CÂY SÂM ĐẤT
Cây sâm đất là thảo dược quý, có tác dụng nhuận tràng, long đờm, lợi niệu, tăng lượng nước tiểu,… Dược liệu này được ứng dụng vào bài thuốc trị mệt mỏi, chóng mặt, cao huyết áp, tiểu đường, ghẻ lở, áp xe,…
1. Tên gọi, phân nhóm
Tên gọi khác: Sâm nam, Sâm quy bầu, Sâm rừng,…
Tên khoa học: Boerhavia diffusa L.
Họ: Hoa phấn (danh pháp khoa học: Nyctaginaceae).
Phân nhóm: Sâm mồng tơi (Talium fruicosum), thuộc họ Rau sam; Sâm nam (Boerhavia diffusa L.), thuộc họ Hoa phấn; Thổ nhân sâm (Talium paniculatum), thuộc họ Rau sam.
2. Đặc điểm sinh thái
Mô tả:
Sâm đất là cây thân cỏ, sống dai. Thân cây mọc sát đất, có màu đỏ nhạt. Lá sâm đất mọc đối xứng, phiến lá hình xoan tròn dài hoặc hình bánh bò, mép lượn sống, có cuống, mặt dưới lá có nhiều lông màu trắng lục. Hoa mọc thành cụm, mỗi cụm có khoảng 3 hoa, không cuống. Hoa có màu đỏ tía, mỗi hoa có từ 1 – 2 nhị. Quả sâm đất có hình trụ, bên ngoài bao phủ lông dính và phồng nhẹ ở đầu.
Sâm đất ra hoa, sai quả quanh năm nhưng tập trung nhiều vào tháng 4 – 6.
Phân bố:
Cây sâm đất mọc hoang ở nhiều nơi, tập trung nhiều ở các vùng trung du miền núi.
3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản
+Bộ phận dùng: Rễ và lá cây sâm đất được dùng làm thuốc.
+Thu hái: Thời điểm thu hái rễ sâm đất thích hợp nhất là vào mùa thu, lá có thể thu hái quanh năm.
+Chế biến: Đem rửa sạch, sau đó phơi hoặc sấy khô.
+Bảo quản: Nơi khô thoáng.
4. Thành phần hóa học
Rễ sâm đất có chứa 0.01% punarnavine – một alkaloid có hoạt tính. Tổng số alkaloid trong rễ chiếm khoảng 0.04%. Ngoài ra, rễ sâm đất còn chứa nitrat kalium, chất gôm, tinh bột,…
5. Tác dụng dược lý
+Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Sâm đất có thể kích thích D – amino oxidase và ức chế succinic dehydrogenase ở thận. Từ đó thúc đẩy tiểu tiện.
- Cao nước từ thảo dược này gây tiết niệu trong giai đoạn đầu của bệnh thận và gan. Tác dụng lợi niệu của hoạt chất punarvanin tăng lên nhờ vào lượng kali trong toàn cây.
- Tiêm punarvanin vào tĩnh mạch mèo nhận thấy tăng tiết niệu và huyết áp kéo dài.
- Cao sâm có tác dụng giảm phù, tăng tiết niệu, cải thiện triệu chứng, tăng protein huyết thanh, làm giảm albumin niệu và giảm cholesterol huyết thanh trong thực nghiệm lâm sàng điều trị hội chứng thận hư.
- Cao cồn của sâm đất còn có tác dụng tăng hiệu suất tiết niệu ở chuột cống trắng và chống viêm. Tác dụng chống viêm có thể so sánh với corticosteroid.
+Theo y học cổ truyền:
- Rễ sâm đất nhuận tràng, long đờm, lợi niệu, tăng lượng nước tiểu. Tuy nhiên dùng liều cao có thể gây đổ nhiều mồ hôi, gây nôn mửa.
- Tác dụng giải độc, hoạt huyết.
- Chống co giật.
Ở Ấn Độ, sâm đất được xem là vị thuốc trợ tim, nhuận tràng, long đờm, trị phù, cổ trướng, bệnh lậu, thuốc bổ dạ dày, bảo vệ gan, lợi tiểu, trị đái són, vàng da, lách to và các viêm nội tạng khác. Nước sắc từ rễ cây còn có tác dụng trị quáng gà và loét giác mạc.
