Thuốc Diclofenac 75mg: Tác dụng, chống chỉ định, cách sử dụng
Diclofenac là một loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) có tác dụng giảm đau nhức, sưng viêm, được sử dụng chủ yếu trong điều trị bệnh xương khớp mãn tính.
- Tên hoạt chất: diclofenac
- Tên biệt dược: cataflam, cambia, zorvolex, voltaren-XR, Dyloject, zipsor
- Nhóm thuốc: nhóm kháng viêm không steroid (NSAID)
Những thông tin quan trọng về thuốc Diclofenac
Mặc dù được sử dụng khá phổ biến tuy nhiên không hẳn ai cũng nắm bắt chính xác tác dụng, liều dùng của loại thuốc này. Việc tìm hiểu những thông tin về thuốc Diclofenac sẽ giúp bạn sử dụng thuốc đúng mục đích và giảm thiểu được những rủi ro phát sinh.
1.Tác dụng
Tác dụng chính của Diclofenac là giảm đau, sưng viêm và cứng khớp do các bệnh xương khớp mãn tính gây ra. Diclofenac thuộc nhóm thuốc chống viêm không steroid, có tác dụng điều trị cơn đau nhẹ đến trung bình.
Ngoài ra, các nhóm biệt dược của Diclofenac còn có khả năng điều trị những vấn đề sức khỏe khác nhau:
- Cataflam: điều trị viêm cấp tính trong sản phụ khoa, đau bụng kinh.
- Cambia: giảm cơn đau nửa đầu.
- Voltaren-XR: giảm cơn đau răng, cơn đau gút cấp tính.
Các loại thuốc biệt dược đều có những tác dụng riêng biệt bên cạnh tác dụng chính là giảm đau nhức, sưng viêm. Bạn cần tìm hiểu kĩ về tác dụng cụ thể trước khi lựa chọn loại thuốc điều trị.
Cơ chế hoạt động của Diclofenac chính là ức chế sinh tổng hợp prostaglandin – thành phần giữ vai trò quan trọng trong quá trình gây viêm, đau nhức và nóng sốt. Trong trường hợp cơn đau nặng nề, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm loại thuốc giảm đau có tác dụng nhanh hơn diclofenac.
2. Chống chỉ định
Diclofenac không tương thích với mọi cơ địa, thuốc chống chỉ định với những trường hợp sau đây:
- Viêm loét dạ dày – tá tràng
- Bệnh nhân hen suyễn, nổi mề đay, viêm xoang cấp
- Suy giảm chức năng thận và gan
- Thiếu máu cơ tim
- Thai phụ ở 3 tháng cuối thai kỳ
- Nhạy cảm với diclofenac và các nhóm thuốc kháng viêm không steroid
- Không sử dụng cho người dưới 18 tuổi
Thông tin trên chưa bao hàm hết những đối tượng chống chỉ định dùng thuốc diclofenac. Bạn cần chủ động trình bày với bác sĩ những vấn đề sức khỏe để xác định đúng loại thuốc phù hợp.
3. Tác dụng phụ
Diclofenac gây ra một số tác dụng ít nghiêm trọng, những tác dụng phụ này có thể biến mất trong thời gian ngắn. Tuy nhiên nếu chúng phát triển với mức độ nghiêm trọng hơn, bạn cần cơ sở y tế để bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân và xử lý kịp thời.
- Thường xuyên ợ nóng, đau bụng và tiêu chảy
- Chướng bụng, đầy hơi, táo bón
- Đau đầu, chóng mặt
- Phát ban
- Tai ù, không nghe rõ
- Thị lực giảm nhưng không nghiêm trọng
Đây là những tác dụng phụ phổ biến nhất, bạn có thể gặp phải những tác dụng phụ khác. Khi cơ thể xuất hiện những dấu hiệu bất thường, bạn cần chủ động tìm gặp bác sĩ, tránh để tình trạng kéo dài sẽ gây hại cho sức khỏe.
4. Các loại thuốc tương tác với Diclofenac
Diclofenac có khả năng tương tác với một số loại thuốc điều trị. Khi xảy ra tương tác, hoạt động của từng loại thuốc có dấu hiệu suy giảm hay nghiêm trọng hơn là phát sinh những tác dụng phụ nguy hiểm.
Diclofenac tương tác với những loại thuốc như: ketorolac, anagrelide, certinib, cilostazol, citalopram, cyclosporine, dabrafenib, enoxaparin, prasugrel,… Để giảm thiểu các tác dụng phụ phát sinh, bạn cần tham khảo ý kiến trước khi sử dụng cùng lúc những loại thuốc này, nếu không phù hợp bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc khác để thay thế.
