‘Hít một hơi thật sâu’ là lời khuyên mà phần đông chúng ta đã từng nghe thấy nhưng trong cuộc sống nhưng lại cực kỳ hiếm khi thực hiện theo. Nhưng tôi đã thực sự chú tâm tới lời khuyên ấy khi đang nằm duỗi thẳng tay chân trên một tấm thảm cùng 10 người khác trong căn phòng ở Farnham, (hạt) Surrey (nước Anh).
Tôi gối đầu lên một chiếc ghế nhỏ, trên người đắp một chiếc chăn mỏng.
Bên cạnh tôi là Suzie Poyser, chuyên gia chữa bệnh bằng liệu pháp tâm lý, người đã lái xe từ Manchester tới để tham dự khoá học do Anthony Dunkley, người sáng lập Alchemy of Breath và Amy Rachelle, đồng thời là một chuyên gia chữa bệnh bằng liệu pháp tự nhiên đến từ Mỹ. Mục đích của khoá học này là giúp mọi người hiểu được chuyện gì sẽ xảy ra khi họ thở “một cách trọn vẹn và đích thực” – theo cách nói của Anthony. Theo ông, hít thở chính là “cách hữu hiệu nhất để loại bỏ stress”.
Một số người có mặt ở đây vì họ có xu hướng dễ bị tấn công bởi những nỗi lo lắng, sợ hãi hoặc gặp phải các rắc rối liên quan tới cảm xúc khác. Một số khác, như tôi, tò mò muốn học hỏi về việc luyện tập hít thở – thứ mà chúng tôi luôn coi là tự nhiên phải thế, đâu có gì cần thắc mắc.
Mặc dù nghe có vẻ như “ai cũng biết cũng hay” nhưng thực tế thì rất nhiều người trong số chúng ta không thực sự hít thở một cách phù hợp. Hậu quả là sức khoẻ của chúng ta, chức năng thần kinh, thậm chí cả khả năng diễn thuyết cũng chịu tác động xấu.
Bác sĩ James Hull, bác sĩ cố vấn chuyên khoa hô hấp ở Bệnh viện Royal Brompton (London), giải thích rằng, hít thở kém – hay rối loạn chức năng hít thở – có thể dẫn tới chứng buồn nôn, đau đầu, tức ngực và mất tập trung. Trung bình, chúng ta hít vào và thở ra 14 lần/phút, chủ yếu không cần bất cứ nỗ lực có ý thức nào. Nhưng vào những lúc bị stress, chúng ta có thể nảy sinh thứ mà bác sĩ Hull gọi là “rối loạn thói quen hít thở”.
Đôi khi, hiện tượng này biểu lộ ra ở việc hơi thở quá nhanh hoặc cảm giác như bạn đang bị nghẹt thở. Sau đó, nó dẫn tới tình trạng hẹp thanh quản và có thể ảnh hưởng tới cách chúng ta phát âm cũng như mang đến cảm giác sợ hãi. “Đó là một cơ chế tự vệ – một phản ứng lại với stress – và có thể ngay lập tức được tìm ra nhưng bạn sẽ cần được hướng dẫn đôi chút”, bác sĩ Hull cho biết.
Cũng theo bác sĩ Hull, số người bị rối loạn thói quen hít thở đang ngày càng gia tăng. “Trong nhiều trường hợp, người gặp khó khăn về hít thở thường bị chẩn đoán nhầm thành bệnh hen suyễn. Một phần lý do là khi thanh quản bị hẹp, chúng ta có xu hướng phát ra hơi thở khò khè. Thường thì bạn sẽ không cần dùng thuốc mà nên chọn một vài khoá học với chuyên gia trị liệu về hô hấp, người sẽ giúp bạn luyện các bài tập hít thở”.
Một bước then chốt cần lưu ý là hít thở qua mũi chứ không phải qua miệng. Bởi vì việc hít vào sẽ khiến đường thở hoạt động mạnh hơn, kích hoạt các nhóm cơ vận hành như ống thở và kết quả là giúp sinh ra những hơi thở sâu hơn. Mũi cũng có chức năng như một máy lọc và máy giữ ẩm, làm ấm không khí trước khi vào phổi. Không khí lạnh gây kích thích các sợi thần kinh ở phổi và gây ho. Và nếu bạn thở qua mũi, nó cũng sẽ hoạt động như một chiếc phanh, có tác dụng làm chậm nhịp thở của chúng ta.