Ở nước ta, rễ sâm đất thường được dùng để trị bệnh gan, phù thũng và ho.
Ở Malaysia, nước sắc từ thân, lá, hoa của cây sâm đất được dùng để lợi tiểu. Rễ của cây được dùng để trị giun, hạ sốt.
Ở Tây Phi, nước sắc từ rễ sâm đất được dùng để tẩy giun, trị loét và áp xe. Nước sắc từ lá và rễ lại có tác dụng long đờm. Toàn bộ cây được dùng để trị áp xe, nhọt và ghẻ.
6. Tính vị
Vị hơi đắng, tính hàn, ít độc.
7. Qui kinh
Chưa có nghiên cứu.
8. Liều dùng, cách dùng
Có thể dùng cây sâm đất ở dạng nước sắc, dạng bột, cao lỏng, cao cồn,… Dùng đơn lẻ hoặc kết hợp với các loại thảo dược khác.
Hiện tại chưa có đủ cơ sở khoa học để xác định liều dùng mỗi ngày. Liên hệ với bác sĩ nếu có ý định dùng sâm đất dài ngày hoặc liều cao.
9. Bài thuốc
Một số ứng dụng lâm sàng của cây sâm đất:
- Bài thuốc chữa tiểu đường: Dùng sâm đất tươi 75g hoặc dùng sâm đất khô 25g, đem sắc với 1 lít nước uống mỗi ngày. Sử dụng liên tục sẽ giúp ổn định hàm lượng đường trong máu.
- Bài thuốc chữa cao huyết áp: Dùng hoa của cây sâm đất (tươi) 12g, đem sắc với một lượng nước vừa đủ. Uống hàng ngày để điều hòa huyết áp, đồng thời kiểm soát tình trạng huyết áp tăng đột ngột.
- Bài thuốc chữa ghẻ lở, mụn nhọt, ngứa: Dùng thân và lá cây sâm đất nấu nước, gia thêm ít muối. Để nước nguội và dùng tắm để làm giảm ghẻ ngứa. Hoặc giã nát lá tươi và đắp trực tiếp lên vùng bị mụn nhọt để làm giảm sưng đau.
- Bài thuốc chữa viêm thận, sỏi thận, giải độc gan, sỏi bàng quang: Dùng củ sâm đất phơi khô, đem tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng 10g hòa tan với 1 lít nước, chia thành nhiều lần uống trong ngày. Hoặc dùng 2 – 5g bột pha với rượu, dùng trong ngày. Duy trì bài thuốc liên tục trong 7 ngày.
- Bài thuốc trị kinh nguyệt không đều, viêm phổi: Dùng 40 – 80g củ sâm đất, đem sắc uống mỗi ngày. Duy trì bài thuốc cho đến khi bệnh dứt điểm.
- Bài thuốc chữa viêm khớp: Ngâm sâm đất với một vài vị thuốc Đông y với rượu, dùng uống hằng ngày để cải thiện các cơn đau nhức.
- Bài thuốc trị mệt mỏi, choáng váng, chóng mặt: Dùng rễ sâm đất 8g, thân sâm đất 8g đem sắc với 250ml nước. Chia thành nhiều lần uống và dùng hết trong ngày. Duy trì bài thuốc trong 7 ngày sẽ nhận thấy tác dụng.
- Bài thuốc giải nhiệt mùa nắng nóng: Dùng rễ sâm đất 6g đem sắc với 200ml nước, còn lại 50ml dùng uống hằng ngày.
- Bài thuốc trị ho do viêm phổi và trị kinh nguyệt không đều: Dùng củ sâm đất 40 – 80g đem sắc uống, dùng hết trong ngày.
- Bài thuốc bồi bổ cơ thể, trị đái dầm, ra nhiều mồ hôi, thiếu sữa ở phụ nữ sau sinh: Dùng sâm đất 30 – 35g đem sắc uống. Duy trì bài thuốc trong vòng 1 tuần đến 10 ngày.
10. Lưu ý
Thận trọng khi dùng sâm đất cho trẻ nhỏ và phụ nữ đang mang thai.
Thông tin trong bài viết về dược liệu sâm đất chỉ mang tính chất tham khảo. Vui lòng trao đổi với bác sĩ nếu có ý định áp dụng những bài thuốc từ thảo dược này.