BÔNG BỤT

Bông bụt còn có tên gọi khác là Râm bụt, Dâm bụt, Bụp, Hồng bụt, Phù tang, Mộc cẩn… Dược liệu mang trong mình vị ngọt, tính bình, quy vào kinh Can, Đại tràng và Tỳ. Nhờ đó dược liệu có tác dụng điều hòa kinh nguyệt, tiêu viêm, chống ho, sát trùng, chỉ huyết, thanh nhiệt giải độc, cố tinh, lợi niệu tiêu thủng…

Bông bụt
Thông tin cơ bản về thành phần hóa học, tác dụng dược lý, tính vị, quy kinh và những bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu Bông bụt

Tên gọi, phân nhóm

Tên gọi khác: Râm bụt, Dâm bụt, Bụp, Hồng bụt, Phù tang, Mộc cẩn, Co ngần (dân tộc Thái), Phầy quấy phiằng (Dao), Bioóc ngàn (Tày), Bông lồng đèn (phương ngữ Nam bộ), Mộc cận (木槿), Đại hồng hoa (大紅花), Chu cận (朱槿), Phù tang (扶桑), Phật tang (佛桑).

Tên khoa học: Hibiscus rosa sinensis L.

Thuộc họ: Bông (danh pháp khoa học: Malvaceae).

Đặc điểm sinh thái

Mô tả

Bông bụt là một loại cây nhỡ. Chúng xuất hiện với chiều cao từ 4 – 6m. Dược liệu có lá hình bầu dục, tròn gốc, nhọn đầu, mép lá có răng to, lá kèm hình chỉ nhọn. Dược liệu có hoa mọc ở nách lá. Hoa dược liệu khá to, có 6 – 7 mảnh đài nhỏ (tiểu đài) hình sợi. Hoa có đài hợp màu lục dài gấp 2 – 3 lần đài nhỏ. Tràng 5 cánh hoa xuất hiện với màu đỏ. Có nhiều nhị tập hợp trên một tụ đài, bầu hình nón hoặc hình trụ. Dược liệu có quả nang tròn, chứa nhiều hạt. Từ tháng 5 đến tháng 7 là mùa hoa.

Phân bố

Bông bụt là một loài hoa của Trung Quốc, Nhật Bản. Ở nhiều nơi, chúng được trồng để làm cây cảnh và làm hàng rào. Đặc biệt là ở những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và cách bảo quản

Bộ phận dùng: Hoa, rễ và lá cây Bông bụt.

Thu hái: Hoa được thu hái vào mùa hè. Rễ và lá được thu hái quanh năm.

Chế biến: Sau khi thu hái, rửa sạch dược liệu và loại bỏ những tạp chất. Có thể dùng tươi hoặc phơi khô, sấy khô để dùng dần.

Bảo quản: Để dược liệu ở những nơi thoáng mát, khô ráo.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và cách bảo quản Bông bụt
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và cách bảo quản hoa, rễ và lá cây Bông bụt

Thành phần hóa học

Hoa Bông bụt chứa những chất quan trọng sau:

  • Acid ascorbic
  • Niacin
  • Thiamin
  • Riboflavin.

Hoa khi vò nát sẽ chứa sắc tố cyanin Diglucosid và Anthocyanin. Ngoài ra trong hoa còn có nhiều chất nhầy.

Tác dụng dược lý

Theo nghiên cứu dược lý hiện đại

Bông bụt có tác dụng điều trị một số bệnh lý sau:

  • Viêm kết mạc cấp
  • Viêm tuyến mang tai
  • Kinh nguyệt không đều, ngắn vòng hay ra nhiều máu, rong huyết, thấy sớm kỳ
  • Trúng khử cấm khẩu
  • Mụn nhọt sưng tấy
  • Đại tiện ra máu, mủ, lỵ lâu ngày không khỏi
  • Đái đỏ, đái buốt
  • Quai bị sưng đau
  • Nổi mẩn ngứa
  • Phụ nữ khí hư ra nhiều.

Theo Y học cổ truyền

Vỏ rễ Bông bụt có tác dụng:

  • Tiêu viêm
  • Chống ho
  • Điều kinh.

Hoa và lá dược liệu có tác dụng:

  • Thanh nhiệt cơ thể, giải độc
  • Chỉ huyết
  • Lợi tiểu tiêu thũng
  • Sát trùng
  • Cố tinh
  • Viêm niêm mạc dạ dày – ruột
  • Đái hạ
  • Ghẻ lở, mụn nhọt
  • Mộng tinh
  • Kiết lỵ
  • Đại tiện ra máu.

