Cách dùng và liều lượng thuốc Tenoxicam giảm đau, chống viêm
Thuốc Tenoxicam là dẫn xuất của nhóm oxicam, có tác dụng chống viêm và giảm đau tương tự như Piroxicam và Diclofenac. Thuốc được sử dụng trong điều trị viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, đau bụng kinh và đau sau phẫu thuật.
- Tên thuốc: Tenoxicam
- Phân nhóm: Thuốc chống viêm không steroid
- Dạng bào chế: Viên nén và thuốc bột pha tiêm
Những thông tin cần biết về thuốc Tenoxicam
1. Tác dụng
Tenoxicam thuộc nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAID), có 2 tác dụng chính là chống viêm và giảm đau. Ngoài ra, Tenoxicam cũng có tác dụng hạ thân nhiệt, tuy nhiên khả năng hạ sốt của thuốc kém nên ít khi được sử dụng cho mục đích đơn lẻ này.
Cơ chế chống viêm và giảm đau của Tenoxicam là ức chế sinh tổng hợp prostaglandin – thành phần trung gian trong phản ứng gây viêm. Bên cạnh đó, Tenoxicam cũng ngăn chặn sự tập trung của bạch cầu tại vùng đau nhức.
Trên thực nghiệm nhận thấy Tenoxicam có tác dụng tương tự như Diclofenac và Piroxicam, mạnh hơn so với Naproxen, Aspirin và Mefenamic.
Tenoxicam được chuyển hóa qua gan và thải trừ qua đường tiểu nên cần thận trọng khi dùng cho bệnh nhân gặp vấn đề ở 2 cơ quan này.
2. Chỉ định
Thuốc Tenoxicam được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Điều trị ngắn hạn đối với bệnh nhân gout và tổn thương cấp tính như bong gân, căng cơ do thể thao, sinh hoạt, đau bụng kinh, tổn thương phần mềm, đau sau phẫu thuật,…
- Chống viêm và giảm đau trong điều trị thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp.
3. Chống chỉ định
Chống chỉ định thuốc Tenoxicam cho những đối tượng sau:
- Bệnh nhân có tiền sử viêm loét dạ dày tá tràng
- Xuất huyết đường tiêu hóa
- Đang bị viêm loét dạ dày tiến triển
- Bệnh nhân suy thận có độ thanh thải creatinin dưới 30ml/ phút
- Dị ứng và quá mẫn với bất cứ thành phần nào trong thuốc
- Từng có phản ứng quá mẫn với thuốc thuộc nhóm chống viêm không steroid
- Người bị rối loạn đông máu hoặc có nguy cơ chảy máu cao như bệnh nhân suy tim và xơ gan
- Hen suyễn
4. Dạng bào chế – hàm lượng
Thuốc Tenoxicam có các dạng bào chế và hàm lượng sau:
- Viên nén – 20mg
- Thuốc bột pha tiêm – 20mg
5. Cách sử dụng – liều dùng
Với thuốc dạng viên nén, bạn nên sử dụng bằng đường uống. Không truyền tĩnh mạch thuốc Tenoxicam dạng tiêm, chỉ sử dụng bằng cách tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp.
Liều dùng thuốc tùy thuộc vào dạng bào chế, chức năng của thận và mức độ của cơn đau.
Thuốc tiêm:
Chỉ sử dụng trong 1 – 2 ngày với liều 20mg và chuyển sang dạng thuốc uống ngay khi có thể.
Có thể dùng cho bệnh nhân suy thận có độ thanh thải creatinin trên 25ml/ phút trong trường hợp cần thiết nhưng cần phải theo dõi chặt chẽ.
Ngoài ra, không sử dụng liều cao hơn khuyến cáo vì tác dụng thường không tăng lên đáng kể nhưng lại có nguy cơ phát sinh những tác dụng phụ nguy hiểm.
Thuốc uống:
Liều dùng thông thường: 20mg/ ngày, nên uống vào 1 thời điểm cố định trong ngày. Nếu trường hợp không cần thiết, chỉ nên dùng 10mg/ ngày.
Khi uống thuốc nên uống cùng 1 ly nước đầy (khoảng 150ml) và tránh những đồ uống có cồn.
6. Bảo quản
Bảo quản ở nơi thoáng mát, tránh ẩm và ánh nắng trực tiếp.
7. Giá thành
Thuốc Tenoxicam 20mg có giá bán dao động từ 20 – 25.000 đồng/ hộp 2 vỉ x 10 viên.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Tenoxicam
1. Thận trọng
Kiểm tra chức năng tim và thận ở bệnh nhân đang sử dụng những loại thuốc có khả năng gây độc cho thận, corticosteroid, thuốc lợi tiểu hoặc bệnh nhân tiểu đường, suy tim và xơ gan.
