Thuốc Phenytoin ngăn ngừa và kiểm soát cơn động kinh: Liều lượng – Cách dùng
Thuốc Phenytoin là dẫn chất của hydantoin, có tác dụng ngăn ngừa và kiểm soát các cơn động kinh. Thuốc có thể gây lú lẫn, co giật nhãn cầu, tăng đường huyết,… nếu không thận trọng khi sử dụng.
- Tên thuốc: Phenytoin
- Phân nhóm: Thuốc hướng tâm thần
- Tên khác: Diphenylhydantoin
Những thông tin cần biết về thuốc Phenytoin
1. Tác dụng
Phenytoin là dẫn chất của hydantoin có tác dụng ngăn ngừa và kiểm soát các cơn động kinh. Thuốc hoạt động bằng cách ổn định màng, rút ngắn cơn phóng điện và hạn chế lan truyền phóng điện trong ổ động kinh.
Thuốc Phenytoin chỉ nên sử dụng đơn lẻ. Việc phối hợp Phenytoin với những loại thuốc chống động kinh khác có thể gây ra phản ứng phức tạp.
Phenytoin không được sử dụng cho cơn động kinh nhỏ. Tác dụng của thuốc yếu hơn so với Carbamazepin.
Thuốc có sinh khả dụng cao và hấp thu nhanh hơn nếu sử dụng cùng với thức ăn. Sau đó được chuyển hóa qua gan và thải trừ qua thận.
2. Chỉ định
Thuốc Phenytoin được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Cơn động kinh lớn.
- Một số cơn động kinh cục bộ.
- Động kinh tâm thần – vận động.
- Chứng đau thần kinh mặt.
Việc sử dụng thuốc Phenytoin phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Không sử dụng thuốc cho những mục đích không được đề cập trên bao bì.
3. Chống chỉ định
Chống chỉ định thuốc Phenytoin cho những trường hợp sau:
- Quá mẫn với bất cứ thành phần nào trong thuốc.
- Rối loạn chuyển hóa porphyrin.
Hoạt động của thuốc Phenytoin tác động trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương, vì vậy có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể.
Một số vấn đề sức khỏe có thể khiến bạn dễ gặp phải tác dụng phụ khi sử dụng loại thuốc này. Cần trình bày với bác sĩ tiền sử dị ứng và bệnh lý để được cân nhắc việc điều trị bằng Phenytoin.
4. Dạng bào chế – hàm lượng
Thuốc Phenytoin có những dạng bào chế và hàm lượng sau:
- Viên nén: 50mg, 100mg;
- Viên nang tác dụng nhanh và tác dụng kéo dài: 30mg, 100mg.
- Hỗn dịch: 30mg/ 5ml, 125mg/ 5ml.
5. Cách dùng – liều lượng
Tham khảo thông in trên tờ hướng dẫn đi kèm hoặc trao đổi với nhân viên y tế để biết cách sử dụng từng dạng bào chế của thuốc.
- Thuốc uống: Uống thuốc với nước lọc, nên nuốt trọn viên thuốc. Không cắn, bẻ, nhai hay nghiền thuốc – trừ khi có yêu cầu từ bác sĩ chuyên khoa. Uống thuốc sau bữa ăn để giảm kích ứng lên dạ dày.
- Thuốc tiêm: Được tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch. Nên lắc đều hỗn dịch trước khi dùng để thuốc được hòa tan hoàn toàn. Không nên tiêm bắp vì có thể gây kích ứng tại chỗ và hấp thu chậm.
Liều dùng Phenytoin được điều chỉnh tùy vào nhu cầu và đáp ứng của mỗi người bệnh.
Thuốc uống:
Liều dùng thông thường cho người trưởng thành và thiếu niên
- Liều khởi đầu: 100 – 125mg/ 3 lần/ ngày. Tăng liều sau 7 – 10 ngày.
- Liều dùng duy trì: 300 – 400mg/ ngày.
Liều dùng thông thường cho trẻ em
- Dùng 5mg/ kg/ ngày, chia thành 2 – 3 lần dùng
- Điều chỉnh liều trong trường hợp cần thiết nhưng không vượt quá 300mg/ ngày.
- Liều dùng duy trì: 4 – 8mg/ kg/ ngày, chia thành 2 – 3 lần.
Thuốc tiêm:
Bạn sẽ được tiêm tĩnh mạch Diazepam trước khi tiêm Phenytoin trong điều trị trạng thái động kinh.
Liều dùng thông thường cho người lớn và thiếu niên
- Dùng 15 – 20mg/ kg, tốc độ tiêm không quá 50mg/ phút.
- Liều duy trì: 100mg/ lần, tốc độ không vượt quá 50mg/ phút. Lặp lại sau 6 – 8 giờ.
Liều dùng thông thường cho trẻ em
- Dùng 15 – 20mg/ kg, tốc độ không quá 50mg/ phút.
Khi tiêm tĩnh mạch, nên chọn tĩnh mạch lớn và tiêm với tốc độ được yêu cầu. Tiêm nhanh có thể ức chế hệ thần kinh trung ương, hạ huyết áp và trụy tim mạch.
Bệnh nhân suy gan, người cao tuổi, bệnh nặng phải được giảm liều. Với bệnh nhân béo phì, cần cân chỉnh liều lượng phù hợp vì Phenytoin phân bố nhiều trong mô mỡ.
6. Bảo quản
Bảo quản thuốc ở nhiệt độ vừa phải, tránh ánh nắng trực tiếp và môi trường ẩm thấp.