Rễ dược liệu thường được dùng trong điều trị:

  • Viêm kết mạc cấp, viêm tuyến mang tai
  • Viêm đường tiết niệu, viêm khí quản, bạch đới, viêm cổ tử cung
  • Mất kinh, kinh nguyệt không đều.

Ở Ấn Độ, nước sắc hoa Bông bụt có tác dụng làm mát, làm dịu, làm nhầy, điều kinh và kích dục. Lá dược liệu giúp làm dịu, tẩy nhẹ, an thần, nhuận tràng. Rễ dược liệu có tác dụng làm nhầy. Ngoài ra, ở Ấn Độ nước sắc hoa dược liệu còn được sử dụng để điều trị bệnh viêm khí quản. Mang hoa nấu với bơ dùng để điều trị bệnh rong kinh. Nước sắc của lá dùng để rửa điều trị sốt. Dùng phối hợp lá cùng với dịch của Cúc bạc đầu (Vernonia cinerea Less.) để tác động và kích thích sự bài tiết sau khi sinh. Rễ Bông bụt được sử dụng để thay rễ của Thục quỳ Althaea giúp điều trị bệnh ho và tán bột phần rễ khi điều trị rong kinh.

Liều dùng vỏ, rễ và lá Bông bụt là 15 – 30 gram. Hoa tươi là 30 gram. Sử dụng ở dạng thuốc sắc hoặc thuốc hãm. Lá và hoa thường được dùng ngoài giúp điều trị mụn nhọt, viêm vú, viêm mủ da, viêm hạch huyết. Dùng tươi đắp ngoài.

Ở Inđônêxia, người ta sử dụng đồng thời hoa Bông bụt cùng với hạt đu đủ với mục đích gây sảy thai.

Tính vị

Vỏ rễ Bông bụt có tính bình và vị ngọt.

Hoa và lá dược liệu có tính bình và vị ngọt.

Quy kinh

Quy vào kinh Can, Đại tràng và Tỳ.

Vị thuốc Bông bụt quy vào kinh Can, Đại tràng và Tỳ
Vị thuốc Bông bụt quy vào kinh Can, Đại tràng và Tỳ

Liều lượng và cách dùng

Liều lượng

Dùng 15 – 30 gram/ngày vỏ rễ và lá.

Cách dùng

Dùng tươi hoặc phơi khô, sấy khô, dùng đơn độc hoặc kết hợp với những vị thuốc khác sắc thành nước uống, nấu thành cao, tán thành bột để làm hoàn hoặc đắp ngoài da. Ngoài ra có thể dùng tươi đắp ngoài hoặc hãm với nước sôi uống như trà.

Bài thuốc

Vị thuốc Bông bụt được ứng dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh. Bao gồm:

