Nguyên nhân khiến ráy tai có mùi hôi và cách điều trị phù hợp

Ráy tai có mùi hôi là biểu hiện bạn đã mắc phải một vấn đề nào đó về tai như bị nhiễm trùng tai, ung thư tai, bị các dị vật lạ rơi vào tai… Nắm rõ các thông tin về tình trạng này sẽ giúp bạn xác định hướng điều trị và phòng ngừa bệnh cho bản thân.

Tìm hiểu về tình trạng ráy tai có mùi hôi và cách điều trị
Tìm hiểu về tình trạng ráy tai có mùi hôi và cách điều trị

Ráy tai là gì?

Trong ống tai của mỗi chúng ta đều chứa các dịch ráy. Đây là một sản phẩm được tiết ra bởi các tuyến dịch ráy trong ống tai ngoài. Khi các dịch này kết hợp với các tế bào da chết và các chất khác từ bên ngoài lọt vào ống tai sẽ tạo nên ráy tai.

Tương tự như dịch ráy, ráy tai có tác dụng bảo vệ ống tai khỏi các tác nhân có hại từ bên ngoài. Tuy nhiên, chức năng bảo vệ của nó có những nét khác biệt. Chúng chỉ có tác dụng bảo vệ trong thời gian ngắn, sau đó sẽ giảm dần đi cùng với quá trình oxy hóa. Một khi ráy tai này bị oxy hóa hoàn toàn, nó sẽ không thể bảo vệ tai được nữa mà sẽ chuyển thành chất thải và được thải ra ngoài.

Tùy vào thể trạng của từng người mà các ráy tai có dạng ẩm hoặc khô và thường không có mùi. Tuy nhiên khi nó có mùi thì có thể là bạn đã gặp một số vấn đề nào đó về tai. Do đó, nếu thấy những biểu hiện này, hãy nhanh chóng đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị.

Vì sao ráy tai có mùi hôi?

Ráy tai có mùi hôi thường do các yếu sau gây ra:

♦ Sự tích tụ quá nhiều của ráy tai: 

Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến cho ráy tai có mùi. Tình trạng tắc nghẽn ráy tai trong ống tai sẽ làm cho các vi khuẩn tồn tại trong ống tai phát triển, gây hôi. Thông thường, tình trạng này sẽ gây ra các biểu hiện như sau:

  • Đau tai.
  • Khả năng nghe kém.
  • Chảy dịch tai.

♦ Mắc chứng Cholesteatoma:

Đây là một bệnh lý đặc biệt của chứng viêm tai giữa mãn tính. Đặc trưng của bệnh là sự xuất hiện của các khối Cholesteatoma trong lớp niêm mạc tai bị viêm. Những khối này có thể phát triển, ăn mòn các cấu trúc khác ở tai giữa hoặc những cấu trúc gần kề. Hệ quả là làm cho tình trạng viêm ngày càng trầm trọng, thậm chí có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm.

♦ Bị viêm tai giữa: 

Viêm tai giữa là một trong những nguyên nhân có thể khiến tai của bạn có mùi. Bệnh do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Nếu bị nhiễm trùng tai ở trẻ nhỏ, chúng thường có các biểu hiện như sau:

  • Đau tai, đau đầu.
  • Sốt cao trên 38°C.
  • Thính giác giảm.
  • Thường hay quấy khóc.
  • Ăn không ngon miệng.
  • Mất thăng bằng.

Nếu đối tượng mắc bệnh là người lớn, họ thường chỉ cảm thấy đau tai, khả năng nghe kém. Ngoài ra còn có cả tình trạng ráy tai có mùi hôi.

♦ Ung thư tai: 

Mặc dù là căn bệnh hiếm khi xảy ra, nhưng ung thư tai cũng là một trong những nguyên nhân có thể khiến ráy tai có mùi. Cho đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ung thư tai. Tuy nhiên, yếu tố gây bệnh chủ yếu được cho là do tai bị nhiễm trùng thường xuyên.

Tùy vào vị trí khối u nằm ở tai ngoài, tai giữa hay tai trong mà các biểu hiện cũng có sự khác biệt. Nhưng đa số người bệnh thường sẽ có các biểu hiện chung như sau:

  • Đau tai, chảy máu tai.
  • Ráy tai bị tích tụ, có mùi hôi.
  • Nghe kém hoặc bị điếc hoàn toàn.
  • Ù tai.
  • Nếu khối u nằm trong tai giữa, các cơ trên khuôn mặt khó di chuyển.
  • Bị nhức đầu, chóng mặt.

♦ Mắc bệnh tai võng mạc:

Nhiễm trùng tai thường xuyên do bơi lội là một trong những nguyên nhân khiến ráy tai có mùi hôi
Nhiễm trùng tai thường xuyên do bơi lội là một trong những nguyên nhân khiến ráy tai có mùi hôi

 

Tai võng mạc là một thuật ngữ được dùng để chỉ tình trạng tai bị viêm do thường xuyên bơi lội. Khi không may để nước vào tai, chúng có thể gây nhiễm trùng. Thông thường, người bị tình trạng này sẽ có các biểu hiện như sau:

  • Có cảm giác ngứa ngáy trong ống tai.
  • Phía trong ống tai bị đỏ.
  • Nghe kém.
  • Chảy dịch mủ.
  • Sốt.

