Cách sử dụng và Liều dùng thuốc lợi tiểu Spironolacton
Thuốc Spironolacton có tác dụng thúc đẩy bài tiết nước và natri. Thuốc được sử dụng cho bệnh nhân tăng huyết áp, phù gan, thận, cổ trướng do xơ gan và bệnh nhân tăng aldosterone tiên phát nhưng không thể phẫu thuật.
- Tên thuốc: Spironolacton
- Tên khác: Spironolactone
- Phân nhóm: Thuốc lợi tiểu giữ kali
Những thông tin cần biết về thuốc Spironolacton
1. Tác dụng
Spironolacton là hoạt chất đối kháng mineralocorticoid. Thuốc hoạt động bằng cách ức chế cạnh tranh với mineralocorticoid và aldosterone ở ống lượn xa nhằm thúc đẩy bài tiết nước và natri. Spironolacton làm giảm khả năng bài tiết amoni (NH4+), H+ và ion kali nên được gọi là thuốc lợi tiểu giữ kali.
Tác dụng của thuốc khá chậm, thường phát huy tối đa sau 2 – 3 ngày sử dụng và giảm sau 2 – 3 ngày ngưng dùng. Vì vậy thuốc chỉ sử dụng trong trường hợp không cần bài tiết nhanh.
2. Chỉ định
Thuốc Spironolacton được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Phù gan và thận
- Phù tim
- Nghi ngờ hoặc đã xác định tăng aldosterone
- Tăng aldosterone tiên phát nhưng không thể phẫu thuật
- Tăng huyết áp
- Cổ trướng do xơ gan
3. Chống chỉ định
Chống chỉ định thuốc Spironolacton trong những trường hợp sau:
- Dị ứng/ quá mẫn với Spironolacton hay bất cứ thành phần nào có trong thuốc
- Suy thận cấp tính và suy thận mạn nghiêm trọng
- Tăng kali huyết
- Vô niệu
4. Dạng bào chế – hàm lượng
Spironolacton chủ yếu được bào chế ở dạng viên nén, với hàm lượng 25mg, 50mg và 100mg.
5. Cách sử dụng – liều dùng
Thuốc được bào chế ở dạng viên nén nên được dùng trực tiếp bằng đường uống. Nên nuốt viên thuốc cùng với một ly nước đầy.
Liều dùng Spironolacton phụ thuộc vào độ tuổi và mục đích sử dụng.
Người lớn:
Liều dùng khi điều trị phù do xơ gan, suy tim sung huyết, hội chứng thận hư và nghi ngờ tăng aldosterone
- Liều khởi đầu: Dùng 25 – 200mg/ ngày, chia thành 2 – 4 lần dùng (cần duy trì trong ít nhất 5 ngày)
- Liều duy trì: Dùng 75 – 400mg/ ngày, chia thành 2 – 4 lần dùng
- Thường được phối hợp với thuốc lợi tiểu thiazide hoặc furosemide
Liều dùng khi điều trị tăng aldosterone tiên phát
- Dùng 100 – 400mg/ ngày, chia thành 2 – 4 lần dùng
- Với bệnh nhân không thể phẫu thuật, nên sử dụng liều thấp nhất trong thời gian dài
Liều dùng khi điều trị tăng huyết áp
- Liều khởi đầu: Dùng 50 – 100mg/ ngày, chia thành 2 – 4 lần uống (phải duy trì ít nhất trong 2 tuần)
- Liều duy trì: Điều chỉnh theo chỉ số huyết áp ở mỗi cá thể
Trẻ em:
- Chỉ dùng trong trường hợp cổ trướng do xơ gan và lợi tiểu nhằm giảm huyết áp
- Liều khởi đầu: Dùng 1 – 3mg/ kg/ ngày, dùng 1 lần hoặc chia thành nhiều liều nhỏ
- Điều chỉnh liều sau 5 ngày sử dụng
6. Bảo quản
Bảo quản thuốc Spironolacton trong bao bì kín, ở nhiệt độ dưới 30 độ C, tránh ánh sáng trực tiếp và để đông lạnh.
7. Giá thành
Thuốc Spironolacton 25mg có giá bán 200 – 210.000 đồng/ Hộp 10 vỉ x 10 viên.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Spironolacton
1. Thận trọng
Nếu sử dụng cho bệnh nhân rối loạn chức năng gan/ thận hoặc người cao tuổi, cần kiểm tra chức năng thận và thành phần điện giải thường xuyên.