  • Bài thuốc từ Bông bụt điều trị viêm tuyến mang tai: Dùng 30 gram lá hoặc hoa dược liệu tươi ngâm và rửa sạch với nước muối. Cho dược liệu vào nồi cùng với 600ml nước lọc. Thực hiện sắc thuốc với lửa nhỏ cho đến khi lượng nước thuốc trong nồi chỉ còn lại 200ml. Để nguội bớt và chắt lấy phần nước thuốc. Chia thuốc thành 2 lần uống trong ngày. Cũng dùng lá và hoa dược liệu tươi kết hợp cùng lá phù dung rửa sạch. Mang cả hai vị thuốc cho vào cối và thực hiện giã nát. Dùng thuốc đắp ngoài tại vị trí đang bị bệnh. Sử dụng 1 thang/ngày cho đến khi bệnh tình có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Bài thuốc từ Bông bụt điều trị viêm kết mạc cấp: Dùng 30 gram rễ dược liệu rửa sạch. Cho dược liệu vào nồi. Rót thêm 600ml nước lọc vào cùng. Thực hiện sắc thuốc với lửa nhỏ trong 20 phút hoặc cho đến khi lượng nước thuốc trong nồi chỉ còn lại 200ml. Để nguội bớt và chắt lấy phần nước thuốc. Chia thuốc thành 2 lần uống trong ngày. Sử dụng 1 thang/ngày.
  • Bài thuốc từ Bông bụt điều trị trúng thử cấm khẩu: Dùng lá dược liệu tươi rửa sạch với nước muối. Cho dược liệu vào cối và thực hiện giã nát. Thêm vào một ít muối và trộn đều. Dùng vải mùng hoặc ray chắt lấy phần nước cốt, bỏ bã. Uống 1 lần/ngày. Sử dụng cho đến khi bệnh tình có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Bài thuốc từ Bông bụt điều trị kinh nguyệt không đều, ngắn vòng hay ra nhiều máu, thấy sớm kỳ, rong huyết: Dùng 30 gram vỏ rễ dược liệu và 30 gram lá huyết dụ. Mang tất cả vị thuốc rửa sạch. Cho các vị thuốc vào nồi cùng với 800ml nước lọc. Thực hiện sắc thuốc với lửa nhỏ cho đến khi lượng nước thuốc trong nồi chỉ còn lại 300ml. Để nguội bớt và chắt lấy phần nước thuốc. Chia thuốc thành 2 – 3 lần uống trong ngày. Sử dụng 1 thang/ngày.
  • Bài thuốc từ Bông bụt điều trị bồn chồn, khó ngủ, hồi hợp không rõ nguyên nhân: Sau khi thu hái hoa Râm bụt, mang dược liệu phơi khô và rửa sạch trong bóng râm. Mỗi ngày lấy 3 – 5 gram dược liệu cho vào tách. Rót thêm 300ml nước đun sôi vào cùng và thực hiện hãm dược liệu trong 20 phút. Uống ngay khi còn ấm và uống thay trà mỗi ngày.
  • Bài thuốc từ Bông bụt điều trị đại tiện ra máu, mủ, lỵ lâu ngày không khỏi: Dùng vỏ thân hoặc vỏ rễ cây Râm bụt khô (bỏ phần vỏ ngoài chỉ lấy lớp vỏ trắng) với liều lượng 50 gram vỏ tươi hoặc 20 gram vỏ khô. Dùng thêm 8 gram gừng tươi, 8 gram trần bì (vỏ quýt để lâu ngày), 20 gram khô hoặc 50 gram tươi lá và búp táo chua (táo ta). Mang lá táo và vỏ dược liệu cho vào chảo sao vàng, hạ thổ. Mang gừng và trần bì cùng với lá táo và vỏ dược liệu đã sao cho vào nồi. Rót thêm 1 lít nước lọc. Thực hiện sắc kỹ các vị thuốc. Để nguội bớt và chắt lấy phần nước thuốc. Chia thuốc thành 2 – 3 lần uống trong ngày. Sử dụng 1 thang/ngày trong 7 ngày.
  • Bài thuốc từ Bông bụt điều trị chứng đái đỏ, đái buốt: Dùng 10 gram lá dược liệu, 10 gram thài lài tía, 10 gram cỏ mã đề. Sau khi rửa sạch tất cả vị thuốc cùng với nước muối, cho thuốc vào cối và thực hiện giã nhỏ. Chế nước đun sôi để nguội vào thuốc. Dùng ray hoặc vải mùng chắt lấy phần nước thuốc. Uống ngay khi vừa thực hiện. Sử dụng 2 – 3 lần/ngày. Áp dụng từ 7 – 10 ngày sẽ nhận thấy bệnh tình thuyên giảm rõ rệt.
  • Bài thuốc từ Bông bụt điều trị mẩn ngứa, giúp tiêu độc: Dùng lá và hoa dược liệu rửa sạch. Mang dược liệu phơi khô dưới bóng râm. Mỗi ngày lấy 3 – 5 gram dược liệu cho vào tách. Rót thêm 300ml nước đun sôi vào cùng. Thực hiện hãm dược liệu trong 20 phút. Uống ngay khi còn ấm và uống thay trà mỗi ngày.
