U bao hoạt dịch khớp cổ tay là bệnh gì? Chữa như thế nào?
U bao hoạt dịch khớp cổ tay là một bệnh lý lành tính. Nếu khối u không quá lớn, nó sẽ không gây ra tình trạng viêm, sưng đau. Bệnh không có khả năng phát triển thành khối u ác tính. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải đi thăm khám và điều trị sớm nếu thấy cơ thể có các biểu hiện bất thường.
I/ Tìm hiểu về bệnh u bao hoạt dịch khớp cổ tay
Những thông tin mà chúng tôi cung cấp dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh này:
U bao hoạt dịch khớp cổ tay là gì?
U bao hoạt dịch khớp cổ tay được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau như u nang bao dịch hoạt cổ tay, thoát vị bao khớp cổ tay, viêm màng hoạt dịch khớp cổ tay… Đây là những thuật ngữ được sử dụng để chỉ tình trạng xuất hiện các khối u trên khớp hoặc gân ở vùng cổ tay. Thực chất, khối u này hình thành nên là do các khớp bị suy yếu và phồng lên. Nó có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên cơ thể, nhưng thường gặp nhất là vùng cổ tay, bàn tay.
U bao hoạt dịch cổ tay là những khối u lành tính, không có khả năng trở thành khối u ác tính. Tuy nhiên, không phải vì lý do này mà bạn mang thái độ chủ quan, không điều trị. Bởi nếu diễn tiến trong thời gian dài, nó có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
Nguyên nhân gây bệnh viêm bao hoạt dịch khớp cổ tay
Nguyên nhân chính xác gây bệnh vẫn chưa thể xác định được. Tuy nhiên theo các bác sĩ, yếu tố có thể gây nên tình trạng này thường là kết quả của một sự lỏng lẻo ở bao khớp, khiến cho các dịch khớp bị tràn ra ngoài. Hệ quả là gây u bao hoạt dịch khớp cổ tay. Các chấn thương ở vùng cổ tay, bong gân… là nguyên nhân có thể gây lỏng lẻo bao khớp.
Ngoài ra, bệnh này cũng có thể xảy ra do cổ tay thực hiện các chuyển động lặp đi lặp lại quá nhiều lần. Nó hay gặp ở những người thường xuyên làm việc với máy tính, phải gõ bàn phím quá nhiều.
U bao hoạt dịch khớp cổ tay có các biểu hiện nào?
Với người bị viêm màng dịch hoạt cổ tay, biểu hiện dễ nhận thấy nhất là xuất hiện các khối u. Những khối u này có kích thước khá nhỏ và nằm ẩn ở bên dưới nếp da của vùng cổ tay. Chính vì vậy mà nó ít khi được phát hiện.
Nếu bệnh kéo dài càng lâu, khối u càng to ra. Lúc này, chúng sẽ chèn ép lên các cấu trúc nằm kề cận như cơ, gân, dây thần kinh. Người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức, tê tay, làm hạn chế hoạt động gấp và duỗi cổ tay.
Biến chứng bệnh u bao hoạt dịch khớp cổ tay
Là một bệnh lành tính, nhưng nếu không được chữa trị, u bao hoạt dịch khớp cổ tay cũng có thể gây ra biến chứng. Cụ thể:
- Làm hạn chế sự vận động của tay. Nếu các khối u chưa lớn, bệnh sẽ không làm ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của tay. Nhưng nếu u to, nó sẽ làm chèn ép lên cơ, gân khiến cổ tay không thể hoạt động được một cách bình thường. Thậm chí không thể gập duỗi cổ tay.
- Trong trường hợp các khối u dính vào gân tay, người bệnh có thể cảm thấy lực ở bàn tay bị yếu đi. Đồng thời khiến cho các ngón tay không còn khả năng cử động.
- Nghiêm trọng hơn, nếu các u này bị vỡ do va đập hoặc sang chấn có thể làm khớp bị bội nhiễm. Điều này sẽ gây ra các biến chứng nghiêm trọng khác nữa.
Bệnh có thể gây ra biến chứng. Do đó, bạn không thể chủ quan khi bị u bao hoạt dịch khớp cổ tay. Thay vào đó, hãy đi khám và được chữa trị nếu thấy xuất hiện các biểu hiện bất thường.
II/ Các phương pháp chẩn đoán và chữa u bao hoạt dịch khớp cổ tay
Thông thường, viêm màng dịch khớp cổ tay sẽ được chẩn đoán và điều trị như sau:
Chẩn đoán
Đầu tiên bác sĩ sẽ nắm rõ tiền sử bệnh lý, các triệu chứng mà bệnh nhân đang gặp phải. Đồng thời tiến hành khám thực thể khối u vùng cổ tay. Nang hoạt dịch vùng cổ tay sẽ có các triệu chứng như sau:
- Sờ không cảm thấy đau.
- Kích thước của khối u sẽ có sự thay đổi cùng với sự thay đổi tư thế ở vùng cổ tay.