Bệnh nhân bị bệnh thận do tiểu đường cần cẩn trọng khi sử dụng thuốc Spironolacton. Hoạt động của thuốc có thể làm tăng nồng độ kali trong máu.
Tránh lái xe và thực hiện những hoạt động đòi hỏi độ tập trung cao trong thời gian đầu mới dùng thuốc. Spironolacton có thể gây chóng mặt và thay đổi tầm nhìn trong quá trình sử dụng. Ngoài ra, đồ uống có cồn có thể làm giãn mạch và tăng khả năng hạ áp của thuốc.
Thực nghiệm trên động vật cho thấy sử dụng Spironolacton trong điều trị dài hạn làm xuất hiện bệnh bạch cầu tủy bào và các khối u bất thường. Vì vậy cần tránh sử dụng thuốc trong thời gian dài.
Dùng Spironolacton phối hợp với các thuốc lợi tiểu khác có thể dẫn đến tình trạng suy giảm chức năng thận hoặc tăng kali huyết.
Chỉ sử dụng thuốc Spironolacton cho sản phụ mắc bệnh tim và phải tuân thủ tuyệt đối theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, thuốc vẫn có thể dùng cho phụ nữ đang cho con bú.
Sử dụng thuốc Spironolacton làm ảnh hưởng đến sự xác định epinephrine, cortisol trong huyết tương và digoxin trong huyết thanh.
2. Tác dụng phụ
Tác dụng phụ thường gặp:
- Ỉa chảy
- Tăng prolactin
- Tiết sữa nhiều
- Mất kinh
- Đau đầu
- Ngủ gà
- Buồn nôn
- Mệt mỏi
- Liệt dương
- Chứng vú to ở nam giới
- Rối loạn kinh nguyệt
- Chảy máu sau mãn kinh
Tác dụng phụ ít gặp:
- Ngoại ban
- Tăng kali huyết
- Chuột rút
- Dị cảm
- Tăng creantin huyết thanh
- Nồi mề đay
- Ban đỏ
- Giảm natri huyết (khát nước, buồn ngủ, khô miệng và thường xuyên mệt mỏi)
- Co thắt cơ
Tác dụng phụ hiếm gặp:
- Giảm tiểu cầu
- Mất bạch cầu hạt
Để tránh các tác dụng phụ của thuốc, cần kiểm tra điện giải đồ định kỳ và điều chỉnh liều dùng khi cần thiết.
3. Tương tác thuốc
Cân nhắc trước khi sử dụng Spironolacton với những loại thuốc sau:
- Thuốc lợi tiểu khác: Dùng phối hợp với Spironolacton làm tăng tác dụng lợi tiểu.
- Thuốc chống tăng huyết áp: Sử dụng đồng thời với Spironolacton làm tăng khả năng hạ áp và có nguy cơ hạ huyết áp nghiêm trọng.
- Thuốc ức chế enzyme chuyển dạng angiotensin: Có thể làm tăng kali huyết nếu dùng chung với Spironolacton. Trường hợp này có thể đe dọa đến tính mạng – nhất là với bệnh nhân suy thận. Vì vậy không khuyến cáo sử dụng đồng thời 2 loại thuốc này.
- Flucocortisone: Làm tăng thải trừ kali khi kết hợp với Spironolacton.
- Mitotane: Spironolacton là giảm tác dụng của loại thuốc này.
- Busereline, Triptoreline và Gonadoreline: Spironolacton làm tăng hoạt động và tác dụng của thuốc Busereline, Triptoreline và Gonadoreline.
- Salicylate: Làm giảm khả năng lợi tiểu của thuốc Spironolacton.
- Thuốc lợi tiểu giữa kali khác, NSAID: Có thể gây tăng kali huyết nếu dùng đồng thời với Spironolacton.
- Amino clorid: Làm tăng nguy cơ toan huyết khi kết hợp với Spironolacton.
- Digoxin: Spironolacton làm tăng độc tính của thuốc Digoxin.
- Thuốc chống đông máu Coumarin: Spironolacton làm giảm khả năng chống đông của nhóm thuốc này.
- Lithi: Spironolacton làm giảm độ thanh thải của Lithi và tăng nguy cơ ngộ độc.
4. Quá liều và xử trí
Quá liều thuốc Spironolacton có thể gây khó thở, lo lắng, yếu cơ và lú lẫn. Với trường hợp này, bác sĩ sẽ thực hiện rửa dạ dày và dùng than hoạt để tăng thải trừ và giảm khả năng hấp thụ thuốc. Bên cạnh đó cần kiểm tra điện giải, chức năng thận và tiến hành điều trị theo triệu chứng.