Phản ứng da khi dùng Tenoxicam là dấu hiệu nguy hiểm, cần ngưng thuốc và thông báo ngay với bác sĩ. Nên thận trọng và kiểm soát chặt chẽ khi sử dụng thuốc Tenoxicam ở bệnh nhân có rối loạn đông máu.
Người cao tuổi có nguy cơ cao gặp phải tác dụng phụ khi sử dụng thuốc. Vì vậy cần theo dõi chứng năng gan, tim mạch và thận thường xuyên để kịp thời phát hiện tình trạng tăng kali huyết hoặc các vấn đề khác.
Thuốc có thể tăng nguy cơ phát sinh tác dụng phụ khi sử dụng chung với rượu bia và những đồ uống chứa cồn khác.
Cân nhắc khi sử dụng Tenoxicam để giảm đau sau phẫu thuật ở những bệnh nhân thực hiện các thủ thuật ngoại khoa lớn như thay khớp. Vì Tenoxicam có thể giảm ngưng tập tiểu cầu và gây chảy máu kéo dài.
Tenoxicam có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện huyết khối tim mạch, dẫn đến nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng của người dùng thuốc. Để giảm nguy cơ, cần sử dụng thuốc ở liều lượng 20mg/ ngày hoặc thấp hơn nếu có đáp ứng.
Thuốc chống viêm không steroid có thể gây đóng động mạch ở trẻ sơ sinh nếu sử dụng thuốc trong thời gian mang thai. Vì vậy không sử dụng Tenoxicam cho sản phụ nếu không có yêu cầu từ bác sĩ.
Chưa có đủ tài liệu để xác định mức độ an toàn của thuốc đối với phụ nữ đang cho con bú và trẻ bú mẹ.
2. Tác dụng phụ
Tác dụng phụ thông thường:
- Chóng mặt
- Buồn nôn
- Nổi mề đay
- Đau đầu
- Đau thượng vị
- Khó tiêu
- Ngoại ban
- Ngứa da
Tác dụng phụ ít gặp:
- Chán ăn
- Mệt mỏi
- Táo bón kéo dài
- Viêm miệng
- Loét dạ dày tá tràng
- Phân đen
- Phù
- Nôn mửa
- Khô miệng
- Ỉa chảy
- Xuất huyết đường tiêu hóa
- Viêm dạ dày
- Rối loạn giấc ngủ
Tác dụng phụ hiếm gặp:
- Hen, phù mạch và phản ứng phản vệ
- Giảm bạch cầu
- Giảm tiểu cầu
- Tăng huyết áp
- Nhạy cảm với ánh sáng
- Hoại tử biểu bì do độc
- Bí tiểu
- Thiếu máu
- Mất bạch cầu hạt
- Chảy máu bất thường
- Giảm thị lực
- Hội chứng Stevens-Johnson
Ngưng thuốc khi có dấu hiệu loét hoặc xuất huyết đường tiêu hóa (nôn mửa, phân đen,…). Trong trường hợp này bác sĩ có thể đề nghị bạn sử dụng thuốc kháng thụ thể H2 hoặc thuốc chống acid để giảm kích ứng lên niêm mạc đường tiêu hóa.
Bên cạnh đó cần ngưng thuốc khi xét nghiệm chức năng gan bất thường hoặc có dấu hiệu nổi ban, tăng bạch cầu ái toan.
3. Tương tác thuốc
Thận trọng khi sử dụng Tenoxicam với những loại thuốc sau:
- Thuốc kháng axit: Làm giảm tốc độ hấp thu của Tenoxicam, tuy nhiên không ảnh hưởng đến nồng độ của thuốc nên tương tác này không có giá trị lâm sàng.
- Lithium: Thận trọng khi sử dụng với Tenoxicam hoặc những thuốc chống viêm không steroid khác do NSAID có thể ức chế khả năng thanh thải và tăng độc tính của Lithium.
- Thuốc nhóm salicylat: Thúc đẩy thanh thải và thể tích phân bố của thuốc Tenoxicam.
- Aspirin, NSAID khác và Corticoid: Sử dụng đồng thời với Tenoxicam làm tăng tác động đến hệ tiêu hóa và làm phát sinh nhiều phản ứng không mong muốn.
- Thuốc lợi tiểu: Tenoxicam ảnh hưởng đến hoạt động của nhóm thuốc này, vì vậy cần điều chỉnh liều khi sử dụng đồng thời.
- Cholestyramin: Tăng độ thanh thải của Tenoxicam ở dạng tiêm tĩnh mạch. Cần thay đổi cách sử dụng để tránh ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc.
4. Quá liều và xử trí
Quá liều thuốc Tenoxicam có thể gây xuất huyết đường tiêu hóa và gây tử vong. Cần tiến hành rửa dạ dày, sử dụng than hoạt và điều trị hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.