  • Bài thuốc từ Bông bụt điều trị ung nhọt sưng đau, chữa đơn độc (theo Kinh nghiệm dân gian): Dùng một nắm lá dược liệu, một nắm lá trầu không, một nắm lá thồm lồm. Mang tất cả vị thuốc rửa sạch cùng với nước muối. Cho các vị thuốc vào cối và thực hiện giã nát. Sau khi vệ sinh vùng da bệnh sạch sẽ, đắp thuốc vào những vị trí bị mụn nhọt đang sưng mủ, sưng đau. Thực hiện từ 1 – 2 lần/ngày. Sử dụng từ 5 – 7 ngày sẽ nhận thấy các nốt mụn nhọt giảm sưng đau và giảm viêm.
  • Bài thuốc từ Bông bụt điều trị ung nhọt sưng đau, chữa đơn độc (theo Bản Thảo Cương Mục): Mang lá và hoa dược liệu rửa sạch với nước muối. Cho dược liệu vào cối và thực hiện giã nát. Trộn đều thuốc cùng với mật ong. Vệ sinh vùng da bệnh sạch sẽ. Sau đó đắp thuốc vào những trị trí sưng và đau. Sử dụng từ 1 – 2 lần/ngày.
  • Bài thuốc từ Bông bụt điều trị ung nhọt sưng đau, chữa đơn độc: Mang lá và hoa dược liệu rửa sạch với nước muối. Cho dược liệu vào cối và thực hiện giã nát cùng với một ít vôi ăn trầu. Sau khi vệ sinh vùng da bệnh sạch sẽ, đắp thuốc vào những trị trí sưng và đau. Sử dụng từ 1 – 2 lần/ngày. Áp dụng từ 3 – 5 ngày sẽ nhận thấy các đốm mụn nhọn mau chóng vỡ mủ, giảm tình trạng sưng tấy và đau.
  • Bài thuốc từ Bông bụt điều trị quai bị sưng đau: Dùng 30 – 40 gram lá dược liệu rửa sạch với nước muối. Dùng 5 – 10 củ hành củ bóc vỏ, rửa sạch và thái nhỏ. Cho các vị thuốc vào cối và thực hiện giã nát. Chế nước sôi để nguội, khuấy đều và gạn lấy phần nước thuốc. Uống phần nước thuốc sau khi thực hiện bài thuốc. Phần bã đắp lên chỗ sưng đau. Sau đó dùng băng và băng cố định lại. Áp dụng 1 lần/ngày cho đến khi bệnh tình có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Bài thuốc từ Bông bụt điều trị kinh nguyệt không đều, huyết ra nhiều, sớm kỳ: Dùng 20 gram vỏ cây dược liệu và 20 gram lá huyết dụ. Mang tất cả vị thuốc rửa sạch. Cho các vị thuốc vào nồi cùng với 600ml nước lọc. Thực hiện sắc thuốc với lửa nhỏ trong 30 phút hoặc cho đến khi lượng nước thuốc trong nồi chỉ còn lại 200ml. Để nguội bớt và chắt lấy phần nước thuốc. Chia thuốc thành 2 lần uống trong ngày. Sử dụng 1 thang/ngày.
  • Bài thuốc từ Bông bụt điều trị khí hư (bạch đới) ra nhiều ở phụ nữ: Dùng một nắm lá dược liệu, một nắm lá bấn (bạch đồng tử). Mang cả hai vị thuốc rửa sạch. Cho các vị thuốc vào nồi cùng với 800ml nước lọc. Thực hiện sắc thuốc với lửa nhỏ cho đến khi lượng nước thuốc trong nồi chỉ còn lại một nửa. Để nguội bớt và chắt lấy phần nước thuốc. Có thể chia thuốc thành nhiều lần uống trong ngày. Uống thay nước trà mỗi ngày.
  • Bài thuốc từ Bông bụt điều trị phụ nữ sau khi sinh đẻ máu xấu nghịch lên gây chóng mặt, nhức đầu: Dùng 8 gram hoa dược liệu đã được phơi khô, 10 – 12 gram gỗ vang (tô mộc), 5 – 7 lát gừng tươi. Cho tất cả vị thuốc vào nồi. Rót thêm 600ml nước lọc vào cùng. Thực hiện sắc thuốc cùng với lửa nhỏ trong 20 phút. Chắt lấy phần nước thuốc và uống ngay khi còn ấm. Sử dụng 1 thang/ngày.
Bài thuốc chữa bệnh từ Bông bụt
Nhờ thành phần hóa học và tác dụng dược lý đa dạng, vị thuốc Bông bụt được ứng dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh

Lưu ý

  • Trước khi thực hiện bài thuốc, cần ngâm và rửa sạch vị thuốc Bông bụt cùng với nước muối. Điều này sẽ giúp bạn phòng ngừa tình trạng nhiễm trùng dẫn đến bội nhiễm. Đặc biệt là khi dùng ngoài.

Bài viết là thông tin cơ bản về thành phần hóa học, tác dụng dược lý, tính vị, quy kinh và những bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu Bông bụt. Tuy nhiên những thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Người bệnh nên áp dụng những bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa Y học cổ truyền. Điều này sẽ giúp bạn đảm bảo hiệu quả điều trị và mức độ an toàn.