CÂY ĐẠI BI

Cây Đại bi hay còn gọi là Từ bi xanh, là một loại dược liệu có hoa thuộc chi Đại bi. Dược liệu này mang trong mình tính ấm, vị cay, đắng, mùi thơm nóng có tác dụng điều trị chấn thương, bệnh về xương khớp. Nước sắc dược liệu có khả năng điều trị mụn nhọn, ghẻ ngứa và một số bệnh ngoài da khác.

Cây Đại bi
Thông tin cơ bản về đặc điểm sinh thái, tác dụng dược lý và những bài thuốc chữa bệnh từ Cây Đại bi

Tên gọi, phân nhóm

Tên gọi khác: Từ bi xanh, cây cúc tần, đại ngải, mai hoa não, mai phiến, ngải nạp hương, long não hương, mai hoa băng phiến, phặc phà (Tày), co nát (Thái).

Tên khoa học: Blumea balsamifera

Thuộc: Chi Đại bi (danh pháp khoa học: Blumea)

Họ: Cúc (danh pháp khoa học: Asteraceae)

Đặc điểm sinh thái

Mô tả

Cây Đại bi là một loại cây nhỏ có chiều cao từ 1 – 2m. Thân cây có khía rãnh phân cành ở ngọn. Lá dược liệu mọc so le, phiến lá hình bầu dục, có chiều rộng từ 3 – 6cm, chiều dài từ 8 – 30cm. Gân lá xuất hiện chằng chịt tạo thành một mạng lưới lộ rõ ở cả hai mặt lá. Mặt dưới của lá có màu trắng nhạt và có lông nhạt. Mặt trên của lá ít lông và có màu lục sẫm. Mép lá thường nguyên hoặc xẻ thành nhiều răng cưa. Ở gốc lá thường có 2, 4 hoặc 6 thùy nhỏ. Điều này xuất hiện là do phiến lá dưới xẻ rất sâu. Khi vò lá, băng phiến sẽ phát ra mùi thơm dễ chịu.

Hoa dược liệu mọc thành cụm, hình ngù ở kẽ lá và đầu cành. Mỗi cụm hoa gồm nhiều đầu màu vàng, cuống ngắn. Trên hoa xuất hiện nhiều lông tơ, đầu có đường kính từ 8 – 10mm. Lá bắc thường xếp thành nhiều hàng nhưng không đều nhau. Trong đầu lá có nhiều hoa cái mọc xung quanh, hoa lưỡng tính mọc ở phần giữa. Màu lông có màu gỉ sắt. Tràng hoa cái xuất hiện với hình ống có 3 răng. Tràng hoa lưỡng tính hình trụ, có 5 răng, 5 nhị, bầu hình trụ, lông ít, có chùm lông ở đỉnh. Toàn cây có lông trắng, mềm và có mùi thơm như long não. Hoa quả thường xuất hiện vào tháng 3 – 5.

Phân bố

Cây Đại bi xuất hiện nhiều ở Việt Nam, Trung Quốc. Ngoài ra, dược liệu còn phân bố nhiều ở các nước nhiệt đới Nam Á, từ Ấn Độ đến Malaysia, Philippin, Inđônêxia…

Ở Việt Nam, dược liệu mọc hoang ở khắp nơi tại vùng đồng bằng, trung du. Chúng thường xuất hiện ở quanh làng, ven đường hoặc trên những đồng cỏ. Bên cạnh đó, dược liệu còn xuất hiện tại những đồi núi đã phát quang và có nhiều ánh sáng. Dược liệu thường mọc thành bãi khá rộng.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản

Bộ phận dùng: Lá cây Đại bi.

Thu hái: Thu hái quanh năm, chủ yếu vào mùa hạ.

Chế biến: Vào mùa thu và mùa hạ, thu hái toàn thân dược liệu, dùng tươi, sấy hoặc phơi khô sắc thành nước thuốc hoặc cao. Có thể dùng lá non và búp rửa sạch, chưng cất. Sau đó cho thăng hoa thành Mai hoa băng phiến (hay còn gọi là Long não Đại bi).

