Cà độc dược: Công dụng, cách dùng và thận trọng khi sử dụng
Cà độc dược có thể dùng để chữa bệnh viêm xoang, hen suyễn, điều trị đau thần kinh tọa, chữa mụn nhọt, nôn mửa… Sử dụng không đúng cách có thể khiến bệnh nhân gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, nắm rõ các thông tin về loại thảo dược này sẽ giúp bệnh nhân dùng thuốc được an toàn.
I/ Các thông tin cần biết về thảo dược cà độc dược
1. Tên gọi
- Tên gọi khác: Mạn đà la (hoa trắng), cà diên, cà lục dược, sùa tùa, hìa kía phiếu…
- Tên khoa học: Datura metel
- Họ: Cà
2. Đặc điểm hình thái và phân bố
+ Đặc điểm hình thái:
Cà độc dược được chia thành 3 loại:
- Cà độc dược có hoa trắng, cành xanh, thân xanh.
- Cà độc dược có hoa đốm tím, cành xanh, thân xanh.
- Loại thứ 3 là loại cà lai của 2 loại trên.
Dù là thuộc loại nào thì cà độc dược cũng có các đặc điểm chung như sau: Là một loại cây thân thảo, cao chừng 1- 2 m, sống quanh năm. Bề mặt của thân cây nhẵn nhưng vẫn xuất hiện nhiều chấm nhỏ. Ở những bộ phận non trên cây và cành xuất hiện nhiều lông trắng. Lá của loại thảo dược này thuộc loại lá đơn, mọc cách nhau. Tuy nhiên, khi đến gần ngọn cành thì chúng mọc thành từng vòng và đối nhau. Phiến lá cứng,, méo có hình xẻ răng cưa hoặc lượn sóng. Trên bề mặt có màu xanh xám, phía dưới lại có màu xanh nhạt, khi đang non có nhiều lông.
Hoa có màu trắng hoặc vàng. Chúng không mọc thành chùm mà mọc đơn độc ở nách lá, các cánh hoa dính liền với nhau tạo thành hình phễu, có chiều dài chừng 16 – 18cm. Khi héo, chúng để lại một phần, từ phần này sẽ hình thành nên quả giống hình mâm. Quả có gai, hình cầu, đường kính khoảng 3cm, màu xanh nhưng khi chín lại nở thành 4 mảnh. Trong quả chứa nhiều hạt nhăn nheo có màu nâu vàng.
*) Phân bố:
Loại cây này có nguồn gốc từ đất nước Mexico và Peru. Ở Việt Nam, chúng thường mọc hoang ở những vùng đất hơi ẩm, mùn. Ngày nay, cà độc dược cũng được trồng ở nhiều nơi như các tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre, Kiên Giang, Hậu Giang, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Hải Dương… với mục đích vừa để làm cảnh, vừa chữa bệnh.
3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
- Bộ phận dùng: Lá và hoa
- Thu hái: Lá bánh tẻ của cây cà độc dược được thu hái lúc cây chuẩn bị hoặc đang ra hoa. Hoa thường được hái vào mùa thu.
- Chế biến: Lá và hoa sau khi thu hái sẽ đem đi phơi khô dưới ánh nắng mặt trời hoặc sấy nhẹ.
4. Tính vị, quy kinh
Theo các ghi chép của Đông y, cà độc dược có tính ôn, vị cay, là một loại thực vật chứa độc. Vào ai kinh phế và vị, được liệt vào nhóm thuốc chữa bệnh hen suyễn.
5. Thành phần hóa học
Kết quả nghiên cứu về loại thảo dược này cho thấy, trong thành phần của cà độc dược chứa nhiều ancaloid mà chủ yếu là hoạt chất scopolamin. Ngoài ra, còn có các chất khác như flavonoid, hyoscyamin, atropin, tanin… nhưng với lượng không đáng kể.
6. Tác dụng dược lý
Tác dụng dược lý chủ yếu của cà độc dược chủ yếu là do ancaloid mang lại. Chúng có khả năng làm giãn đồng tử, giãn phế quản, gây khô nước bọt, dịch vị, mồ hôi. Đồng thời có thể giảm nhu động ruột và dạ dày nếu những cơ quan này đang co thắt. Do đó, mạn đà la được dùng để điều trị nhiều bệnh lý như:
- Hen suyễn
- Phong thấp đau nhức
- Điều trị chứng co thắt dạ dày – ruột
- Chống say sóng, nôn khi đi tàu xe
- Chữa đau thần kinh tọa, động kinh
- Đau răng
- Lòi dom
- Dùng đắp ngoài có thể chữa dị ứng, mụn nhọt.
7. Thận trọng
Lá cà độc dược chống chỉ định cho các trường hợp bị hen suyễn do nhiễm khuẩn đường hô hấp, thiên đầu thống, tăng huyết áp. Thêm vào đó, những người bị suy tim, phụ nữ đang mang thai và cho con bú, người bị rối loạn tâm thần cũng cần phải đặc biệt thận trọng khi sử dụng.
