Phân loại viêm buồng trứng
Buồng trứng có chức năng nuôi dưỡng trứng trưởng thành để rụng và thụ thai. Cũng như bất kì bộ phận nào trong cơ thể, buồng trứng cũng có thể dễ mắc bệnh nếu như người phụ nữ không chú ý chăm sóc và bảo vệ. Thông thường, buồng trứng sẽ dễ bị viêm nhiễm khi chị em thường xuyên quan hệ tình dục không an toàn; không giữ vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ; nạo phá thai nhiều lần; sinh hoạt tình dục quá sớm,… Lúc này chị em sẽ bắt đầu thấy xuất hiện một số triệu chứng như đau bụng, đau vùng xương hông, kinh nguyệt rối loạn, hoặc toàn thân mệt mỏi.
Các chuyên gia y tế cho hay, buồng trứng hay còn gọi là những phần phụ, viêm buồng trứng còn được gọi là viêm phần phụ. Để tiện cho việc theo dõi và điều trị, tùy theo từng biểu hiện và mức độ mà viêm buồng trứng được phân thành viêm buồng trứng cấp tính và mãn tính.
Đối với viêm buồng trứng cấp tính
Người bệnh thấy đau ở vùng hạ vị, thường đau ở cả 2 bên hố chậu nhưng bao giờ một bên cũng đau trội hơn bên kia. Đau liên tục có khi đau dữ dội. Khi một bệnh nhân nữ đau ở hạ vị và ra khí hư thì phải nghĩ đến viêm phần phụ. Bên cạnh đó, người bệnh còn bị sốt, nhiệt độ tăng vừa phải, ít khi sốt cao, mạch nhanh. Ngoài ra, người bệnh cảm thấy đau khi nắn vùng hạ vị, trên xương vệ. Thăm 2 bên túi cùng, bệnh nhân đau nhói. Khối nề cạnh tử cung, di động tử cung khó và rất đau là một triệu chứng quan trọng.
Viêm buồng trứng mãn tính
Người bệnh thấy đau ở vùng hạ vị, đau hai bên hố chậu, cơn đau sẽ tăng lên khi làm việc nặng, đi lại nhiều; khí hư ra nhiều; ra máu bất thường trước và sau kỳ kinh, hoặc bị rong kinh. Ở triệu chứng thực thể khi thăm âm đạo phối hợp với nắn bụng sẽ thấy tử cung di động hạn chế, khi di động thì đau.
Buồng trứng là một trong những cơ quan quan trọng của hệ sinh dục phụ nữ. Vì vậy nếu có bất cứ sự thay đổi nào tại buồng trứng đều có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe sinh sản của nữ giới. Do đó, dù mắc viêm buồng trứng ở giai đoạn cấp tính, hay mãn tính, bạn cũng cần phải đi điều trị càng sớm càng tốt.