Thuốc Promethazine: Chống say tàu xe, buồn nôn, an thần, dị ứng…
Promethazine là thuốc được dùng để chữa trị các triệu chứng dị ứng, chống say tàu xe, điều trị buồn nôn và nôn… Để sử dụng thuốc được hiệu quả và an toàn, việc nắm rõ các thông tin về thuốc là điều rất cần thiết.
- Tên hoạt chất: Promethazine.
- Tên thương hiệu: Phenergan, Domesim, Phenadoz, Promethazin 10mg…
- Nhóm thuốc: Phenothiazin.
- Dạng thuốc: Viên uống, dung dịch uống, thuốc đặt trực tràng, dung dịch tiêm.
I/ Thông tin thuốc Promethazine
1. Công dụng
Là một loại thuốc thuộc nhóm thuốc phenothiazin, Promethazine được chỉ định dùng trong các trường hợp:
- Bị các triệu chứng dị ứng (hắt hơi, ngứa, phát ban da, chảy nước mũi, nổi mề đay…).
- Chống say tàu xe.
- Điều trị buồn nôn và nôn.
- An thần, cải thiện giấc ngủ.
Không sử dụng Promethazine cho những trường hợp bị hen suyễn, viêm phổi hoặc mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
2. Chống chỉ định
Promethazine chống chỉ định cho các trường hợp:
- Người mẫn cảm với các thành phần của thuốc.
- Trẻ em dưới 2 tuổi.
3. Cơ chế hoạt động
Thuốc Promethazine hoạt động như một loại thuốc kháng histamin, ức chế sự hoạt động của các quá trình viêm nhiễm trong cơ thể.
4. Dạng bào chế
- Viên nén: 12,5mg, 25mg, 50mg.
- Thuốc đặt trực tràng: 12,5mg, 25mg, 50mg.
- Dung dịch tiêm: 25mg/ ml, 50mg /ml.
- Siro: 6,25mg/ 5ml.
5. Liều dùng
Tùy vào mục đích điều trị, độ tuổi, mức độ bệnh và tình trạng sức khỏe mà các bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn sử dụng các dạng thuốc cùng với liều lượng phù hợp. Cụ thể như sau:
♦ Liều dùng thuốc cho người lớn:
+ Bị dị ứng:
- Dạng viên nén/ thuốc đặt trực tràng: Dùng 25mg trước khi đi ngủ. Hoặc uống 12,5mg trước bữa ăn tối và dùng thêm 1 lần nữa trước khi đi ngủ để kháng histamin.
- Tiêm tĩnh mạch (IV)/ tiêm bắp (IM): 25mg. Tùy vào mức độ bệnh mà thuốc có thể được sử dụng thêm một lần nữa sau lần dùng thứ nhất khoảng 2 giờ. Sau đó, chuyển sang dùng thuốc bằng đường uống càng sớm càng tốt.
+ Trị buồn nôn/ nôn:
Dạng viên nén/ thuốc đặt trực tràng: Sử dụng mỗi lần khoảng 12,5 – 25mg. Nếu bệnh nặng, có thể dùng thuốc nhiều lần, mỗi lần cách nhau 4 – 6 tiếng.
+ Chống say tàu xe:
- Dạng viên nén: Uống 25mg trước khi khởi hành khoảng 20 – 60 phút. Có thể dùng thuốc để uống thêm những lần khác, mỗi lần cách nhau từ 8 – 12 giờ nếu thấy cần thiết.
- Sử dụng 25mg dạng uống hoặc thuốc đặt trực tràng vào 2 buổi sáng và tối trong trường hợp có những chuyến đi dài ngày.
+ An thần trước phẫu thuật:
- Dạng viên nén/ thuốc đặt trực tràng: 50mg trước khi thực hiện phẫu thuật.
- Tiêm tĩnh mạch (IV)/ tiêm bắp (IM): Dùng khoảng 25 -50mg kết hợp với giảm liều các loại thuốc giảm đau và thuốc giống atropine.
+ An thần sau phẫu thuật:
Sử dụng khoảng 25 – 50mg thuốc kết hợp với các loại thuốc giảm đau và thuốc giống atropine.
+ An thần khi sinh:
Trong trường hợp chuyển dạ sớm, bác sĩ sẽ sử dụng khoảng 25 – 50mg thuốc Promethazine dạng dung dịch tiêm để tiêm vào tĩnh mạch hoặc tiêm bắp. Nếu quá trình chuyển dạ khó khăn, có thể tăng liều lượng của thuốc lên khoảng 25 – 75mg sau khoảng từ 2 – 4 tiếng, nhưng không được tăng liều quá 100mg.
+ Sốc phản vệ:
- Uống 25mg hoặc tiêm tĩnh mạch 1 lần. Nếu bệnh nặng, có thể uống thuốc lần nữa sau lần dùng thứ nhất khoảng 1 giờ.
- Dùng 6,25 – 12,5mg thuốc đặt trực tràng trước khi đi ngủ.
+ Trị mề đay:
- Dạng viên nén: Uống 25mg thuốc mỗi ngày 1 lần vào lúc trước khi đi ngủ.
