ĐỊA HOÀNG

Địa hoàng có vị ngọt, đắng, có tính hàn và được quy vào kinh tâm, can, thận. Dược liệu này được sử dụng nhiều trong các bài thuốc để điều trị thiếu máu, chảy máu cam, kinh nguyệt không đều, sốt xuất huyết,… Hãy tham khảo bài viết dưới đây để biết thêm thông tin về dược liệu này.

Địa hoàng còn có tên gọi khác là Sinh địa hoàng, Sinh địa, Nguyên sinh địa

1. Tên gọi – Chủng loại

Tên gọi khác: Sinh địa hoàng, Sinh địa, Nguyên sinh địa, Sheng di huang (tiếng Trung Quốc)

Tên khoa học: Rehmannia glutinosa

Họ: Thuộc họ Cỏ chổi (Orobanchaceae)

Chủng loại:

  • Tiên địa hoàng: là rễ địa hoàng tươi, có vỏ mỏng màu vàng hoặc đỏ cam, có hình dạng giống củ cà rốt.
  • Can địa hoàng: là tiên địa hoàng sấy khô.
  • Sinh địa: là tiên địa hoàng sấy khô, có vỏ màu xám, ruột màu vàng nâu.
  • Thục địa: là sinh địa đem chưng hoặc nấu với gừng tươi, rượu hoặc sa nhân.

2. Đặc điểm sinh thái

+ Mô tả:

Cây địa hoàng là cây thân thảo, sống lâu năm, khi trưởng thành cây cao khoảng 30 – 40 cm. Toàn cây đều có lông tơ nhỏ. Lá có hình quả trứng ngược, gốc lá thuôn, đầu lá nhọn, mép có khía răng cưa tròn, gân có hình mạng lưới, lá thường mọc tập trung ở gần gốc. Hoa có dạng hình ống, màu đỏ và trắng, mọc thành chùm trên cuống. Qủa nang chứa nhiều hạt nhỏ. Rễ phình to và phát triển thành củ.

+ Phân bố:

Cây địa hoàng được trồng nhiều ở các tỉnh thuộc Trung Quốc. Còn tại Việt Nam, cây địa hoàng thường được trồng ở các tỉnh phía Bắc như Thanh Hóa, Bắc Giang, các tỉnh thuộc Đồng bằng Bắc Bộ,…

Cây địa hoàng được xem là dược liệu quý, được trồng nhiều ở Trung Quốc và các tỉnh phía Bắc nước ta

3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

+ Bộ phận dùng:

Sử dụng rễ củ của cây địa hoàng để làm thuốc chữa bệnh.

+ Thu hái:

Thu hoạch củ một năm hai lần: Đông xuân và hạ.

+ Chế biến:

Chế biến những dược liệu thu hoạch được và sử dụng dưới dạng tươi và khô.

Dùng tươi (Tiên địa hoàng): Rửa sạch để tẩy bỏ các bụi bẩn, tạp chất.

Dùng khô (Sinh địa hoàng): Rửa sạch bằng nước để loại bỏ bụi bản, vi khuẩn, thái thành các miếng nhỏ rồi đem phơi khô.

+ Bảo quản:

Đối với rễ củ địa hoàng tươi, sử dụng ngay sau khi thu hoạch, hoặc bỏ ngăn lạnh của tủ lạnh để sử dụng qua ngày.

Đối với rễ củ địa hoàng khô, cần bảo quản trong bọc hoặc hộp kín, đậy kín bao bì, tránh ẩm móc để sử dụng cho các lần sau.

4. Thành phần hóa học

Trong rễ củ của cây địa hoàng có chứa các hoạt chất như:

  • Iridoid
  • Phenethyl alcohol
  • Glycoside
  • Cyclopentanoid monoterpene
  • Norcarotenoid

5. Tính vị

Cây địa hoàng tươi có vị ngọt, đắng, có tính hàn.

6. Quy kinh

Cây địa hoàng được quy vào kinh tâm, can và thận.