Bảo quản: Để được liệu tại những nơi thoáng mát, tránh ẩm ướt.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và cách bảo quản cây Đại bi
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và cách bảo quản cây Đại bi

Thành phần hóa học

Toàn thân cây Đại bi có chứa tinh dầu cùng với những hoạt chất có tên: Vitamin C, Protit, lipit, xenluloza, caroten, anxi, Fe. Lá dược liệu chứa 0,2 – 1,8% tinh dầu. Trong đó thành phần chủ yếu là D-borneol, cineol, limonen, L-camphor, acidmyristic, aicd palmitic và sesquiterpen alcol. Borneol là thành phần chính của hoa dược liệu (mai hoa băng phiến, băng phiến đại bi). Đây là một chất có tinh thể óng ánh và có màu trắng như hoa mai.

Tác dụng dược lý

Theo nghiên cứu dược lý hiện đại

  • Điều trị gai cột sống, đau nhức xương khớp
  • Điều trị sốt, cảm mạo
  • Điều trị bí tiểu
  • Tăng cường hệ tiêu hóa
  • Kháng khuẩn, chống nấm
  • Làm giảm đau.

Theo Y học cổ truyền

Cây Đại bi có tác dụng điều trị những bệnh lý sau:

  • Viêm họng, long đờm
  • Cảm cúm, ho, sổ mũi
  • Đau ngực, đau bụng, co thắt, đau dạ dày, chân răng loét, đau răng
  • Đi ngoài có phân lỏng, đầy bụng khó tiêu
  • Đau lưng, đau bụng sau khi sinh, sản hậu
  • Viêm mủ da, ngứa da
  • Dùng ngoài điều trị vết thương, chấn thương
  • Chữa ngất hôn mê, tan máu bầm…

Ngoài ra lá dược liệu còn có tác dụng chống nấm, kháng khuẩn, giải nhiệt cơ thể, hạ sốt. Thuốc đắp từ lá cây Đại bi có tác dụng điều trị bệnh trĩ. Dùng lá dược liệu giã nhỏ trộn chung với rượu có tác dụng làm giảm tình trạng đau khớp, đau cơ. Thuốc sắc lá dược liệu thường được dùng để tắm cho trẻ em và phụ nữ sau sinh. Nước sắc từ lá và rễ dược liệu dùng để hạ sốt, chữa đau dạ dày.

Ở Ấn Độ, người ta dùng cây Đại bi để chữa chứng mất ngủ, bệnh cao huyết áp, thần kinh bị kích thích. Dùng toàn thân hoặc dùng 15 – 30 gram rễ, 6 – 12 lá sắc lấy nước uống. Ở Philippin, dược liệu có tác dụng điều trị sỏi thận, bệnh lỵ, tiêu chảy, long đờm, lợi tiểu, giảm huyết áp.

Tính vị

Tính mát, hơi đắng.

Qui kinh

Qui vào hai kinh phế và thận.

Liều dùng và cách dùng

Liều dùng

Dùng 6 – 12 gram lá, 15 – 30 gram rễ mỗi ngày.

Cách dùng

  • Dùng trong: Có thể dùng tươi, phơi khô hoặc sấy khô sắc lấy thuốc uống hoặc nấu thành cao.
  • Dùng ngoài: Rửa sạch, giã nát, dùng riêng hoặc ngâm với rượu đắp ngoài da.
Liều dùng và cách dùng cây Đại bi
Liều dùng và cách dùng cây Đại bi

Bài thuốc

Những bài thuốc chữa bệnh từ cây Đại bi:

  • Bài thuốc từ cây Đại bi điều trị bệnh viêm họng mãn tính, viêm amidan: Dùng 1 gram hoa dược liệu rửa sạch với nước muối, 2,5 gram phèn chua phi khô, 2 gram hoàng bá đã đốt thành than, 3 gram đăng tâm thảo đốt thành than. Tán nhỏ tất cả nguyên liệu, sau đó cho vào bình thủy tinh có nắp đậy và bảo quản tại nơi khô ráo. Mỗi lần dùng lấy 3 – 4 gram bột dược liệu thổi vào cổ họng.
  • Bài thuốc từ cây Đại bi điều trị hôn mê, chứng phong cấm khẩu: Dùng hoa dược liệu rửa sạch với nước muối, để ráo. Sau đó xát mạnh vào chân răng.
  • Bài thuốc từ cây Đại bi điều trị ho: Dùng 200 gram dược liệu, 50 gram lá chanh, 100 gram rễ cà gai leo, 100 gram củ sả, 100 gram rễ thủy xương bồ, 50 gram trần bì. Mang tất cả dược liệu rửa sạch với nước muối, phơi khô dưới bóng râm. Cắt nhỏ nguyên liệu và cho vào nồi cùng với 700ml nước. Đun sôi dược liệu trong 5 phút. Sau đó lọc rồi thêm 300ml xi rô để tạo thành 1 lít cao. Dùng 40ml/ngày, chia làm 2 lần uống cho đến khi bệnh tình thuyên giảm.
  • Bài thuốc từ cây Đại bi điều trị phong thấp, bị thương đau nhức, đi ngoài, đau bụng lạnh da, cảm ngất không tỉnh: Dùng 20 – 30 gram lá dược liệu rửa sạch với nước muối. Cho dược liệu vào nồi cùng với 400ml nước, sắc lấy thuốc uống. Hoặc cho lá dược liệu đã rửa vào cối và thực hiện giã nát. Chắt lấy phần nước, bỏ bã để lấy tinh dầu. Uống 3 – 4 lần/ngày, mỗi lần uống 6 giọt.
  • Bài thuốc từ cây Đại bi điều trị lở ngứa, bị thương sưng đau: Dùng lá dược liệu rửa sạch với nước muối. Cho dược liệu vào nồi cùng với 1 lít nước. Nấu và ngâm rửa chỗ đau. Kết hợp với giã nát lá dược liệu và đắp vào chỗ đau.
  • Bài thuốc từ cây Đại bi điều trị cảm mạo, ho, nóng sốt: Dùng 5 – 12 gram lá dược liệu rửa sạch với nước muối. Cho dược liệu vào nồi cùng với 500ml nước. Thực hiện sắc thuốc cho đến khi lượng nước trong nồi chỉ còn lại 200ml. Để nguội bớt và uống trong ngày. Hoặc dùng lá dược liệu kết hợp với lá chanh, lá bưởi, lá sả, mỗi thứ một nắm. Rửa sạch và cho vào nồi nước đun sôi. Dùng khăn trùm kín cả người và nồi nước dược liệu. Thực hiện xông trong 30 phút. Dùng khăn lau khô mồ hôi sau khi xông. Thực hiện xông 1 lần/ngày.
  • Bài thuốc từ cây Đại bi điều trị chân răng thối loét: Dùng 10 gram hoa dược liệu và 10 gram phèn phi rắc vào chỗ đau.
  • Bài thuốc từ cây Đại bi điều trị ghẻ: Dùng 10 gram lá dược liệu, 10 gram lá hồng bì dại rửa sạch với nước muối. Cho nguyên liệu vào cối và thực hiện giã nát. Chắt lấy phần nước đặc, bỏ bã. Dùng tăm bông thấm nước cốt dược liệu và bôi vào chỗ đau.
  • Bài thuốc từ cây Đại bi điều trị long đờm: Dùng 10 gram lá dược liệu, 10 gram lá câu đằng rửa sạch với nước muối. Cho nguyên liệu vào cối và thực hiện giã nát. Chắt lấy phần nước đặc, bỏ bã. Uống 1 lần/ngày.