Thở qua miệng – ít nhất vào buổi đêm – có thể tăng nguy cơ sâu răng. Theo một nghiên cứu được thực hiện tại New Zealand và công bố hồi tháng 2 trên tạp chí Journal of Oral Rahabilitation, thở bằng đường miệng có thể làm bay hơi lượng nước bọt tính kiềm có khả năng bảo vệ răng miệng. Khi đó, axit sinh ra do vi khuẩn trong miệng không thể bị trung hoà. Phương pháp trị liệu bằng hít thở như bác sĩ Hull mô tả có thể tìm thấy ở phần lớn các bệnh viện tại Anh.
Còn Anthony Dunkley, 62 tuổi, là người đã thành lập Alchemy of Breath ở Bali 3 năm trước. Trong các khoá học của ông – vốn được xếp vào dạng liệu pháp Thế hệ mới, Anthony gợi ý hít thở qua đường miệng.
Ở phần đầu khoá học, ông yêu cầu chúng tôi nhắm mắt và tập trung vào hơi thở, bắt đầu hít vào ngay sau khi thở ra – ông gọi đây là “hơi thở kết nối”. Anthony nhấn mạnh, ông muốn chúng tôi “thở vào bất cứ cảm xúc nào mà chúng tôi có”, cho dù đó là cảm xúc tích cực hay tiêu cực.
Sau đó, âm nhạc du dương được bật lên. Anthony và Amy bắt đầu đi khắp phòng vẩy thứ tinh dầu có tác dụng chữa bệnh để tạo cảm giác tĩnh tại. Rồi họ nhẹ nhàng gõ một nhịp trống và chơi một số nhạc cụ thuộc bộ gõ khác nhằm “hỗ trợ” cho hơi thở của chúng tôi.
Ở hơi thở ra, tôi nhận thấy cảm giác rất dễ chịu khi để thoát ra một âm dài, trầm, khá giống tiếng ngáy. Tôi thấy hai bàn tay râm ran, lồng ngực tê dại đi. Tôi cảm thấy hơi chóng mặt nhưng lòng rất thanh thản, nhẹ nhàng.
Tò mò trỗi dậy, tôi tìm kiếm thêm chỉ dẫn bằng cách đăng ký một khoá học “hít thở chủ tâm” tại một spa ở London. Chúng tôi bắt đầu bằng các bài tập mở rộng hơi thở – bao gồm việc hít thở đầy khoang bụng và khung xương sườn trước khi thêm vào một hơi thở ngắn nữa hướng vào trong vào đoạn cuối.
Chuyên gia trị liệu Michelle Matthews giải thích rằng một lỗ mũi luôn hoạt động trội hơn lỗ mũi còn lại và do đó, chúng ta thực hành bài tập hít thở có tên “hít thở luân phiên qua đường mũi”. Sau khoá học này, tôi cảm thấy thực sự rất sảng khoái.
Như bác sĩ Anindo Banerjee, chuyên gia về hô hấp tại Bệnh viện Đa khoa Southampton, lý giải, hít thở sai có thể ảnh hưởng tới hàm lượng CO2 trong máu. “Hít thở quá nhanh đồng nghĩa với việc bạn loại bỏ quá nhiều CO2 và do đó khiến cả hệ thống cơ thể bạn mang tính kiềm quá nặng”. Ông cũng nhấn mạnh thêm, stress làm biến đổi cách chúng ta hít thở, khiến chúng ta có những hơi thở vừa nông vừa mạnh. Stress kéo dài tức là chúng ta liên tục phải thở như thế này và như thế chỉ sử dụng được 3 phần đầu của phổi vào việc thở – dấu hiệu báo trước của hội chứng tăng thông khí (thở quá nhanh).
Cũng theo bác sĩ Banerjee, ông nhận thấy giá trị tuyệt vời từ những khoá dạy thở như khoá học của Anthony bởi chúng “tập trung nhiều vào hơi thở, đẩy lùi mọi vấn đề khác và nhờ đó, mang lại cảm giác an nhiên thực sự”.
Tôi không thể khẳng định các khoá học thở giúp tôi an nhiên, tự tại hơn. Nhưng tôi để ý thấy bất cứ khi nào ngồi tĩnh lặng trên một chuyến tàu, tôi đều bứt đầu tập thở có ý thức hơn và rõ ràng, cảm giác dễ chịu hơn hẳn.