7. Tác dụng dược lý

+ Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

Theo kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại, cây địa hoàng có tác dụng:

  • Chống viêm
  • Hạ đường huyết
  • Trợ tim, hạ áp
  • Cầm máu
  • Bảo vệ gan
  • Lợi tiểu
  • Chống phóng xạ
  • Chống nấm
  • Ức chế chức năng vỏ tuyến thượng thận
+ Theo Y học cổ truyền:

Trong nền y học cổ truyền, địa hoàng tươi được sử dụng trong các bài thuốc để điều trị bệnh, bởi dược liệu này có công dụng:

  • Làm thuốc bổ
  • Bổ máu
  • Lợi tiểu
  • Cải thiện thị lực, làm sáng mắt
  • Chống suy nhược cơ thể
  • Thanh nhiệt, mát máu
  • Cầm máu
  • Kháng sinh

Cây địa hoàng khô có công dụng:

  • Tư âm dưỡng huyết
  • Chữa bệnh huyết hư phát nóng
  • Thổ huyết
  • Băng huyết
  • Chảy máu cam
  • Rối loạn kinh nguyệt
  • Động thai
  • Chữa thương hàn, ôn dịch
  • Phát ban chẩn
  • Cổ họng sưng đau

8. Liều dùng – Cách dùng

Cây địa hoàng được sử dụng cùng với các loại dược liệu khác, đem nghiền nát thành bột rồi hoàn thành viên, hoặc đem sắc lấy nước uống.

Sử dụng 12 – 30 gram/ lần (địa hoàng tươi) hoặc 9 – 15 gram/ lần (địa hoàng khô), mỗi ngày sử dụng 2 – 3 lần.

9. Bài thuốc

Dưới đây là một số bài thuốc sử dụng cây địa hoàng để điều trị bệnh, bạn đọc có thể tham khảo qua:

Các bài thuốc sử dụng địa hoàng và một số dược liệu khác để điều trị bệnh

Bài thuốc điều trị mồ hôi trộm, đau lưng, mỏi gối, thận âm, nóng trong xương cốt:

  • Bài thuốc số 1 (Hoàn tả quy): Sử dụng 20 gram thục địa, 16 gram sơn dược cùng với sơn thù, câu kỷ tử, thỏ ty tử, cao ban long, ngưu tất mỗi loại 12 gram. Đem tất cả nghiền thành bột, thêm một chút mật rồi hoàn thảnh viên. Sử dụng 12 gram/ lần, mỗi ngày sử dụng 2 lần (buổi sáng sớm và tối trước khi đi ngủ).
  • Bài thuốc số 2 (Hoàn đại bổ âm): Thục địa và quy bản mỗi loại 20 gram cùng với hoàng bá và tri mẫu mỗi loại 12 gram. Đem tất cả nghiền nát thành bột mịn, trộn với tủy xương sống lợn rồi hoàn làm viên. Sử dụng 2 lần một ngày với liều lượng là 12 gram/ lần. Uống thuốc lúc bụng đói, có thể uống cùng với nước gừng hoặc nước muối nhạt.

Bài thuốc chữa kinh nguyệt không đều và các chứng huyết hư khác:

Sử dụng 20 gram thục địa, 12 gram đường quy, 12 gram bạch thược cùng với 6 gram xuyên khung, đem sắc lấy nước uống, có thể chia làm thành nhiều phần nhỏ để dễ uống.

Bài thuốc chữa bệnh đái tháo đường:

Sử dụng 12 gram thục địa, 16 gram thái tử sâm, 20 gram sơn dược cùng với 8 gram ngũ vị tử thành một thang thuốc, rồi đem thang thuốc này sắc lấy nước uống, sử dụng mỗi ngày để đạt hiệu quả như mong muốn.

Bài thuốc chữa sốt cao, khát nước, lưỡi đỏ thẫm, khô miệng, lương huyết, tư âm:

  • Bài thuốc số 1: 16 gram sinh địa hoàng, 12 gram huyền sâm, 12 gram mạch môn, 2 quả trám đập vụn; đem tất cả nguyên liệu sắc lấy nước uống.
  • Bài thuốc số 2: Sinh địa, huyền sâm, mạch môn mỗi loại 16 gram, đem sắc lấy nước uống hằng ngày.