Với thuốc hỗn dịch, không để thuốc bị đông lạnh. Đảm bảo hỗn dịch trong suốt khi sử dụng. Nếu thuốc bị vẩn đục hoặc đổi màu, cần xử lý thuốc theo hướng dẫn.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Phenytoin
1. Thận trọng
Ngưng thuốc đột ngột có thể gây co giật nặng. Cần giảm liều từ từ trước khi ngưng hẳn. Một số bệnh lý có thể tăng nguy cơ khi sử dụng thuốc, bao gồm: bệnh gan, thiếu hụt vitamin B12, tiểu đường, lupus,…
Thuốc Phenytoin có thể gây buồn ngủ, chóng mặt và giảm thị lực. Không lái xe, vận hành máy móc, hoạt động trên cao, tính toán,… trong thời gian điều trị. Sử dụng rượu và đồ uống có cồn làm ảnh hưởng đến nồng độ thuốc trong máu, đồng thời làm tăng tác dụng phụ của thuốc.
Phenytoin có thể làm tăng lượng đường trong máu. Nếu sử dụng cho bệnh nhân tiểu đường, cần kiểm tra nồng độ glucose trong máu và nước tiểu thường xuyên.
Thuốc Phenytoin có thể gây nhuyễn xương, người bệnh có nguy cơ nên bổ sung vitamin D để hạn chế tác dụng phụ này.
Phenytoin có thể tăng nguy cơ khuyết tật ở thai nhi. Vì vậy cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chỉ định thuốc cho phụ nữ mang thai. Thuốc Phenytoin đi vào sữa mẹ nhưng với nồng độ thấp. Do đó phụ nữ cho con bú vẫn có thể dùng thuốc trong trường hợp cần thiết.
Phenytoin làm giảm tác dụng của thuốc tránh thai. Vì vậy cần sử dụng những biện pháp ngừa thai khác để hạn chế thụ tinh. Nếu bạn có thai trong thời gian dùng thuốc, hãy thông báo với bác sĩ để nhận được tư vấn chuyên môn.
2. Tác dụng phụ
Tác dụng phụ của thuốc Phenytoin có xu hướng xuất hiện ở bệnh nhân cao tuổi, tiểu đường, suy gan,… Hoặc người sử dụng liều đầu tiên với hàm lượng cao.
Tác dụng phụ thường gặp:
- Mất điều hòa
- Ngoại ban
- Rối loạn thị giác
- Buồn ngủ
- Chóng mặt
- Nồng độ acid folic trong huyết thanh thấp
- Tăng sản lợi
- Rung giật nhãn cầu
- Run đầu chi
- Tăng transaminase
- Rậm lông
- Mề đay
Tác dụng phụ ít gặp:
- Nôn mửa
- Bệnh hạch lympho (sưng hạch bạch huyết, sốt và ngoại ban)
- Buồn nôn
- Khó tiêu
Tác dụng phụ hiếm gặp:
- Thiếu máu bất sản
- Giảm tiểu cầu
- Giảm bạch cầu hạt
- Thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ
- Giảm bạch cầu
- Block nhĩ thất
- Viêm gan
- Hội chứng Stevens-Johnson
- Nhuyễn xương
- Tăng đường huyết
- Lú lẫn
Nhằm giảm thiểu mức độ của tăng sản lợi, người bệnh và nhân viên y tế sẽ phối hợp làm vệ sinh răng trong 10 ngày đầu sử dụng Phenytoin.
3. Tương tác thuốc
Thận trọng khi sử dụng Phenytoin với bất cứ loại thuốc nào khác.
Những loại thuốc có khả năng tương tác với Phenytoin:
- Dẫn chất indandion, cimetidine, phenylbutazon, salicylate, coumarin, chloramphenicol, isoniazid, ranitidine, sulfonamide: Làm giảm chuyển hóa Phenytoin và tăng nồng độ thuốc trong huyết thanh.
- Amiodaron: Làm tăng nồng Phenytoin trong huyết thanh.
- Estrogen, ciclosporin, doxycycline, levodopa, carbamazepine, corticosteroid, glycoside của digitalis, furomid: Phenytoin làm giảm tác dụng của những loại thuốc này.
- Phenothiazin, haloperidol, thuốc chống trầm cảm ba vòng, chất ức chế mono-aminoxidase: Gây hạ thấp ngưỡng co giật và làm giảm tác dụng điều trị của Phenytoin.
- Muối calci: Sử dụng đồng thời với Phenytoin làm giảm sinh khả dụng của cả 2 loại thuốc.
- Ketoconazole, miconazole, fluconazole: Làm giảm chuyển hóa Phenytoin và tăng nồng độ Phenytoin trong máu.
- Nifedipin, verapamil: Làm thay đổi nồng độ Phenytoin.
- Omeprazole: Gây ức chế cytochrome P450 ở gan và giảm chuyển hóa Phenytoin.
- Rifampicin: Kích thích chuyển hóa thuốc Phenytoin.
- Acid valproic: Ức chế chuyển hóa Phenytoin, đồng thời đẩy Phenytoin ra khỏi liên kết với protein có trong huyết tương.
- Theophylin, caffeine, aminophylin: Sử dụng chung với Phenytoin gây ức chế hấp thu Phenytoin và kích thích chuyển hóa những loại thuốc này.
4. Quá liều và cách xử trí
Sử dụng Phenytoin quá liều có thể gây ra các triệu chứng như nhịp tim nhanh, hạ huyết áp, loạn nhịp tim, nhức đầu, rối loạn thị giác, hạ đường huyết, ỉa chảy, nôn mửa, buồn nôn, rung giật nhãn cầu,…
Vì không có thuốc điều trị đặc hiệu nên bác sĩ sẽ gây nôn, sục rửa dạ dày, dùng than hoạt,… để giảm hấp thu và tăng bài tiết thuốc. Ngoài ra có thể tiêm tĩnh mạch norepinephrine để duy trì huyết áp.