CÂY GIAO
Cây giao còn được gọi là cây xương khô, thuộc họ Thầu dầu. Thảo dược này có nguồn gốc từ Châu Phi và thường được sử dụng để điều trị các bệnh ngoài da, viêm xoang, đau buốt xương khớp, táo bón,…
1. Tên gọi, phân nhóm
Tên gọi khác: Cây xương khô, Cành giao, Lục ngọc thụ, Thanh san hô,…
Tên khoa học: Eurphoribia tirucalli L
Họ: Thầu dầu (danh pháp khoa học: Euphorbiceae)
2. Đặc điểm sinh thái
Mô tả:
Cây xương khô có chiều cao trung bình từ 4 – 8m. Thân to, đường kính bằng cổ tay. Cây có nhiều cành, mọc vòng xung quanh thân. Cành có hình tụ dài, hình dạng tương tự san hô (nên còn được gọi làn san hô xanh).
Lá chỉ mọc ở các cành nhỏ, lá hẹp và rụng rất sớm. Lá cây chỉ dài khoảng 12 – 16mm, rộng 2mm. Hoa mọc thành cụm, có bao chung nhỏ, nhị nhiều, nhụy có 3 vòi chẻ đôi. Quả nang, ít lông, hạt nhẵn, hình trái xoan.
Phân bố:
Thảo dược này có nguồn gốc từ Châu Phi. Được du nhập vào nước ta để trồng làm cảnh.
3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản
Bộ phận dùng: Toàn bộ cây được sử dụng để làm dược liệu.
Thu hái: Có thể thu hái quanh năm.
Chế biến: Dùng tươi hoặc phơi khô.
Bảo quản: Nơi thoáng mát.
4. Thành phần hóa học
Dược liệu này có chứa nhiều thành phần hóa học, gồm có: euphorbin A và F, cycloeucalenol, Y – taraxasteryl acetat, euphorginol, triterpen cycloeuphordenol,…
5. Tác dụng dược lý
+Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Tác dụng ức chế vi khuẩn: Cao ethanol của cành cây giao có khả năng ức chế Bacillus subtilis và vi khuẩn Staphylococcus aureus.
- Tác dụng ức chế thần kinh trung ương: Cao ethanol của thân non, nhựa mủ, lá cây giao có tác dụng ức chế thần kinh trung ương, giảm đau và chống co giật đối với động vật được thí nghiệm.
+Theo y học cổ truyền:
Tác dụng sát trùng, tiêu viêm, giải độc, thúc sữa, khu phong. Tuy nhiên cần chú ý khi dùng nhựa cây giao. Nhựa cây có độc, có thể gây phồng rộp, kích ứng da, làm mù mắt,…
- Ở Ấn Độ, nhựa cây giao được sử dụng để trị mụn cóc, đau thần kinh, trị ho, đau tai, thấp khớp, đau răng và hen suyễn.
- Ở Thái Lan, nhựa của cây giao cũng được sử dụng để trị mụn cóc.
- Ở Trung Quốc, toàn bộ cây giao được dùng để trị nấm ngoài da, thiếu sữa ở phụ nữ sau sinh và đau nhức xương khớp.
- Ở Indonesia, nhựa cây giao cũng được dùng để trị các bệnh ngoài da, mụn mủ, táo bón, bướu và được dùng như một loại thuốc tẩy.
- Ở nước ta, cành cây được dùng để trị liệt dương, viêm xoang, táo bón và một số bệnh ngoài da (theo Viện Dược liệu). Rễ của cây còn được dùng để trị trĩ và lở loét mũi. Ngoài ra, một số người còn sử dụng cành tươi để ngâm rượu nhằm chữa đau nhức răng.
6. Tính vị
Vị hơi chua, cay, tính mát và hơi có độc.
7. Qui kinh
Chưa có nghiên cứu.
8. Liều dùng, cách dùng
Cành và rễ thường được dùng để sắc thuốc uống. Nhựa mủ của cây có độc nên chỉ được dùng ngoài da, tuy nhiên cần tránh vùng da gần mắt và các vùng da mỏng, nhạy cảm.
9. Bài thuốc
Một số bài thuốc từ cây giao:
- Bài thuốc chữa đau răng: Hái 50g cành cây giao, rửa sạch và ngâm trong 100ml cồn 90 độ. Khi dùng, lấy một thìa cà phê cho vào cốc nước, hòa đều và ngậm súc miệng. Mỗi ngày ngậm khoảng 3 – 4 lần.
- Bài thuốc điều trị viêm xoang: Đem cành sắc lấy nước và đem xông mũi. Sau khi xông từ 2 – 3 lần sẽ thấy triệu chứng giảm rõ rệt.
10. Lưu ý
Cây giao có chứa độc do đó cần lưu ý và thận trọng khi sử dụng:
- Phụ nữ mang thai và cho con bú nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
- Không dùng nhựa mủ để trị bệnh ngoài da với những người có làn da nhạy cảm.
- Một số trường hợp có thể bị sốc phản vệ, phản ứng dị ứng với nhựa mủ từ cây giao. Nếu nhận thấy triệu chứng khó thở, nghẹn cổ họng, đau đầu, nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
Bài viết chỉ cung cấp thông tin mang tính chất tham khảo. Cần thảo luận trực tiếp với bác sĩ nếu bạn muốn áp dụng các bài thuốc từ cây giao. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định và hướng dẫn từ nhân viên y tế!