Bài thuốc chữa sốt phát ban, sốt xuất huyết, chảy máu cam:

  • Bài thuốc số 1: Sắc lấy nước uống 40 gram địa hoàng tươi.
  • Bài thuốc số 2: Sắc lấy nước uống với các nguyên liệu: 24 gram địa hoàng tươi, 12 gram lá sen tươi, 12 gram trắc bá diệp tươi, 8 gram ngãi diệp tươi.
  • Bài thuốc số 3: Sử dụng 16 gram sinh địa hoàng cùng với thạch lộc và mạch môn mỗi loại 12 gram, đem sắc lấy nước dùng.

Bài thuốc chứ chàm lở, nhiễm trùng nấm:

Đem sắc lấy nước uống với các dược liệu như: Sinh địa, kinh giới, phòng phong, đường quy, khổ sâm, thương truật (đã sao), thuyền thoái, hồ ma nhân, thạch cao, ngưu bàng tử, cam thảo sống và mộc thông.

Bài thuốc chữa lao, viêm khớp dạng thấp, ung thư có hội chứng âm hư nội nhiệt:

  • Bài thuốc số 1: Sắc lấy nước uống cùng với thanh hao, miết giáp, tri mẫu, đơn bì, tế sinh địa.
  • Bài thuốc số 2: Sử dụng sinh địa, tri mẫu, hoàng vá, sơn thù, sơn dược, đơn bì, bạch linh, trạch tả, đem sắc lấy nước uống.
  • Bài thuốc số 3 (Chu đan khê): Sử dụng 2400 gram sinh địa, 480 gram bạch linh, 249 gram nhân sâm, 1200 gram mật ông. Đem sinh địa giã nát rồi vắt nước, thêm mật ong nấu sôi; thêm bạch linh và nhân sâm đã tán nhỏ và lọ đậy kín. Đem tất cả nguyên liệu đã sơ chế đem đun cách thủy 3 ngày 3 đêm rồi để nguồi. Sử dụng 1 – 2 thìa/ lần, mỗi ngày sử dụng 2 – 3 lần.

Bài thuốc trị tiểu đường:

  • Bài thuốc số 1 (Hoàng liên viên): Sử dụng 800 gram sinh địa, 600 gram hoàng liên; đem sinh địa giã nát rồi vắt lấy nước tẩm vào hoàng liên phơi khô, thêm một ít mật, sau đó hoàn thành viên. Dùng 20 viên/ lần, mỗi ngày uống 2 – 3 lần.
  • Bài thuốc số 2: Đem sắc lấy nước uống cùng với 40 gram địa hoàng, 40 gram sơn dược, 20 gram hoàng kỳ, 20 gram sơn thù, 12 gram tụy heo.

Bài thuốc bổ huyết sinh tinh:

Nấu cháo cùng với 100 gram gạo tẻ và 50 gram địa hoàng khô, khi cháo chín cho thêm ít dấm và mật. Bệnh nhân dùng cháo khi cháo nguội bớt.

Bài thuốc chữa ho ra máu, giãn phế quản, ho khan ít đờm:

Dùng 300 ml nước ép địa hoàng tươi hòa với cháo gạo chín, đem đun sôi rồi sử dụng khi đói.

Bài thuốc chữa sốt âm ỉ, đau nhức tay chân, ho khan, ho gà:

Dùng sinh địa và thục địa mỗi loại 30 gram, đem nấu lấy nước lọc bỏ bã, sau đó đem hòa với 60 gram mật ong khuấy đều, rồi bắt lên bếp nấu cho đến khi đặc thành siro . Sử dụng mỗi ngày 2 lần, uống 1 – 2 thìa/ lần.

10. Lưu ý

Trong quá trình sử dụng địa hoàng làm dược liệu để điều trị bệnh, bệnh nhân cần lưu ý những điểm sau đây:

  • Không dùng cho các đối tượng dị ứng hoặc mẫn cảm với các thành phần có trong dược liệu.
  • Trong quá trình điều trị bệnh, không được sử dụng đồng thời cây địa hoàng với lai phục tử, có thể gây phản tác dụng hoặc gia tăng ảnh hưởng của tác dụng phụ.
  • Không được sử dụng cho các đối tượng kém ăn, bụng đầy trướng, tỳ hư, đi ngoài lỏng.

Thông tin bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Bệnh nhân có ý định sử dụng dược liệu này để điều trị bệnh, tốt nhất nên tham khảo ý kiến tham vấn từ bác sĩ, không được tự ý sử dụng khi chưa có chỉ định.