- Thuốc đặt trực tràng: Sử dụng 6, 25 – 12,5mg mỗi ngày một lần trước khi đi ngủ.
- Dung dịch tiêm: 25mg tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp, có thể lặp lại sau lần dùng thứ nhất khoảng 2 giờ nếu thấy cần thiết.
Ngoài ra, với những người trên 65 tuổi liều lượng dùng có thể được chỉ định giảm xuống để hạn chế nguy cơ mắc các tác dụng phụ do thuốc gây ra.
♦ Liều dùng cho trẻ em:
Thuốc Promethazine chống chỉ định sử dụng cho trẻ dưới 2 tuổi. Với những trẻ trên 2 tuổi, khi dùng thuốc phải có sự giám sát của người lớn. Liều dùng thông thường cho đối tượng này được quy định như sau:
+ Bị dị ứng:
- Dạng uống/ thuốc đặt trực tràng: Sử dụng 6, 25 – 12, 5mg thuốc 2 lần/ ngày vào trước bữa ăn và trước khi đi ngủ. Hoặc uống 25mg mỗi ngày một lần.
- Dung dịch tiêm: 12,5mg thuốc tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp. Tùy vào mức độ của bệnh nặng hay nhẹ mà các bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc thêm lần nữa. Lần dùng thứ 2 cách lần dùng thứ nhất khoảng 2 giờ.
+ Chống say tàu xe:
- Điều trị: 6,25 – 12,5mg tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp, thuốc có thể được dùng lặp lại cách lần dùng trước 4 giờ đồng hồ.
- Phòng ngừa và chữa trị: Viên uống hoặc thuốc đặt trực tràng, mỗi ngày dùng 2 lần, mỗi lần dùng 12, 5mg.
+ Buồn nôn và nôn:
- Điều trị: Sử dụng 1, 1mg (tối đa 25mg) dạng thuốc uống hoặc đặt trực tràng. Sau khoảng 4 – 6 giờ, dùng thuốc lần nữa nếu thấy cần thiết.
- Tiêm truyền: Dùng 6,25 – 12,5mg dung dịch tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp với tần suất 4/ lần nếu thấy cần thiết.
- Phòng ngừa: Uống hoặc dùng thuốc đặt trực tràng tối đa 25mg. Có thể dùng lặp lại sau lần dùng trước khoảng 4 – 6 giờ nếu thấy cần thiết.
+ An thần:
- Sử dụng 1, 1mg/ lần, liều tối đa là 25mg/ lần.
- Khi được dùng kết hợp với các loại thuốc giảm đau: Sử dụng 12,5 – 25mg. Các dạng thuốc được dùng là thuốc tiêm tĩnh mạch, thuốc uống hoặc thuốc trực tràng.
Trên đây là liều lượng tham khảo của thuốc Promethazine. Tùy vào thể trạng và mức độ bệnh tình của mỗi người mà các bác sĩ có thể chỉ định tăng hoặc giảm liều dùng cho phù hợp. Do đó, để bảo đảm an toàn cho bản thân, bạn cần sử dụng thuốc đúng theo sự chỉ dẫn, không được tự ý mua thuốc để sử dụng.
6. Cách sử dụng
Sử dụng Promethazine đúng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ và hướng dẫn sử dụng được ghi trên bao bì. Tuyệt đối không được tự ý tăng hoặc giảm liều nếu không có sự chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, trong quá trình điều trị, bạn cần lưu ý một số vấn đề như sau:
- Promethazine thường được sử dụng trước bữa ăn hoặc trước giờ đi ngủ. Nếu dùng thuốc để chống say tàu xe, bạn sẽ cần phải uống thuốc trước khi khởi hành khoảng 1 giờ. Với những trường hợp phẫu thuật, chúng sẽ được sử dụng trước khi tiến hành.
- Thời gian và tần suất sử dụng sẽ phụ thuộc vào mục đích điều trị và mức độ bệnh lý.
- Nếu dùng thuốc dạng dung dịch tiêm, cần phải có dụng cụ đo lường. Nếu không biết sử dụng, hãy hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn.
- Cần cẩn trọng khi dùng thuốc này cho trẻ. Hãy thông báo với các bác sĩ ngay nếu con bạn có những biểu hiện bất thường.
- Thuốc có thể gây ra những bất thường trong một vài kết quả xét nghiệm y tế. Do đó, hãy nói với các bác sĩ nếu bạn đang dùng promethazine.
- Thông báo với bác sĩ nếu thấy tình trạng bệnh của mình không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc có biểu hiện trầm trọng thêm.
II/ Những điều cần lưu ý khi dùng Promethazine
1. Tác dụng phụ
Những tác dụng phụ phổ biến mà Promethazine có thể gây ra bao gồm:
- Chóng mặt, buồn ngủ.
- Ù tai.
- Miệng bị khô.
- Mất ngủ, khó ngủ.
- Hoa mắt, chóng mặt.
- Cơ thể bồn chồn, mệt mỏi.
Ngoài ra, thuốc có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng hơn. Hãy liên hệ ngay với bác sĩ hoặc trung tâm y tế nếu thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường như sau:
- Nổi mề đay.