Chưa hết, theo các nghiên cứu cho thấy trong thành phần của thân cây cà độc dược có chứa chất atropin. Lá, hoa, thân còn có độc chất hydoxin. Cả atropin và hydoxin đều thuộc nhóm độc bảng A. Nếu sử dụng không đúng cách có thể khiến bệnh nhân bị ngộ độc, đe dọa đến tính mạng. Vì vậy việc điều trị bệnh bằng cà độc dược nhất thiết phải tuân thủ theo sự chỉ định của bác sĩ và các lương y có chuyên môn. Tuyệt đối không được tự ý dùng loại thảo dược này.
Các triệu chứng ngộ độc nặng hay nhẹ còn tùy thuộc vào liều lượng mà bệnh nhân sử dụng. Thông thường, bệnh nhân sẽ có chung các triệu chứng như khô miệng, nhịp tim đập chậm, cơ thể giảm tiết mồ hôi. Nếu dùng ở liều cao hơn, bệnh nhân có thể bị giãn đồng tử, tim đập nhanh, bị ảo giác, da khô nóng đỏ, mê sảng và có thể bị hôn mê. Khi thấy cơ thể có các biểu hiện bất thường trên, hãy nhanh chóng liên hệ với các cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
II/ Các bài thuốc chữa bệnh từ cà độc dược
Tùy vào mục đích điều trị mà các bài thuốc chữa bệnh từ cà độc dược cũng được áp dụng theo các cách khác nhau. Dưới đây là những bài thuốc chữa bệnh được dùng phổ biến từ mạn đà la:
*) Chữa bệnh hen suyễn, ho:
Cách thực hiện bài thuốc này như sau: Lấy lá cà độc dược thái nhỏ, phơi hoặc sấy khô. Cuộn chúng vào một tờ giấy với hình dạng tương tự như một điếu thuốc lá. Tiếp đó, dùng bật lửa, châm một đầu, đầu còn lại cho vào miệng và hút lấy hơi. Lưu ý, mỗi ngày bệnh nhân chỉ được sử dụng khoảng 1g thuốc, thực hiện thường xuyên sẽ thấy hiệu quả.
*) Trị viêm xoang:
Lấy một lon sữa đã dùng hết, khoét rỗng một đầu. Sau đó cho ít lá cà độc dược đã cắt nhỏ vào rồi đậy nắp kín. Đem lon thuốc bắc lên bếp và đun với ngọn lửa nhỏ. Cứ đun cho đến khi thấy khói bay ra thì lấy một tờ giấy lớn cuộn nó lại thành hình cái phễu. Dùng nó để hứng khói bay ra từ lon sữa cho vào mũi. Hít làn khói này bằng mũi và thở ra bằng miệng, thực hiện khoảng 3 – 6 phút là được. Để đạt được hiệu quả như mong muốn, hãy thực hiện cách này 2 lần mỗi ngày, kiên trì trong khoảng 30 ngày. Làn khói của cà độc dược sẽ giúp tiêu diệt vi khuẩn bên trong hốc xoang, từ đó giúp bệnh mau khỏi.
*) Chữa đau thần kinh tọa:
Đem lá cà độc dược tươi hơ nóng lên trên bếp lửa. Sau đó đắp chúng vào vị trí bị đau nhức. Ngày thực hiện một lần, kiên trì khoảng 1 tuần sẽ thấy hiệu quả tốt.
*) Điều trị đau nhức xương khớp:
Để chữa đau nhức xương khớp bằng lá cà độc dược, hãy lấy cành, lá, hoa của nó đem ngâm với rượu. Sau đó, lấy loại rượu này để xoa bóp vào những chỗ bị đau. Thực hiện thường xuyên sẽ thấy tác dụng giảm đau rõ rệt.
*) Chữa mụn nhọt, sưng đau:
Cũng tương tự như cách chữa đau nhức xương khớp, lấy rượu lá cà độc dược để đắp lên nốt mụn sẽ mang lại tác dụng giảm đau rõ rệt.
*) Trị nôn mửa:
Đem lá cà độc dược tươi rửa sạch, để ráo rồi ngâm với rượu. Mỗi ngày dùng khoảng 10 – 15 giọt sẽ ngăn được tình trạng nôn mửa cho bản thân.
Trên đây là các bài thuốc chữa bệnh từ cà độc dược. Loại thảo dược này có thể gây ngộ độc cho người sử dụng. Do đó, nếu không may gặp phải tình trạng này, hãy nhanh chóng loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể bằng cách sau: Nếu đối tượng bị ngộ độc là người trưởng thành, uống nước chè đặc để gây nôn, rửa dạ dày. Tiếp đó, giữ ấm cho cơ thể và yên tĩnh cho bệnh nhân. Hoặc khi bị ngộ độc nhẹ mà bệnh nhân còn tỉnh táo, có thể áp dụng bài thuốc giải độc: Chuẩn bị 400g vỏ đậu xanh, 100g liên kiều, 10g cam thảo, 200g kim ngân hoa. Đem chúng cho vào nồi và sắc lên cùng với 3 bát nước. Đun cho đến khi nước cạn còn khoảng 1 bát thì dùng để uống từng ngụm nhỏ. Nó cũng sẽ giúp giải độc cho bệnh nhân. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn thì tốt nhất hãy đến ngay các cơ sở y tế để được xử lý khi thấy có dấu hiệu ngộ độc.
ThuocDanToc.vn không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.