- U nang không thay đổi hoặc biến mất trong một thời gian dài.
Sau khi đưa ra các chẩn đoán ban đầu, người bệnh sẽ được chỉ định tiến hành khám cận lâm sàng. Điều này có thể giúp bác sĩ xác định được chính xác mức độ bệnh lý. Qua đó, đưa ra được các hướng điều trị phù hợp.
Các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng thường được áp dụng bao gồm:
- Chụp X – quang: Phương pháp chẩn đoán này sẽ giúp bác sĩ loại trừ nguy cơ người bệnh bị u xương.
- Siêu âm: Giúp bác sĩ phân biệt được u bao hoạt dịch khớp với các khối u phần mềm khác như bước bã, bướu mỡ…
- Chụp MRI: Phương pháp chẩn đoán này thường được chỉ định cho các trường hợp bị các khối u nhỏ, khó có thể nhìn thấy.
Điều trị
Sau khi xác định được chính xác bệnh và mức độ bệnh lý, bệnh nhân sẽ được điều trị theo các bước như sau:
+ Tiến hành theo dõi:
Với những u nang không gây ra bất cứ một triệu chứng bất thường nào cho người bệnh, chỉ cần điều trị mà không cần phải áp dụng các biện pháp điều trị y khoa.
+ Bất động:
Nếu u nang làm cho người bệnh bị đau, hãy hạn chế vận động. Bởi lúc này, các dây thần kinh đang bị khối u chèn ép, cử động càng nhiều càng làm khối u to lên, cơn đau cũng do đó mà càng dữ dội hơn.
Ngoài ra, để làm giảm các cơn đau, bác sĩ cũng có thể chỉ định cho bạn sử dụng các loại thuốc kháng viêm không steroid, giảm đau. Những loại thuốc thường được sử dụng bao gồm ibuprofen, naproxen, mobic…
+ Thoát dịch:
Những bệnh nhân có kích thước lớn có thể sẽ được chỉ định chọc hút dịch ở bên trong nang ra. Mặc dù phương pháp này nó có thể làm giảm đau đớn, nhưng nguy cơ bệnh tái phát lại lớn. Do đó, điều trị bằng phẫu thuật sẽ được cân nhắc.
+ Phẫu thuật:
Đây được cho là phương pháp chữa u bao hoạt dịch khớp cổ tay tối ưu nhất, ngăn chặn được nguy cơ bệnh tái phát. Các bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ bọc hoạt dịch, sau đó khâu lại phần cuống thông với khớp. Khớp cổ tay sẽ được cố định từ 2 – 3 tuần sau khi phẫu thuật, đồng thời vết thương cũng sẽ dần lành lại.
III/ Một vài lưu ý khi bị u bao hoạt dịch khớp cổ tay
Việc thăm khám và điều trị theo sự chỉ định của bác sĩ là điều vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, để bệnh nhanh khỏi, bạn có thể áp dụng một vài mẹo chữa u bao hoạt dịch khớp cổ tay như sau:
- Người bệnh cần được nghỉ ngơi nhiều hơn, tránh vận động khi đang bị đau hoặc mới được phẫu thuật.
- Chườm lạnh để làm giảm cảm giác đau đớn.
- Nếu được chỉ định sử dụng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm, cần phải sử dụng đúng theo liều lượng mà bác sĩ đã chỉ định. Không được tự ý tăng hoặc giảm liều lượng sử dụng.
- Xây dựng một chế độ ăn uống hợp lý. Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, các thực phẩm giàu protein và canxi…
Ngoài ra, để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh cho bản thân, bạn có thể tham khảo các biện pháp như sau:
- Tránh cử động mạnh hoặc lặp lại một động tác trong thời gian dài. Bạn nên thay đổi tư thế và các động tác làm việc thường xuyên. Chúng sẽ làm giảm được nguy cơ gây tổn thương bao hoạt dịch.
- Phòng ngừa và điều trị triệt để bệnh tiểu đường, các bệnh liên quan đến xương khớp như viêm khớp dạng thấp, gai xương khớp gối…
- Bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là canxi, protein. Bởi chúng sẽ giúp xương của bạn khỏe mạnh hơn, làm giảm được nguy cơ mắc bệnh.
- Siêng vận động, tập luyện thể dục thể thao. Không chỉ làm cho cơ thể thoải mái, nó còn giúp các cơ xương khớp được khỏe mạnh hơn. Nguy cơ bị các bệnh về xương khớp cũng sẽ được giảm bớt.
Trên đây là các thông tin mang tính chất tham khảo về bệnh viêm bao hoạt dịch khớp cổ tay. Hiểu rõ về chứng bệnh là việc nên làm. Vì nó giúp người bệnh chủ động hơn trong việc điều trị và phòng ngừa bệnh cho bản thân.
ThuocDanToc.vn không đưa ra bất kì lời khuyên, tham vấn, chẩn đoán y khoa.