5. Cách sử dụng
Mỗi loại thuốc biệt dược đều có cách sử dụng khác nhau, bạn nên đọc hướng dẫn trên bao bì hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng đúng cách.
Khi dùng diclofenac nên uống kèm theo một ly nước đầy, nằm nghỉ ngơi trong khoảng 10 phút để thuốc ngấm. Đảm bảo nuốt trực tiếp viên thuốc, không nhai, nghiền hay hòa tan thuốc vì có nguy cơ làm tăng tỉ lệ phát sinh tác dụng phụ.
Liều lượng và tần suất sử dụng phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và triệu chứng của người bệnh, bác sĩ sẽ có chỉ định chuyên khoa. Bạn cần thực hiện đúng hướng dẫn từ bác sĩ, tuyệt đối không tự ý thay đổi liều lượng và tần suất.
Với những người gặp các vấn đề tiêu hóa và dạ dày ở mức độ nhẹ, bạn vẫn có thể dùng diclofenac tuy nhiên cần dùng kèm theo sữa hoặc nhóm thực phẩm kháng axit. Mặc dù nhóm thực phẩm này có khả năng ức chế tác dụng của thuốc nhưng chúng giúp cơ thể kiểm soát những ảnh hưởng của thuốc lên cơ quan tiêu hóa.
6. Liều dùng cụ thể
Diclofenac được dùng cho người trên 18 tuổi, tuy nhiên liều dùng cụ thể phụ thuộc vào bệnh lý và mục đích sử dụng.
- Liều dùng thông thường để giảm đau nửa đầu:
Sử dụng kali diclofenac ở dạng dung dịch uống, dùng 50mg (1 gói)/ lần bằng cách trộn với 30ml nước và uống ngay.
- Liều dùng thông thường để giảm đau do viêm khớp dạng thấp
Bệnh nhân viêm đa khớp dạng thấp thường được chỉ định thuốc diclofenac 50mg, dùng 3 – 4 lần/ ngày, mỗi lần cách nhau ít nhất 4 giờ. Nếu sử dụng diclofenac 75mg, bạn chỉ nên dùng 2 liều mỗi ngày, mỗi lần cách nhau ít nhất 6 giờ. Liều dùng tối đa cho người trưởng thành là 225mg/ ngày.
Viên nén diclofenac giải phóng natri 100mg chỉ nên dùng mỗi ngày một lần. Trong trường hợp được chỉ định, bạn có thể dùng tối đa 2 lần ngày tương đương với 200mg.
Trong trường hợp triệu chứng nặng nề hơn, bạn không nên tự tăng liều lượng thuốc để giảm cơn đau nhanh. Hãy chia sẻ tình trạng với bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định loại thuốc phù hợp hơn.
- Liều dùng thông thường để giảm đau:
Diclofenac dùng để giảm đau có hai dạng chính: uống và tiêm. Khi cơn đau không quá nặng, bệnh nhân sẽ được dùng thuốc để kiểm soát cơn đau. Chỉ trong trường hợp triệu chứng không thuyên giảm, bác sĩ mới chỉ định tiêm Diclofenac.
#Uống:
Kali diclofenac: dùng 50mg/ lần, ngày dùng 3 lần
Kali diclofenac viên nang mềm: dùng 25mg/ lần, ngày dùng 4 lần
#Tiêm:
Tiêm diclofenac được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân đau lưng cấp, chấn thương nặng nề, đau sau phẫu thuật, cơn đau gút cấp tính,… Liều dùng và tần suất được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa.
- Liều dùng thông thường để giảm đau bụng kinh
Liều dùng tương tự như cách dùng diclofenac để giảm đau. Để cơn đau giảm nhanh chóng, bạn cần uống thuốc và nằm nghỉ ngơi trong khoảng 30 phút.
- Liều dùng cho bệnh nhân viêm cột sống dính khớp
Sử dụng natri diclofenac: dùng viên uống có hàm lượng 25mg/ lần, dùng 4 lần/ ngày. Nếu cần thiết có thể dùng thêm 1 liều trước khi ngủ.
- Liều dùng cho bệnh nhân viêm khớp
Sử dụng diclofenac 50mg, ngày uống từ 2 – 3 lần, dicofenac 75mg chỉ nên dùng 2 lần/ ngày. Diclofenac phóng thích kéo dài 100mg, uống 1 lần/ ngày.
Thuốc chỉ có tác dụng giảm cơn đau và các triệu chứng của bệnh viêm khớp, không tác động đến nguyên nhân gây bệnh. Chỉ nên sử dụng thuốc khi có chỉ định từ bác sĩ, tránh trường hợp lạm dụng thuốc gây ra tác dụng phụ.
7. Bảo quản thuốc
Diclofenac nên được bảo quản ở nhiệt độ phòng, cần chọn nơi cao và thoáng mát. Tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.