  • Bài thuốc từ cây Đại bi điều trị đau bụng kinh: Dùng 30 gram rễ dược liệu và 15 gram ích mẫu rửa sạch với nước muối. Cho dược liệu vào nồi cùng với 700ml nước, sắc lấy thuốc uống.
  • Bài thuốc từ cây Đại bi điều trị nhức đầu, cảm cúm: Dùng lá dược liệu, lá quýt, lá bưởi, lá chanh, sả, mỗi loại 10 gram. Mang tất cả nguyên liệu rửa sạch với nước muối. Cho dược liệu vào nồi cùng với 800 ml nước, sắc lấy thuốc uống. Kết hợp xông thuốc cho ra mồ hôi
  • Bài thuốc từ cây Đại bi điều trị thấp khớp: Dùng 20 gram thân và rễ dược liệu đã phơi khô, 20 gram thiên niên kiện, 20 gram bạch chỉ, 20 gram ké đầu ngựa rửa sạch với nước muối. Cho tất cả dược liệu vào nồi và thực hiện sắc thuốc cùng với 1 lít nước trong 30 phút hoặc cho đến khi lượng nước trong nồi chỉ còn lại một nửa. Để nguội bớt và uống trong ngày.
  • Bài thuốc từ cây Đại bi điều trị bí tiểu: Dùng 100 gram lá dược liệu tươi hoặc 40 gram lá dược liệu khô rửa sạch với nước muối. Cho dược liệu vào nồi cùng với 800ml nước. Thực hiện sắc thuốc trong 20 phút hoặc cho đến khi lượng nước trong nồi còn 500ml. Để nguội bớt và uống trong ngày.
  • Bài thuốc từ cây Đại bi giúp tăng cường hệ tiêu hóa: Dùng 1 nắm lá dược liệu rửa sạch với nước muối. Ăn sống sau bữa ăn.
  • Bài thuốc từ cây Đại bi điều trị gai cột sống: Dùng 1 nắm lá dược liệu rửa sạch với nước muối, để ráo nước. Cho dược liệu vào cối và thực hiện giã nát. Trộn đều dược liệu cùng với 3 hạt muối thô, ¼ lon bia. Uống 1 lần/ngày. Sử dụng liên tục trong 7 ngày.
  • Bài thuốc từ cây Đại bi điều trị gai cột sống, đau nhức xương: Dùng 1 nắm lá dược liệu rửa sạch với nước muối. Trộn dược liệu với một ít rượu vang trên chảo lửa. Cho dược liệu vào túi vải, sau đó chườm vào vị trí đau nhức.
  • Bài thuốc từ cây Đại bi điều trị cảm mạo, sốt: Dùng 70 gram lá dược liệu khô sắc cùng với 700ml nước và uống trong ngày. Dùng 1 nắm lá dược liệu khô, 1 nắm cây sả, 1 nắm lá chanh rửa sạch với nước muối. Cho vào nồi và đun sôi cùng với 1 lít nước. Dùng khăn trùm kín cả người và nồi nước dược liệu. Thực hiện xông trong 30 phút. Hoặc dùng 1 nắm lá dược liệu, 1 nắm lá ngải cứu tươi, 1 nắm cám gạo trộn đều và đun trên chảo nóng cho đến khi nóng già. Cho dược liệu vào vải mềm, gói lại và thực hiện chườm nóng khắp người để giải cảm. Lưu ý người bệnh cần kết hợp sắc thuốc uống và xông).
Những bài thuốc chữa bệnh từ cây Đại bi
Những bài thuốc chữa bệnh từ cây Đại bi

Lưu ý

  • Cần rửa sạch dược liệu với nước muối trước khi sử dụng để tránh tình trạng nhiễm khuẩn.

Thông tin về cây Đại bi và những bài thuốc chữa bệnh trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Vì thế người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để nhận được sự tư vấn chuyên môn trước khi sử dụng dược liệu. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên, chẩn đoán và phương pháp chữa bệnh thay cho bác sĩ có chuyên môn.