuốc điều trị các bệnh lý ở tuyến giáp): Simacone có thể làm giảm hấp thu và tác dụng của loại thuốc này. Để tránh tương tác, nên uống hai loại thuốc này cách nhau ít nhất 4 giờ đồng hồ.
4. Quá liều và cách xử lý
Sử dụng thuốc Simacone quá liều có thể gây hạ huyết áp và gây ra các triệu chứng đi kèm như mờ mắt, nhịp tim nhanh, chóng mặt, suy nhược cơ, khô miệng và cổ họng, khó tiểu, khó thở,…
Báo với bác sĩ hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất nếu bạn nhận biết đã dùng thuốc quá liều – ngay cả khi chưa phát sinh triệu chứng.