Nếu thuốc hết hạn hoặc có dấu hiệu biến chất, bạn cần xử lý đúng cách như hướng dẫn trên bao bì nhằm hạn chế ảnh hưởng đến môi trường.
Các điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Diclofenac
Tương tự các loại thuốc giảm đau thông thường, Diclofenac có nguy cơ gây ra những tác dụng phụ ở nhiều mức độ. Nếu không kịp thời phát hiện, những tác dụng này có thể phát triển và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
1. Khuyến cáo khi dùng thuốc
Khi sử dụng diclofenac, bạn cần sử dụng đúng liều lượng và tần suất in trên bao bì hoặc thực hiện theo chỉ định từ bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý điều chỉnh liều lượng để giảm cơn đau nhanh chóng.
Bạn có khả năng dị ứng và mẫn cảm với diclofenac nếu có tiền sử dị ứng với aspirin, acetaminophen, ibuprofen,… Nên trao đổi với bác sĩ để được chỉ định loại thuốc khác thay thế. Ngoài ra, bạn cần liệt kê tất cả loại thuốc đang hoặc đã sử dụng cách đó không lâu với bác sĩ, bao gồm thuốc điều trị, thực phẩm chức năng, vitamin hay thuốc bổ sung. Các loại thuốc này có thể chứa hoạt chất tương tác với diclofenac. Nếu sử dụng chung, hiệu quả của từng loại thuốc sẽ bị ảnh hưởng hay nghiêm trọng hơn có thể phát sinh những tác dụng phụ nguy hiểm.
Thuốc không chống chỉ định với bệnh nhân sưng niêm mạc mũi, tiền sử đột quỵ, thiếu máu, huyết áp cao, rối loạn chuyển hóa, phenylketone niệu hay người chuẩn bị phẫu thuật, tuy nhiên bạn cần chủ động trao đổi với bác sĩ để ngăn ngừa những rủi ro có thể xảy ra.
Hiện tại vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể về tác dụng phát sinh khi sử dụng diclofenac với rượu, bia, thuốc lá và chất kích thích.
2. Xử lý khi dùng thiếu hoặc quá liều
Dùng thiếu liều không gây nguy hiểm nhưng có thể khiến tác dụng của thuốc bị giới hạn, hiệu quả giảm đau và điều trị không được đảm bảo. Bạn cần sử dụng đều đặn, hạn chế tối đa tình trạng dùng thiếu thuốc. Nếu quên uống một liều, bạn có thể bỏ qua và dùng tiếp liều tiếp theo, không dùng với liều dùng gấp đôi trong lần uống sau.
Ngược lại, việc dùng thuốc quá liều gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngay cả khi cơ thể chưa phát sinh các triệu chứng đặc trưng chúng tôi vẫn khuyến khích bạn nên đến cơ sở y tế để được kiểm soát chặt chẽ và khắc phục ngay khi tác dụng phụ phát sinh.
Nếu bạn không nhận biết mình dùng thuốc quá liều, bạn có thể căn cứ qua những triệu chứng sau:
- Mất kiểm soát và nhận thức
- Đau bụng liên tục, buồn nôn
- Nôn ra máu
- Phân có máu hoặc có màu hắc ín
- Buồn ngủ
- Thở chậm và thở khó
Các triệu chứng này cảnh báo những tác động nghiêm trọng của thuốc lên cơ thể. Nếu không khắc phục ngay, thuốc sẽ gây ra những ảnh hưởng không thể phục hồi. Trong trường hợp này, bạn cần đến bệnh viện để cấp cứu kịp thời.
3.Nên ngưng dùng thuốc khi nào?
Bên cạnh những tác dụng phụ nêu trên, diclofenac có thể gây ra những triệu chứng nguy hiểm hơn. Nếu cơ thể xuất hiện những triệu chứng sau, bạn nên ngưng dùng thuốc và đến ngay cơ sở y tế.
- Sưng mặt, nóng mắt, da phồng rộp, bong tróc
- Ngứa dữ dội, chân tay bầm tím không rõ nguyên nhân
- Cơ bắp yếu, khó khăn khi vận động
- Đi tiểu ít hơn bình thường
- Phân và nước tiểu có màu bất thường
- Đau ngực, khó thở
- Mệt mỏi và suy nhược nghiêm trọng
Các thông tin này không phổ quát hết những trường hợp do diclofenac gây ra, bạn nên chủ động tìm gặp bác sĩ khi phát sinh những vấn đề bất thường khác.
Bạn đọc cần tìm hiểu thông tin về thuốc Diclofenac để sử dụng đúng liều lượng và hạn chế tối đa tác dụng phụ phát sinh. Những thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế lời khuyên và chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.