- Khó thở. thở yếu hoặc thở nông.
- Mắt, môi, lưỡi bị sưng.
- Gây buồn ngủ nghiêm trọng.
- Có thể bị ngất xỉu.
- Bị mất ý thức, gặp ảo giác.
- Dễ bị kích động.
- Co giật.
- Rối loạn nhịp tim.
- Bị vàng da.
- Không thể kiểm soát được những cử động của các cơ bắp trên vùng mặt.
- Cơ thể dễ bị bầm tím, chảy máu.
- Ớn lạnh, cơ thể bị suy yếu.
- Đau họng, lở loét vùng miệng, khó nuốt.
- Gây ra những phản ứng nghiêm trọng đối với hệ thần kinh (cơ bắp yếu, sốt cao, đổ mồ hôi…)
Trên đây là một danh sách không đầy đủ các tác dụng phụ của thuốc. Tùy vào thể trạng, độ tuổi, liều lượng dùng khác nhau mà ở mỗi người có thể gặp phải những vấn đề khác nữa mà không được chúng tôi đề cập đến. Hãy trao đổi với các bác sĩ về những rủi ro mà bạn có thể gặp phải khi dùng Promethazine để biết rõ hơn về vấn đề này.
2. Cảnh báo
- Promethazine có thể gây khó thở, ngưng thở dẫn đến tử vong ở trẻ nhỏ. Do đó, thuốc này không được chỉ định cho trẻ dưới 2 tuổi, đồng thời cần phải thật cẩn trọng khi dùng thuốc này cho những trẻ lớn hơn.
- Vì promethazine có thể gây buồn ngủ cực độ, do đó sau khi uống thuốc không được lái xe hoặc làm những công việc có liên quan đến vận hành máy móc hoặc những việc đòi hỏi sự tập trung và tỉ mỉ.
- Cảnh báo gây hội chứng thần kinh ác tính: Các triệu chứng của hội chứng này bao gồm sốt, cơ bắp bị cứng lại, rối loạn huyết áp, nhịp tim đập nhanh… Tình trạng này có thể dẫn đến tử vong nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời.
- Gây mất trí nhớ: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cơ chế hoạt động của các loại thuốc này tượng tự như thuốc kháng cholinergic. Điều này làm tăng nguy cơ mất trí nhớ cho người sử dụng.
Ngoài ra, Promethazine có thể gây ra nhiều vấn đề khác nữa mà không được chúng tôi liệt kê ở đây. Hãy trao đổi với các bác sĩ để biết rõ hơn về vấn đề này.
3. Thận trọng
Để bảo đảm an toàn khi sử dụng, bạn nên thông báo tất cả những thông tin về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh lý của bản thân với các bác sĩ. Đặc biệt là khi thuộc một trong số những trường hợp sau:
- Hen suyễn.
- Mắc bệnh phổi mãn tính.
- Từng bị co giật.
- Bị dị ứng với sulfite.
- Mắc các bệnh làm suy giảm hệ thống miễn dịch.
- Tăng nhãn áp.
- Tiểu tiện khó khăn hoặc mắc các vấn đề về đường tiểu.
- Viêm loét dạ dày.
- Bị bệnh tim.
- Huyết áp cao.
- Bệnh gan.
- Hạ canxi máu.
- Đã từng mắc các tác dụng phụ với bất kỳ phenothiazine nào khác.
- Phụ nữ đang mang thai và cho con bú.
4. Tương tác thuốc
Các loại thuốc có thể tương tác với Promethazine bao gồm:
- Thuốc kháng dị ứng (brompheniramine, cyproheptadine, diphenhydramin,…)
- Thuốc làm giãn cơ (cyclobenzaprine, methocarbamol, carisoprodol, tizanidin…)
- Thuốc giảm đau (meperidin, hydrocodone, oxycodone, levoranol…)
- Thuốc chống trầm cảm ( tranylcypromine, isocarboxazid…)
- Thuốc chữa trị các vấn đề về đường tiết niệu (oxybutynin, darifenacin, trospium…)
- Thuốc trị bệnh Parkinson (trihexyphenidyl, benztropine, amantadine).
- Thuốc chống co giật.
- Thuốc ngủ.
- Thuốc chữa đau dạ dày và các vấn đề về đường ruột (methscopolamine, hyoscyamine, dicyclomine,…)
Ngoài ra Promethazine có thể tương tác với nhiều loại thuốc khác mà không được chúng tôi liệt kê ở đây. Do đó, để tránh gặp những tình huống xấu trong quá trình điều trị, hãy cho các bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc mà bạn đang dùng, kể cả những loại vitamin và thảo dược.
5. Cách xử lý khi dùng thiếu/ quá liều
- Nếu quên liều: Hãy dùng bổ sung ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, khi đã gần đến thời gian dùng liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều cũ, không được tự ý tăng liều để bù vào.
- Dùng quá liều: Hãy gọi ngay cho các trung tâm y tế hoặc các bác sĩ để được hướng dẫn cách xử lý trong trường hợp này.