Acid folic là gì?
Acid folic gọi chung là Vitamin B9 thường được sử dụng để điều trị chứng thiếu Acid folic hoặc máu, ngăn ngừa bệnh lý tim mạch. Bên cạnh đó, hoạt chất này còn được bác sĩ khuyến cáo bổ sung ở phụ nữ có kế hoạch mang thai nhằm ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở thai nhi.
- Tên biệt dược: Rescuvolin, Acid Folic 5mg, DBL Leucovorin Calcium
- Thuốc biệt dược mới: Acid folic 5mg, Acid folic MKP, Prenatal, sắt Fumarat Acid Folic, Heramama
- Nhóm thuốc: Thuốc có tác dụng đối với máu
- Thành phần: Acid folic
- Dạng bào chế và hàm lượng: Dung dịch, viên nén, viên nang
Thông tin hữu ích về Acid folic
1. Tác dụng của Acid folic
Acid folic khi vào cơ thể sẽ được khử thành tetrahydrofolat. Đây là một coenzym của nhiều quá trình chuyển hóa và tổng hợp các nucleotid có nhân pyrimidin và purin, gây ảnh hưởng đến việc tạo hồng cầu. Chính vì vậy, khi cơ thể thiếu Acid folic sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu nguyên hồng cầu. Do đó, loại vitamin này thường được sử dụng để điều trị và phòng ngừa thiếu máu do thiếu Acid folic. Đồng thời, thuốc có tác dụng ngăn ngừa ung thư cổ tử cung, ung thư đại tràng và bệnh lý tim mạch.
Ngoài ra, Acid folic còn được chỉ định sử dụng ở những bệnh nhân đang điều trị bệnh động kinh bằng thuốc Hydantion. Bên cạnh đó, người bệnh đang chữa bệnh bằng thuốc kháng Acid folic như methotrexat cũng cần bổ sung Acid folic.
Mặt khác, Acid folic đóng vai trò quan trọng trong cấu tạo và phát triển hệ thống thần kinh của thai nhi. Vì vậy, để tránh trẻ bị khuyết tật tại ống thần kinh do thiếu Acid folic, bác sĩ thường cho các mẹ bổ sung trước khi mang thai.
2. Acid folic chống chỉ định trong trường hợp nào?
Acid folic được sử dụng như một loại thuốc tạo máu, giúp điều trị chứng thiếu máu và Acid folic. Tuy nhiên, chúng không được sử dụng ở một số trường hợp sau:
- Người bị thiếu máu tán huyết hoặc đa hồng cầu
- Người mẫn cảm với Acid folic
3. Liều dùng và cách dùng Acid folic
Người bệnh nên dùng Acid folic theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không dùng quá liều hoặc lâu hơn thời gian quy định. Về cách sử dụng, bệnh nhân nên uống thuốc với nhiều nước.
Thông thường, bác sĩ sẽ thay đổi liều lượng Acid folic phù hợp với tình trạng sức khỏe và bệnh tình của mỗi người, giúp tăng công dụng trị liệu. Chẳng hạn như:
+ Điều trị chứng thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ
– Liều dùng ở người lớn:
- Liều khởi đầu: 5 mg mỗi ngày. Sử dụng trong 4 tháng. Đối với trường hợp hấp thu kém, có thể dùng 15 mg mỗi ngày.
- Liều duy trì: Cứ 1 – 7 ngày uống 1 lần, mỗi lần uống 5 mg. Tuy nhiên, liều lượng và thời gian dùng có thể thay đổi tùy thuộc vào tình trạng bệnh.
– Liều dùng ở trẻ em:
- Trẻ dưới 1 tuổi: Uống 500 microgam/ kg mỗi ngày
- Trẻ em trên 1 tuổi: Liều dùng tương tự người lớn
+ Bổ sung Acid folic cho phụ nữ khi có thai
Nhu cầu dùng Acid folic cho phụ nữ trưởng thành và khi có thai là 200 – 400 microgam/ người/ ngày. Còn liều dùng đối với chị em có tiền sử mang thai mà thai nhi bị bất thường về ống tủy sống, trước khi mang thai phụ nữ nên dùng 4 – 5 mg Acid folic mỗi ngày. Và liều dùng tiếp tục trong 3 tháng đầu của chu kỳ thai.