♦ Bị dị vật rơi vào tai: 

Đây là tình trạng có thể gặp ở cả trẻ nhỏ và người lớn. Những dị vật nhỏ như hạt cườm, thức ăn, các chất tẩy rửa, xà phòng… khi bị mắc kẹt trong tai sẽ làm cho ráy tai có mùi hôi. Ngoài ra, người bệnh có thể có thêm các biểu hiện khác nữa, cụ thể:

  • Đau tai.
  • Nhiễm trùng tai.
  • Ráy tai bị tắc nghẽn.
  • Bị điếc.

Dù là nguyên nhân nào gây ra thì ráy tai có mùi hôi cũng là một biểu hiện xấu. Do đó, nếu thấy cơ thể có các biểu hiện như trên thì hãy nhanh chóng đi khám và điều trị.

Ráy tai có mùi hôi được điều trị như thế nào?

Tùy vào từng nguyên nhân gây bệnh khác nhau mà các phương pháp điều trị cũng được áp dụng khác nhau. Thông thường, bệnh sẽ được chữa trị theo những cách như sau:

♦ Nếu do ráy tai tích tụ quá nhiều: 

Khi bị tình trạng này, bạn có thể áp dụng các biện pháp điều trị như sau:

  • Sử dụng các dung dịch nhỏ tai như hydro peroxide, glycerin hoặc dầu khoáng để làm mềm sáp trong tai.
  • Sau khi lớp sáp đã được làm mềm, dùng ống tiêm tai bằng cao su để phun nước ấm vào tai. Sau đó nghiêng đầu qua một bên để cho lượng nước này chảy ra ngoài.
  • Dùng khăn sạch hoặc máy sấy để làm sạch vùng tai ngoài của bạn.

Tuy nhiên, nếu tai của bạn bị đau, dịch nhầy chảy ra nhiều hoặc có biểu hiện bị nhiễm trùng như bị sốt thì không được thực hiện cách này. Việc bạn cần làm là phải tìm đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị. Lúc này, các bác sĩ sẽ dựa vào mức độ bệnh mà bạn đang mắc phải để đưa ra các cách xử lý phù hợp. Có thể là dùng ống tiêm cao su, ống hút…. để hút các ráy tai ra ngoài.

♦ Ráy tai có mùi hôi do bị viêm tai giữa: 

Dùng các loại thuốc kháng sinh để điều trị ráy tai có mùi hôi do bị viêm tai giữa
Dùng các loại thuốc kháng sinh để điều trị ráy tai có mùi hôi do bị viêm tai giữa

Nếu nghi ngờ mình bị viêm tai giữa, tốt nhất là bạn nên tìm đến các bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị. Thông thường, bệnh sẽ được điều trị bằng các biện pháp như sau:

  • Theo dõi bệnh khoảng 1 – 2 tuần để xem tình trạng bệnh có tiến triển hay không.
  • Nếu thấy bệnh không thuyên giảm, bạn sẽ được chỉ định sử dụng các loại thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau.
  • Dùng các công cụ chuyên dụng để lấy các ráy tai ra ngoài.
  • Rửa tai bằng cách dùng ống tiêm tai cao su để bơm nước ấm vào tai.
  • Nếu ráy tai bị hôi do dị vật hoặc do xác côn trùng bị tắc, hãy dùng oliu, dầu khoáng hoặc các loại dầu khác để tống chúng ra ngoài.

♦ Cách chữa đau tai do bị tai võng mạc: 

Nếu đau tai do bơi lội nhiều thì bạn cần phải tìm đến các bác sĩ để được điều trị. Vì đây là một bệnh nhiễm trùng nên các phương pháp thường được áp dụng bao gồm:

  • Dùng các ống hút để hút dịch tai ra ngoài.
  • Uống thuốc giảm đau, kháng viêm.

Để bệnh nhanh được chữa lành, tuyệt đối không được bơi, đi máy bay hoặc đeo các máy trợ thính trong thời gian điều trị. Nên cẩn thận khi tắm, tránh để nước rơi vào tai.

♦ Điều trị ráy tai có mùi hôi do Cholesteatoma:

Với những trường hợp này, các bác sĩ sẽ chỉ định bạn dùng các loại thuốc kháng sinh, thuốc nhỏ tai. Bên cạnh đó, những biện pháp làm sạch tai sẽ được áp dụng. Nếu không mang lại tác dụng, bạn có thể sẽ phải thực hiện phẫu thuật để cắt bỏ khối u.

♦ Ráy tai hôi do ung thư tai: 

Nếu bị ung thư tai, tùy vào mức độ bệnh lý mà bạn sẽ được chỉ định các biện pháp điều trị hợp lý. Các phương pháp thường được sử dụng bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị.

Ráy tai có mùi hôi sẽ làm cho người bệnh vô cùng khó chịu, mất tự tin trong sinh hoạt hàng ngày. Nghiêm trọng hơn, nó có thể là biểu hiện của các chứng bệnh nguy hiểm. Do đó, nếu thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường, hãy nhanh chóng đi khám và được chữa trị sớm.

ThuocDanToc.vn không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.