+ Liều dùng cho người trưởng thành hoặc trẻ bị thiếu Acid folic
– Liều dùng ở người lớn:
- Có thể sử dụng Acid folic dưới dạng thuốc uống, tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp hoặc tiêm dưới da. Liều dùng thường là 400 – 800 microgam mỗi ngày.
- Phụ nữ mang thai, đang cho con bú hoặc độ tuổi sinh con nên dùng 800 microgam, một lần mỗi ngày dưới dạng tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch, tiêm dưới da.
– Liều dùng ở trẻ em:
- Trẻ sơ sinh: 0,1 mg mỗi ngày dưới dạng thuốc uống hoặc tiêm
- Với trẻ dưới 4 tuổi: Dùng 0,3 mg một lần mỗi ngày
- Trẻ em trên 4 tuổi: 0,4 mg mỗi ngày
4. Dạng bào chế và hàm lượng của Acid folic
Acid folic có những dạng và hàm lượng như:
+ Dạng viên uống
- Viên nang: 5 mg và 20 mg
- Viên nén: 400 mcg, 800 mcg và 1 mg
- Viên nén không chứa chất bảo quản: 400 mcg và 800 mcg
+ Dạng tiêm
Dạng dung dịch như sodium folate: 5 mg/ ml
Một số câu hỏi thường gặp khi sử dụng Acid folic
1. Acid folic có gây tác dụng phụ không?
Acid folic thường được cơ thể dung nạp tốt. Tuy nhiên, người bệnh cũng có thể gặp phải một vài phản ứng phụ hiếm gặp khi sử dụng như:
- Ngứa
- Nổi ban
- Mày đay
- Rối loạn tiêu hóa
2. Acid folic có tương tác với thuốc nào không?
Acid folic có thể tương tác và làm giảm tác dụng của một số loại thuốc sau đây:
- Sulphasalazin và Folat: Làm giảm hấp thu của Folat
- Thuốc tránh thai và Folat
- Acid folic với một số loại thuốc chống co giật
- Cotrimoxazol với Acid folic
3. Khi sử dụng Acid folic nên thận trọng những điều gì?
Trong quá trình dùng Acid folic để cải thiện bệnh, nếu cơ thể không dung nạp thuốc, bệnh nhân nên ngưng sử dụng để tránh lãng phí tiền và ngăn ngừa tác dụng phụ có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, không nên dùng Acid folic riêng lẻ hay phối trộn chung với vitamin B12 để điều trị thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ khi chưa thăm khám. Bởi việc dùng sai cách có thể gây thoái hóa tủy sống bán cấp.
Ngoài ra, người bệnh cũng nên thận trọng, không tư ý sử dụng Acid folic khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Bởi bệnh nhân có thể bị khối u phụ thuộc Folat.
4. Acid folic có giá bao nhiêu và bán ở đâu?
Hiện tại, trên thị trường có nhiều nhà sản xuất với quy trình, biệt dược khác nhau. Chính vì vậy, giá bán Acid folic thường không giống nhau. Cụ thể:
- Acid Folic MKP với hàm lượng Acid folic 5 mg do nhà sản xuất Công ty Cổ phần hóa dược phẩm Mekophar có giá 32.000 VNĐ/ 1 hộp (10 vỉ/ 10 viên).
- Folacid với hàm lượng Acid folic 5 mg do nhà sản xuất Công ty Cổ phần Dược phẩm dược liệu Pharmedic có giá 45.000 VNĐ/ hộp.
Acid folic được bày bán ở các cửa thuốc Tây trên toàn quốc. Mức giá bán có thể dao động tùy thuộc từng cửa hàng.
Trên đây là thông tin về Acid folic, người bệnh có thể tham khảo để hiểu rõ hơn về thành phần, công dụng cũng như tác dụng phụ của thuốc. Bên cạnh việc uống thuốc, để đảm bảo an toàn, các chuyên gia khuyên bệnh nhân nên bổ sung Acid folic thông qua các nguồn thực phẩm tự nhiên như thịt gia cầm, mầm lúa mì và cam, chanh.